Theo tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2008, ung thư đại trực tràng (UTĐTT) đứng thứ 3 trên thế giới và thứ 4 tại Việt Nam trong số các bệnh ung thư thường gặp nhất. Tại BVĐK tỉnh, năm 2011 có 259 trường hợp mắc bệnh UTĐTT, năm 2012 là có 248 trường hợp. Đây là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao như bị polip hoặc tiền căn gia đình có nhiều người mắc polip đại trực tràng. Những người mắc bệnh đa polip đại trực tràng được xem là tổn thương tiền ung thư có nguy cơ bị ung thư cao sau tuổi 20. Chế độ ăn nhiều chất béo, chất đạm động vật, ít chất xơ, viêm nhiễm đại trực tràng lâu ngày hoặc người hút thuốc lá, béo phì cũng được xem là yếu tố nguy cơ.
Đa phần người bệnh nhập viện trong tình trạng hay mót rặn, đau quặn từng cơn, đi cầu phân nhầy mũi, có máu theo phân, tiêu chảy, táo bón… Khi sờ thấy khối u qua khám bụng thì ung thư đã ở giai đoạn muộn. Có thể phát hiện u qua thăm khám hậu môn.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cơ bản nhất đối với UTĐTT. Nguyên tắc phẫu thuật là lấy hết tổ chức ung thư, đảm bảo diện cắt an toàn, nạo vét hạch vùng và lập lại lưu thông ruột. Ngày nay, nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán do có CT Scanner, siêu âm nội trực tràng… và các kỹ thuật khâu nối bằng máy, mổ nội soi mà xu hướng phẫu thuật càng tăng cường điều trị bảo tồn. Tùy vị trí và giai đoạn bệnh, cần phải phối hợp hóa chất và tia xạ để điều trị hỗ trợ cho phẫu thuật.
Để phát hiện sớm bệnh, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ đã ra khuyến cáo sàng lọc UTĐTT. Người sau tuổi 50 nên xét nghiệm tìm máu trong phân và nội soi đại tràng từ 3-5 năm một lần. Những người có nguy cơ cao cần chú ý đặc biệt.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, nên hạn chế ăn mỡ và thịt động vật, tăng cường hoa quả và chất xơ vào bữa ăn hàng ngày, hạn chế thức ăn lên men cũng như xông khói, muối, sấy khô. Cần tránh những chất gây đột biến gen có trong thức ăn như thuốc trừ sâu diệt cỏ và thuốc tăng trọng, không lạm dụng bia rượu và các chất lên men khác.
(BVĐK tỉnh) |