An sinh xã hội là một trong những chính sách lớn của Ðảng và Nhà nước góp phần hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, miền núi ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, dễ bề trục lợi nếu không có cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra.
Theo Ban Chỉ đạo về Phòng chống tham nhũng của tỉnh (Ban Chỉ đạo PCTN) trong năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012, tổng kinh phí trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội cho 8 địa phương trong tỉnh (trừ huyện Vĩnh Thạnh, Phù Cát, thị xã An Nhơn) là trên 846 tỉ đồng; riêng kinh phí trợ cấp hàng tháng khoảng 605 tỉ đồng. Các địa phương này đã tiếp nhận và cấp phát trên 11.250 tấn gạo do Trung ương và tỉnh hỗ trợ cho các hộ gia đình chính sách. Nhìn chung, việc thực hiện chi trả trợ cấp, hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng chính sách được các địa phương thực hiện đúng, nhưng không phải là không có sai phạm.
|
Tham nhũng dễ nảy sinh trong quá trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội nếu không có cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra…
- Trong ảnh: Tàu cá của ngư dân Bình Định chuẩn bị đi đánh bắt xa bờ. Ảnh: TIẾN SỸ |
Có “cò” chạy chế độ chính sách
Từ năm 2011 đến tháng 9.2012, toàn tỉnh có 3.220 hồ sơ đã được phê duyệt hỗ trợ nhiên liệu và 461 máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa được hỗ trợ cho các tàu đánh bắt xa bờ theo Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền trên 140 tỉ đồng tại Hoài Nhơn (trên 112,25 tỉ đồng), Quy Nhơn (trên 23,2 tỉ đồng), Phù Mỹ (trên 4,93 tỉ đồng).
Kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách này cho thấy, đã xuất hiện tình trạng “cò” chạy giấy tờ để được hỗ trợ. Những hồ sơ do ngư dân trực tiếp đi làm mất nhiều thời gian, sửa đi sửa lại nhiều lần, song nếu giao cho “cò” đi làm thì rất nhanh, ít gặp trở ngại. Thậm chí, một số trường hợp phải đề nghị hải quân xác nhận lại chữ ký, con dấu thì bị xác nhận không đúng; tuy nhiên, cũng với hồ sơ đó, nếu giao cho “cò” đi xác nhận thì lại đúng. Điều đó cho thấy có dấu hiệu về mối quan hệ tiêu cực giữa “cò” và các cán bộ phụ trách việc xác nhận, tiếp nhận xử lý hồ sơ xin hỗ trợ. Ngoài ra, cũng đã xảy ra một số trường hợp lợi dụng sự sơ hở, thiếu chặt chẽ trong các quy định để “chạy” chính sách hỗ trợ, trợ cấp thường xuyên theo Nghị định số 67/2008/QĐ-TTg về chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội.
Từ năm 2011 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các huyện thực hiện hàng chục cuộc thanh tra về thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Qua đó, các ngành chức năng kiến nghị thu hồi và đề nghị báo giảm 618 thẻ BHYT ở huyện Phù Mỹ, thu hồi gần 96 triệu đồng do chi sai đối tượng ở huyện Hoài Ân và Tuy Phước. Các vi phạm thường gặp là: Đối tượng được hưởng trợ cấp không có hộ khẩu thường trú tại xã, hoặc đã chết nhưng lại vẫn tiếp tục được hưởng chế độ; hỗ trợ, trợ cấp không đúng đối tượng…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan đã thiếu sự phân công cụ thể, sâu sát thực tế mà khoán trắng cho cấp thôn, khu vực thực hiện; đồng thời thiếu sự giám sát, kiểm tra và thanh tra quá trình thực hiện. Do vậy, các sai phạm chậm được phát hiện và không được xử lý kịp thời.
Cần giám sát và thanh, kiểm tra chặt chẽ
Tại cuộc họp triển khai công tác PCTN năm 2013 vừa được UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng an sinh xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do vậy cần phải được tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng.
Theo ông Nguyễn Văn Tạng, Chánh Thanh tra tỉnh, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh dù được triển khai chặt chẽ song vẫn xảy ra những sai phạm. Ông dẫn chứng: “Chẳng hạn như thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg hỗ trợ nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo, huyện Phù Cát đã chi hỗ trợ sai đối tượng trên 493 triệu đồng tại nhiều xã trong huyện. Trong đó, có đến 14 hộ không thuộc diện hộ nghèo, hộ không thuộc diện chính sách nhưng vẫn được chi hỗ trợ. Ngoài ra, ở cấp cơ sở vẫn có tình trạng cán bộ thôn hoặc mượn “chân” hộ nghèo, hộ chính sách để vay tiền hưởng lãi suất ưu đãi, hoặc vay tiền rồi không trả. Do vậy, cần phải tăng cường thanh tra trong lĩnh vực này, và nên giao cho thanh tra huyện trực tiếp làm”. Bà Nguyễn Thị Đàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cũng phản ánh: “Tôi nghe người dân kêu ca gạo cứu trợ đỏ lửa cấp không đủ cân. Mỗi phần bị bớt đi 1 - 2 kg, và như thế, nếu cấp với số lượng lớn thì lượng gạo dôi ra là không nhỏ”.
Tại cuộc họp tổng kết công tác PCTN năm 2012 và triển khai nhiệm vụ PCTN năm 2013, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCTN, khẳng định: “Công tác PCTN năm 2013 phải được thực hiện có hiệu quả hơn năm 2012 với mục tiêu phòng là chính, tập trung vào lĩnh vực an sinh xã hội và ngân hàng. Hoạt động thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành phải được tăng cường hơn”. Còn theo đề nghị của Ban chỉ đạo PCTN, để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực an sinh xã hội, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện những sai phạm liên quan đến công tác trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội; trước mắt, cần tập trung vào lĩnh vực xét duyệt hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và hỗ trợ nhiên liệu tàu đánh bắt xa bờ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg.
|