Toàn tỉnh có gần 200 trường THCS và THPT, trong số này chỉ khoảng 30 trường có phòng học bộ môn (PHBM) đạt chuẩn. Trường phổ thông không thể thiếu PHBM, nhưng việc xây phòng đạt chuẩn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định năm 2008 của Bộ GD&ĐT, PHBM đạt chuẩn phải đảm bảo đối với cấp THCS diện tích tối thiểu cho một học sinh là 1,85m2; riêng PHBM môn Công nghệ là 2,25m2. Đối với cấp THPT, diện tích tối thiểu cho một học sinh là 2m2; riêng PHBM môn Công nghệ là 2,45m2. Đối với PHBM xây dựng trước đó thì có thể chấp nhận nếu diện tích nhỏ hơn không quá 12% so với diện tích đã quy định trên.
Chỉ có 30/200 trường có PHBM đạt chuẩn
TP Quy Nhơn có 18 trường THCS, 3 trường PTCS, nhưng chỉ 2 trường có PHBM đạt chuẩn. Huyện Hoài Nhơn có 17 trường THCS, song đến nay mới 1 trường có PHBM đạt chuẩn. Ở Vân Canh, chưa trường nào trong số 5 trường THCS của huyện có PHBM đạt chuẩn. Tương tự, trường THCS ở các huyện, thị xã còn lại trong tỉnh cũng rơi vào tình trạng “khan hiếm” PHBM đạt chuẩn.
|
Một tiết học tại PHBM của thầy trò Trường THCS thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước. |
Với cấp THPT, dù nhiều năm qua được quan tâm đầu tư nên phần lớn trường học khang trang, xanh-sạch-đẹp, nhưng số trường đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT cũng rất ít. Theo ông Thái Như Võ, Trưởng Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng cơ bản (Sở GD&ĐT), trong hai năm 2010 và 2011, Sở đã đề xuất kinh phí xây PHBM cho 9 trường THPT để đáp ứng nhu cầu dạy và học, nhưng mãi đến năm 2013 mới được đồng ý cho xây ở 2 trường.
Không được đầu tư để xây PHBM, hầu hết các trường THCS và THPT trong tỉnh phải tính chuyện “liệu cơm gắp mắm”. Và, cách làm phổ biến nhất là dùng phòng học dôi dư do số học sinh vào trường giảm, cải tạo lại để làm phòng thí nghiệm, thực hành. Bà Trần Thị Thanh Trúc, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, cho biết: “Diện tích phòng học truyền thống là 42-64m2 (diện tích phòng học cho mỗi học sinh 1-1,33m2), trong khi yêu cầu về diện tích PHBM thì gần gấp đôi. Một số trường nội thành cải tạo 1-2 phòng học làm PHBM, còn các trường ngoại thành thiếu cơ sở vật chất thì đành chịu”.
Theo nhiều hiệu trưởng, buộc phải sử dụng phòng học làm PHBM là cách “chẳng đặng đừng”, vì trang thiết bị không được bảo quản tốt dễ hư hỏng, một số hóa chất gây độc hại cho môi trường và sức khỏe học sinh.
Có quá khó để xây dựng?
Đến Trường THCS thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, rất dễ bắt gặp sự thích thú trên gương mặt của học sinh trong các PHBM. Bùi Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 9A1, chia sẻ: “Học sinh rất thích thú với các giờ học thực hành, thí nghiệm tại PHBM, bởi cách học này giúp tụi em nạp kiến thức đã học nhanh hơn và dễ hơn”.
Ông Cao Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Diêu Trì, cho biết: “Tháng 10.2011, Trường đưa vào sử dụng 4 PHBM đạt chuẩn, gồm: Hóa-Sinh, Lý, Tin học và Nghe-nhìn. Trường cũng đã nỗ lực xã hội hóa và tiết kiệm chi để sắm sửa đầy đủ, đồng bộ tất cả dụng cụ, thiết bị cần thiết cho các PHBM. Trước đây, khi sử dụng phòng học thay thế, một số giáo viên có tâm lý ngại tiến hành thí nghiệm, thực hành nên chỉ giới thiệu ngay tại lớp; nay thì lịch đăng ký thực hành luôn dày đặc. Hầu như phần thực hành nào trong bài học cũng được giáo viên tiến hành tại PHBM. Năm nay, chúng tôi dành 20 triệu đồng để mua sắm thêm thiết bị cho các PHBM”.
Đến nay, huyện Tuy Phước có 14 trường THCS, nhưng ngoài Trường THCS thị trấn Diêu Trì chỉ mới có thêm Trường THCS Phước Thắng được đầu tư xây PHBM đạt chuẩn. Lý do khó xây PHBM được nhiều địa phương đưa ra là không có kinh phí, trong khi kinh phí từ chương trình kiên cố hóa trường lớp lại không thể dùng để xây PHBM. Vậy mới có chuyện một số trường THCS đã đủ phòng học, xin xây PHBM nhưng lại được đầu tư xây phòng học với lý do nguồn đầu tư xây dựng từ chương trình kiên cố hóa.
PHBM đạt chuẩn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong dạy - học, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đang nỗ lực thay đổi cách học kiểu đọc - chép, chú trọng thí nghiệm, thực hành, ứng dụng kiến thức vào thực tế. Mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn được ngành GD&ĐT chú trọng và các trường phấn đấu hướng tới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Trong nhiều tiêu chí phải đạt có tiêu chí đảm bảo cơ sở vật chất bao gồm cả PHBM, nhưng thực tế nhiều trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia mà chưa có PHBM chuẩn.
Rõ ràng, muốn chất lượng giáo dục nâng cao toàn diện, bên cạnh nỗ lực xây dựng trường lớp, cần quan tâm xây PHBM chuẩn cho các trường. Nhưng đáng tiếc là trong Đề án Quy hoạch mạng lưới trường lớp học toàn tỉnh đến năm 2020 vừa Sở GD&ĐT xây dựng đã không đề cập gì đến PHBM.
|