Trong hệ thống chính quyền bốn cấp của nước ta, cấp cơ sở có vai trò rất quan trọng. Đây là cấp chấp hành, làm cầu nối trực tiếp giữa hệ thống chính trị với nhân dân, hàng ngày tiếp xúc và làm việc với nhân dân, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên phải thật sự gần dân, thương dân.
|
Hệ thống chính trị ở cơ sở phải thật sự gần dân, nghe dân, hiểu dân, thương dân; tranh thủ lực lượng ở nơi dân, để nhân dân được bàn việc nước.
- Trong ảnh: Đại biểu HĐND tỉnh và TP Quy Nhơn tiếp xúc cử tri xã Nhơn Lý. Ảnh: NGUYÊN SƯƠNG
|
Tỉnh Bình Định có 159 xã, phường, thị trấn. Trong thời gian qua, hệ thống chính trị ở cơ sở đã tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định chính trị - xã hội, thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo. Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo được những chuyển biến tốt.
Công tác đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cấp xã được tập trung thực hiện với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp. Trong 1.715 cán bộ chuyên trách ở cấp xã, có trên 58% cán bộ có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên; trên 75% có trình độ lý luận chính trị- hành chính trung cấp, cao cấp. Trong số 1.480 công chức chuyên môn cấp xã, có gần 80,5% công chức có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên; gần 37% có trình độ lý luận chính trị - hành chính trung cấp, cao cấp. Tỉnh ta cũng đã triển khai thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 20 trí thức trẻ có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc ba huyện nghèo Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão.
Chưa đáp ứng nhiệm vụ tình hình mới
Tuy nhiên, trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, hệ thống chính trị ở cơ sở đã và đang bộc lộ những yếu kém và bất cập trong công tác lãnh đạo, quản lý và vận động quần chúng.
“Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác ”
Hoàng Ngũ Phúc - danh tướng thời hậu Lê |
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn có mặt yếu kém, chưa đủ sức giải quyết các vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, nhất là ở các xã ven biển. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nhiều xã, phường hẫng hụt nguồn kết nạp đảng viên. Việc quản lý điều hành của chính quyền cơ sở theo pháp luật còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Thời gian qua, tình hình khiếu kiện đông người có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tập trung trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải tỏa, xử lý ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản. Riêng năm 2012, chính quyền cơ sở đã tiếp 3.875 lượt công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị (tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2011); tiếp nhận, xử lý 2.543 vụ đơn thư khiếu nại (tăng 3%).
Mặt khác, chất lượng, trình độ, kiến thức của cấp ủy viên, cán bộ, công chức cấp xã còn nhiều hạn chế. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn bất cập và thiếu đồng bộ. Và, cũng không thể không đề cập là tình trạng tham nhũng, quan liêu, mất dân chủ; sách nhiễu, không minh bạch… trong một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
|
Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều địa phương trong tỉnh đã vận động thành công nhân dân hiến đất để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng nông thôn mới.
- Trong ảnh: Người dân thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạnh tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông liên xóm. Ảnh: N.SƯƠNG
|
Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức và đội ngũ cán bộ
Để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở, thời gian tới, cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chương trình hành động số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Một giải pháp quan trọng khác là tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng cho đồng bộ, thống nhất với các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền.
Cùng với củng cố tổ chức, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, trong đó chú trọng bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, điều hành, công tác vận động quần chúng và kinh nghiệm giải quyết những tình huống cụ thể ở cơ sở. Đi đôi với công tác cán bộ, việc xây dựng chế độ, chính sách đúng đắn, hợp lý và đồng bộ cho cán bộ cũng là vấn đề rất cần thiết, trong đó có việc rà soát, khắc phục một số bất hợp lý của chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách.
Thiết nghĩ, hệ thống chính trị ở cơ sở phải thật sự gần dân, nghe dân, hiểu dân, thương dân; tranh thủ lực lượng ở nơi dân, để nhân dân được bàn việc nước, nhân dân hài lòng đối với chất lượng dịch vụ hành chính công ở cơ sở. Xin nhắc lại câu nói của tiền nhân “Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác” (Hoàng Ngũ Phúc - danh tướng thời hậu Lê).
|