Ðó là khẳng định của nhiều ngư dân khi nhận được số tiền hỗ trợ từ Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, tại buổi lễ trao tiền do LÐLÐ tỉnh tổ chức vào ngày 18.1 vừa qua. Buổi lễ đã diễn ra trong niềm vui và xúc động của các ngư dân, khi họ biết đằng sau những chuyến biển đầy bão táp, lắm hiểm nguy chực chờ kia, luôn có sự dõi theo và tiếp sức của nhiều tấm lòng.
|
Tàu cá BĐ 95289-TS của ông Đỗ Re vừa được sửa chữa chuẩn bị ra khơi đánh bắt. Ảnh: N.P |
Tiếp sức cho ngư dân
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch LĐLĐ Bình Định, những năm gần đây, hàng ngàn gia đình ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân Bình Định nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai, địch họa: Bị bão tố nhấn chìm, bị tàu lạ đâm chìm, có tàu bị nước ngoài tịch thu hết cả ngư lưới cụ... Cuộc sống của ngư dân trăm bề khốn khó. Để hỗ trợ ngư dân, tháng 7.2012, Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động thành công chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, với sự góp sức chung tay của hệ thống công đoàn cả nước, các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ cho chương trình thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã lên tới hàng chục tỉ đồng.
Từ chương trình này, Tổng LĐLĐ Việt Nam trích cho LĐLĐ Bình Định hơn 1,2 tỉ đồng để hỗ trợ cho 12 ngư dân đặc biệt khó khăn do gặp thiên tai, địch họa ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, giúp họ mua ngư lưới cụ, sửa chữa và góp vốn đóng mới tàu, tiếp tục ra khơi. Mức hỗ trợ nhiều nhất là 200 triệu đồng/ngư dân và thấp nhất là 50 triệu đồng/ngư dân.
Sau 20 năm bám biển, trong một chuyến ra khơi bất trắc cuối năm 2011, tàu của ngư dân Nguyễn Thành Tâm (ở xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn), bị va phải đá ngầm tại bãi Bạch Quy của quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) khi trên đường vào đây tránh bão. Tàu chìm, 9 ngư dân trên tàu may mắn thoát chết trong gang tấc. Sau chuyến biển kinh hoàng, anh Tâm trở về nhà với hai bàn tay trắng và thiệt hại 1,1 tỉ đồng, phải đi bạn cho tàu khác để kiếm sống.
Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của anh Tâm, thông qua Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, LĐLĐ Bình Định quyết định trao tặng 200 triệu đồng, để tiếp sức cho khát khao cháy bỏng được vươn khơi, bám biển của anh. Cầm số tiền được hỗ trợ trong tay, anh Tâm phấn khởi vạch ra tương lai của gia đình mình: “Tôi sẽ dùng số tiền này và vay mượn thêm để đóng một con tàu mới công suất 400 CV, tiếp tục ra khơi, đánh bắt ở Hoàng Sa”.
Cũng nhận được 200 triệu đồng từ Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, ngư dân Đỗ Re (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) cho biết ông sẽ dùng để trả phần nợ vừa vay sửa chữa con tàu bị nạn. Giữa tháng 6.2012 vừa qua, tàu cá BĐ 95289-TS công suất 250CV của ông Re bị một tàu không rõ danh tính đâm phải ở vị trí cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 175 hải lý về phía Đông Bắc, làm hư hỏng nặng, thiệt hại khoảng 1,3 tỉ đồng. Ông Re đã vay tiền để sửa tàu, tiếp tục đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.
|
Ông Phạm Mấy ký nhận số tiền hỗ trợ 150 triệu đồng. Ảnh: NGUYỄN PHÚC |
Tiếp tục vươn khơi
Đi đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu, khi tai nạn xảy ra được các cấp công đoàn hỗ trợ tiền để mua ngư lưới cụ, sửa chữa và góp vốn đóng mới tàu thuyền, đây đúng là nguồn khích lệ rất lớn đối với ngư dân chúng tôi. Có tiền hỗ trợ này, tôi sẽ mạnh dạn vay mượn thêm để sớm đóng tàu mới cho mình
Ngư dân Huỳnh Thuận |
Cầm số tiền 150 triệu đồng từ cán bộ LĐLĐ Bình Định trao, ông Phạm Mấy (62 tuổi, ở xã Hoài Hải, Hoài Nhơn) rưng rưng. Cách đây 2 năm, tàu cá BĐ 96076-TS của ông Mấy đang trên đường ra ngư trường Trường Sa đánh bắt thì bị một tàu hàng đâm chìm tại vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), thiệt hại 1,2 tỉ đồng. Không có đủ vốn mua tàu mới, ông Mấy hùn vốn với nhiều người khác đóng tàu, tiếp tục ra khơi đánh bắt. Ông Mấy xúc động: “Bất ngờ quá. Tôi không nghĩ là mình lại được hỗ trợ một khoản tiền lớn như thế này. Tiền được hỗ trợ, tôi sẽ tiếp tục vay mượn thêm để đóng lại một tàu mới cho mình”.
Vừa trở về đất liền sau chuyến đi bạn dài ngày ở Trường Sa, ngư dân Huỳnh Thuận (xã Hoài Hương, Hoài Nhơn) kịp đến nhận tiền hỗ trợ 100 triệu đồng. Cũng như những ngư dân khác, anh Thuận thực sự bối rối và bất ngờ trước khoản tiền được hỗ trợ khá lớn. Trước đây, anh Thuận là chủ tàu cá, nhưng tháng 2.2012, tàu của anh bị sóng gió nhấn chìm khi đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Không có vốn đóng tàu mới, anh Thuận đi bạn cho các tàu khác từ đó đến nay. Anh Thuận trải lòng: “Đi đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu, khi tai nạn xảy ra được các cấp công đoàn hỗ trợ tiền để mua ngư lưới cụ, sửa chữa và góp vốn đóng mới tàu thuyền, đây đúng là nguồn khích lệ rất lớn đối với ngư dân chúng tôi. Có tiền hỗ trợ này, tôi sẽ mạnh dạn vay mượn thêm để sớm đóng tàu mới cho mình”.
Tất cả các ngư dân được hỗ trợ đợt này, người thì bị chìm tàu, mất ngư lưới cụ, người thân thiệt mạng trên biển… nhưng tất cả họ đều khẳng định sẽ tiếp tục ra khơi, bám biển để khai thác nguồn lợi hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
|