Số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ngày càng gia tăng, vì lượng người hút thuốc ngày càng cao. Có đến 80-90% người mắc bệnh do hút thuốc lá, còn 10-20% do khói bếp, ô nhiễm không khí và ô nhiễm môi trường nghề nghiệp.
Thời gian qua, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chiếm đến 30% số người đến khám tại khoa Nội, BVĐK TP Quy Nhơn. Ông Trần Văn H., 58 tuổi, ở TP Quy Nhơn thường hút thuốc nhiều và thường xuyên. Khi có những biểu hiện đờm chặn ngay cổ, khó thở và mệt, ông mới đi khám thì phát hiện bệnh đã nặng. Hay như bà Huỳnh Thị T., 73 tuổi, cũng ở TP Quy Nhơn đã hút thuốc hơn 20 năm. Trước đây bà cũng thấy hay mệt nhưng không thấy những triệu chứng rõ rệt nên bỏ qua. Chỉ đến khi thấy khó thở kéo dài, bà đi khám thì bệnh đã vào giai đoạn khó điều trị.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tiến triển âm thầm qua thời gian dài. Giai đoạn sớm của bệnh không có những biểu hiện rõ ràng, đến khi người bệnh có những triệu chứng lâm sàng tổn thương phế quản như ho, khạc đờm kéo dài, khó thở, mệt thì bệnh đã nặng. Lúc này, việc điều trị chỉ khắc phục tình trạng khó thở chứ không thể giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Bác sĩ Nguyễn Văn Nuôi, Phó trưởng khoa Nội, BVĐK TP Quy Nhơn, cho biết: “Khi người bệnh nhập viện trong tình trạng nặng rất dễ dẫn đến suy hô hấp”.
Thông thường, sau khi điều trị ổn định trở về gia đình, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng một thời gian sau, bệnh rất dễ tái phát, do người bệnh tiếp tục hút thuốc lá, không dùng thuốc đều đặn, hoặc mắc những bệnh lý khác. Khi bệnh tái phát thì quá trình điều trị càng khó khăn.
Hiện nay, chi phí cho một đợt điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khoảng 3-5 triệu đồng. Có trường hợp nặng, chi phí lên đến 10-15 triệu đồng, trong khi đa phần người mắc bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn. Để giảm tỉ lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cách tốt nhất là hạn chế đến mức thấp nhất số người sử dụng thuốc lá. Người mắc bệnh thì phải bỏ thuốc lá, tăng cường chế độ dinh dưỡng, tập thể dục thể thao đều đặn và sống trong môi trường lành mạnh. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu khò khè, khó thở, tức ngực, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
|