Ðầu năm 2013, 100% cơ sở y tế (CSYT) công lập trong tỉnh đồng loạt đề nghị thay đổi hình thức thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) từ khoán định suất sang phí dịch vụ. Tình trạng vỡ quỹ BHYT, cùng những khó khăn trong hoạt động khám chữa bệnh là nguyên do khiến các CSYT “nói không” với khoán định suất BHYT.
Hình thức thanh toán theo định suất (khoán trọn gói quỹ BHYT cho CSYT) được áp dụng ở Bình Định từ đầu năm 2010. Đến nay, phương thức này đã phần nào hạn chế tình trạng lạm dụng dịch vụ cận lâm sàng và thuốc; nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều bất cập.
|
Sau 3 năm triển khai, khoán định suất đã bộc lộ nhiều bất cập.
- Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế Hoài Nhơn. |
15/31 cơ sở vỡ quỹ
Đến cuối quý III năm 2012, có 15/31 CSYT vượt trần tuyến 2, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT hơn 29,1 tỉ đồng. Nhiều CSYT đã trở thành điểm nóng với mức bội chi quá lớn. Năm 2010, BVĐK TP Quy Nhơn vượt quỹ hơn 1,2 tỉ đồng; năm 2011 vượt hơn 4,1 tỉ đồng; năm 2012 dự kiến cũng vượt ngưỡng 4 tỉ đồng. Còn quỹ BHYT của BVĐK tỉnh đã “đội” lên gần 17,3 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2012. “Dù chúng tôi cố kiểm soát hằng ngày, hằng tuần nhưng vẫn không ăn thua”, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ cho hay.
Từ ngày 6.8.2012, mức giá dịch vụ khám chữa bệnh mới được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Với mức tăng khoảng 1,5 lần so với mức giá cũ, ước tính chi phí khám chữa bệnh tại các CSYT tăng khoảng 40%. Trong khi đó, quỹ BHYT hầu như không tăng (tỉ lệ người dân tham gia và mức đóng không tăng). Vì thế tình trạng vượt quỹ càng nóng bỏng.
Dẫn chứng, trong 9 tháng đầu năm 2012, quỹ định suất BHYT của BVĐK khu vực Bồng Sơn kết dư 638 triệu đồng, Trung tâm Y tế Hoài Nhơn kết dư hơn 2,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, sang quý IV.2012, quỹ định suất BHYT của BVĐK khu vực Bồng Sơn vượt 1,2 tỉ đồng, Trung tâm Y tế Hoài Nhơn cũng “âm” 500 triệu đồng.
“Quỹ định suất hiện nay vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân, nên việc khống chế để đảm bảo không vỡ quỹ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Thật sự là rất xót xa!”
Lãnh đạo một CSYT |
Một nguyên nhân khác gây ra tình trạng vỡ quỹ là người bệnh BHYT đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến khá phổ biến. Kinh phí vượt tuyến, trái tuyến tại một số đơn vị chiếm 30-40% tổng quỹ định suất. Số kinh phí này đơn vị không theo dõi được nên không thể chủ động trong việc quản lý quỹ. Mặt khác, chi phí điều trị thực tế thường cao hơn mức trần điều trị BHYT quy định. Tại BVĐK TP Quy Nhơn, mức chênh lệch này là 2-2,5 lần, có bệnh nhân điều trị với chi phí hơn 20 lần.
Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh vượt quỹ, vượt trần và chuyển kinh phí kết dư đối với CSYT thanh toán theo định suất cũng gây khó cho các đơn vị. Trong năm 2011, quỹ khám chữa bệnh BHYT của Trung tâm Y tế Hoài Nhơn kết dư hơn 3,36 tỉ đồng. “Khoản được hưởng từ số kết dư của năm 2011 mãi đến tháng 12.2012 chúng tôi mới nhận”, Giám đốc Trung tâm Y tế Hoài Nhơn Trương Đề cho biết.
Người bệnh thiệt thòi
Nguồn kinh phí được cấp là cố định, nên không tránh khỏi tình trạng “liệu cơm gắp mắm”. Để “khéo co tấm chăn” quỹ BHYT, không ít CSYT đã tính toán trong việc chỉ định cận lâm sàng và chọn danh mục thuốc điều trị, thậm chí phải cân nhắc trong các trường hợp chuyển viện. Bà Trần Thị Hồng Loan, Phó Giám đốc BHXH huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trong 2 năm 2010 và 2011, chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến bày tỏ không hài lòng khi không được chuyển viện kịp thời, dù bệnh nặng và CSYT không đủ năng lực điều trị”.
Theo Thông tư 09/2009/TTLT-BYT-BTC, trong công thức xác định quỹ định suất BHYT của từng nhóm đối tượng có hệ số k (hệ số điều chỉnh do biến động về chi phí khám, chữa bệnh và các yếu tố liên quan khác của năm sau so với năm trước). Liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính có trách nhiệm xem xét, điều chỉnh hệ số k cho phù hợp trong trường hợp có biến động liên quan đến chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, kể từ thời điểm áp dụng mức giá dịch vụ khám chữa bệnh mới, hệ số k này “vũ như cẩn”. |
Với khoán định suất BHYT, người bệnh cũng khó tiếp cận được các kỹ thuật cao, chi phí lớn. Theo Giám đốc BVĐK TP Quy Nhơn Đỗ Tiến Dũng, BV đã triển khai các kỹ thuật cao như tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi tiền liệt tuyến, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật nội soi tai mũi họng… mang lại lợi ích lớn, nhưng lại làm tăng chi phí điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ định suất của đơn vị. Cũng vì lý do đó mà việc triển khai các kỹ thuật mới tương xứng với hạng bệnh viện như X-quang kỹ thuật số, CT-scanner, MRI, can thiệp mạch vành… đều rất khó khăn.
Tính ưu việt của BHYT thể hiện ở tính tương trợ trong cộng đồng, nhưng với khoán định suất, tính cộng đồng này bị thu hẹp, chỉ bao gồm những người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại một CSYT. “Quỹ định suất hiện nay vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân, nên việc khống chế để đảm bảo không vỡ quỹ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Thật sự là rất xót xa!”, lãnh đạo một CSYT chia sẻ.
|