Khu nhà ở tập thể của Công ty Cổ phần Xây lắp điện (CPXLĐ) Tuy Phước - Bình Định vừa được “cải tạo” lại khá bề thế, khang trang. Tuy nhiên, việc xây dựng, cơi nới, sửa chữa… của các hộ đang ở tại đây không được đơn vị chủ quản và ngành chức năng cho phép.
|
Hiện nay, nhiều căn nhà khang trang, cao tầng vô tư “mọc lên” tại khu tập thể Công ty CPXLĐ Tuy Phước - Bình Định.
|
Từ nội dung trong đơn tố cáo…
Theo đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng của bà Trần Thị Thơm (hiện trú tại 17 Đào Tấn, thị trấn Tuy Phước), thì: Từ năm 1992, lãnh đạo Công ty CPXLĐ Tuy Phước - Bình Định đã chiếm dụng đất của Nhà nước giao cho Công ty để bán cho cán bộ công nhân viên (CBCNV). Việc mua bán nhà ở giữa lãnh đạo Công ty với các hộ không hợp pháp, nên quyền lợi của bên mua bị xâm hại. Cụ thể, do chưa hộ nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên mỗi khi sửa chữa, xây dựng nhà đều phải làm “chui” nên bị ngành chức năng xử phạt…
Về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với Ban giám đốc Công ty và được biết: Năm 1992, Xí nghiệp Xây lắp điện Tuy Phước (nay là Công ty CPXLĐ Tuy Phước - Bình Định) dùng quỹ phúc lợi mua lại 6 căn nhà của Công ty Thương nghiệp tổng hợp Tuy Phước để làm khu nhà ở tập thể cho CBCNV. Thời điểm đó, những cá nhân được bố trí ở tập thể phải cho Công ty mượn một khoản tiền để hoàn lại quỹ phúc lợi.
Đến năm 1994, Công ty được UBND tỉnh giao khu trại chăn nuôi và mổ heo của Công ty Thương nghiệp tổng hợp Tuy Phước (nằm dọc tuyến ĐT 640, thị trấn Tuy Phước) có diện tích 1.314m2 để tiếp tục xây dựng khu nhà ở tập thể cho CBCNV.
Tổng cộng, từ năm 1992 - 2002, Công ty đã xây dựng và giao 18 căn nhà thuộc khu tập thể cho 18 CBCNV. Tất cả cá nhân được bố trí ở tập thể đều cho Công ty mượn một khoản tiền để hoàn lại quỹ phúc lợi với tổng số tiền 138,5 triệu đồng.
Thiếu quản lý, người sử dụng làm liều
Về nội dung tố cáo của bà Thơm, ông Lê Thanh Long, Giám đốc Công ty CPXLĐ Tuy Phước - Bình Định, khẳng định: “Từ khi được giao đất đến nay, Công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; cũng như quản lý, sử dụng đúng mục đích xây dựng khu nhà ở tập thể cho CBCNV. Số tiền CBCNV cho Công ty mượn được ghi nhận theo giá trị vàng tương đương thời điểm mượn; được thu và treo nợ phải trả trên sổ sách kế toán để có cơ sở hoàn trả lại khi họ không tiếp tục ở tại khu tập thể”.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Long cũng nhận khuyết điểm về tình trạng nhiều hộ đang ở tại khu tập thể tự sửa chữa, cơi nới, xây dựng nhà mà không được Công ty và ngành chức năng cho phép. Thực tế, do chưa hộ nào được cơ quan thẩm quyền cấp sổ đỏ nên họ không thể xin phép ngành chức năng khi có nhu cầu sửa chữa nhà. Khi quá bức bách về chỗ ở, họ đành “nhắm mắt làm liều”; dẫn đến việc hiện nay khá nhiều căn nhà bề thế, khang trang mọc lên trái phép trong khu tập thể.
“Công ty đã yêu cầu các hộ phải lập đầy đủ thủ tục theo quy định về xây dựng nhà ở nhưng họ không tuân thủ. Khi phát hiện, Công ty chỉ báo cáo vụ việc cho cơ quan chức năng chứ không có thẩm quyền xử lý. Do đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần kiên quyết hơn nữa trong vấn đề xử phạt” - ông Long nói.
Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc
Về tình trạng trên, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Tuy Phước để tìm hiểu thêm vai trò quản lý đất đai, nhà ở tại khu tập thể này. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện nêu nhiều lý do nên không thể làm việc với phóng viên mà chỉ hứa giao phòng chức năng kiểm tra, xử lý; khi nào có kết quả cuối cùng sẽ trả lời bằng văn bản.
Có thể thấy, tình trạng cơi nới, sửa chữa, xây dựng trái phép tại khu nhà tập thể của Công ty CPXLĐ Tuy Phước - Bình Định xảy ra tràn lan như hiện nay có nguyên nhân khách quan là do các hộ chưa có sổ đỏ nên không thể làm thủ tục xin phép. Hoặc nói đúng hơn là các hộ này không đủ điều kiện về thủ tục để nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, hầu hết các hộ ở khu tập thể này mong muốn Công ty phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xem xét, hướng dẫn các hộ hoàn thiện thủ tục cũng như nghĩa vụ tài chính để có những giấy tờ cần thiết đảm bảo quyền lợi lâu dài về nhà ở, đất ở; nhưng mãi đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh nào.
Theo ông Long: “Công ty ghi nhận nguyện vọng chính đáng này của người lao động. Công ty sẽ đưa vấn đề này ra Đại hội người lao động để bàn bạc, quyết định một cách công bằng, hợp lý. Trên có sở đó sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật”.
Thiết nghĩ, với vai trò đơn vị chủ quản, Công ty CPXLĐ Tuy Phước - Bình Định cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc tạo điều kiện để các hộ được đăng ký quyền sử dụng đất ở. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần kiểm tra, rà soát quá trình quản lý, sử dụng đất ở, nhà ở tại khu tập thể của Công ty CPXLĐ Tuy Phước - Bình Định; thẩm định tính hợp pháp trong việc sử dụng nhà ở của khu tập thể để người lao động yên tâm sử dụng đúng cách, đúng quy định.
Theo giao ước giữa Công ty CPXLĐ Tuy Phước - Bình Định với các CBCNV được giao nhà: Khi nhận nhà tại khu tập thể, CBCNV không được tự ý sửa chữa, thay đổi kết cấu ban đầu căn nhà; mọi sự điều chỉnh phải có sự cho phép của Công ty. Tuy nhiên, hiện trong tổng số 18 hộ đang ở tại khu tập thể, có 10 hộ tiến hành cơi nơi, sửa chữa, xây dựng nhà; 5 hộ tu sửa nhỏ mà không được Công ty và ngành chức năng cho phép. |
|