Kết thúc năm 2012, nhiều chỉ số về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của Bình Định không đạt. Đặt mục tiêu giảm tỉ lệ sinh 0,3% nhưng thực tế không giảm mà còn tăng thêm 0,3%. Số trẻ chào đời là con thứ ba cũng tăng đáng kể.
Thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho thấy, trong năm 2012, tổng số trẻ em sinh ra sống của Bình Định là 18.197 trẻ, so với năm 2011 tăng 5,83% (1.002 trẻ). Đáng lưu ý, số trẻ sinh ra tăng đồng đều và rải khắp ở hầu hết các địa phương. Chỉ có 3 trong số 11 địa phương có số trẻ sinh ra giảm là Phù Mỹ, An Nhơn và Phù Cát.
Bệnh viện quá tải
Tình trạng quá tải sản phụ sinh tại khoa Sản, BVĐK khu vực Bồng Sơn, đã diễn ra từ đầu năm 2011. Năm 2012, sự vất vả và căng thẳng của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ sản ở đây càng rõ; đặc biệt là thời điểm gần cuối năm. Khoa Sản có sức chứa 50 giường, nhưng phải kê tới 125 giường bệnh.
|
Tăng mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên khiến mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số đối mặt với nhiều vấn đề khó giải quyết.
- Trong ảnh: Sản phụ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Vân Canh. |
Giường bệnh phải kê tràn ra cả hành lang, nơi chân cầu thang. Dù kết quả khám ban đầu cho thấy không có nguy cơ xảy ra biến chứng, nhưng sản phụ ở các huyện trong tỉnh như Phù Mỹ, Hoài Ân và ngoài tỉnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) vẫn ồ ạt kéo vào BVĐK khu vực Bồng Sơn, càng làm cho bệnh viện thêm quá tải. Một bác sĩ cho biết: “Ngày cao điểm, khoa có đến 160 sản phụ, có ngày phải mổ đẻ 23 ca. 3/4 số bệnh nhân của khoa là sản phụ sinh nên chỉ có sản phụ và em bé sinh mổ mới được ưu tiên nằm riêng một giường trong một hai ngày đầu”.
So với năm 2011, năm vừa qua Hoài Nhơn là địa bàn có số trẻ sinh ra sống tăng nhiều nhất của tỉnh, với 22%. Các địa phương còn lại cũng có số trẻ sinh ra tăng là: Vân Canh, Tây Sơn, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tuy Phước, Quy Nhơn.
Đáng nói là số người sinh con thứ 3 trở lên của năm 2012 chiếm tỉ lệ 15,8%, tăng 0,5% so với năm trước; trong khi chỉ tiêu UBND tỉnh giao là giảm 0,6%. Các địa phương có mức tăng cao là Hoài Ân, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh. Trong khi đó, tỉ số giới tính khi sinh toàn tỉnh là 112,4 bé trai/100 bé gái.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang cho rằng, trong ba năm gần đây, các chỉ tiêu về dân số của tỉnh đều đạt, kiểm soát được mức sinh. Tuy nhiên, kịch bản của năm 2012 đã bị phá vỡ khi tỉ số sinh tăng, trong đó đáng quan tâm là con thứ ba tăng lên nhiều. Song hành với gia tăng dân số, một vấn đề khó giải quyết là chênh lệch tỉ lệ giới tính.
Chọn năm đẹp là nguyên nhân?
Mục tiêu chung đặt ra trong năm nay là chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý; ngăn chặn sự gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; từng bước nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Cụ thể: mức giảm sinh 0,3%o; giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,6%; tỉ số giới tính khi sinh không vượt 113 bé trai/100 bé gái. |
Ông Quang lý giải: “Tâm lý người dân quan niệm sinh con năm Nhâm Thìn sẽ gặp nhiều may mắn nên nhiều cặp vợ chồng muốn sinh “quý tử”. Xu hướng tính toán sinh con vào mùa thu năm Nhâm Thìn trở thành trào lưu của không ít gia đình. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu làm cho mức sinh năm 2012 tăng”.
Thực tế, số phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) của Bình Định đã tăng từ 258.351 người trong năm 2011 lên 259.930 người năm 2012. Như vậy, số phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ tăng thêm 1.579 người. Theo ông Quang, đây là hệ lụy của việc gia tăng dân số từ những năm trước đây. Việc gia tăng số phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ cũng góp phần làm cho mức sinh tăng.
Ở một khía cạnh khác, ông Quang cũng không phủ nhận hệ thống tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở có nhiều thay đổi, nhất là ở cơ sở. Nhiều chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã mới nhận nhiệm vụ, một số xã còn kiêm nhiệm nên việc tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương triển khai thực hiện chính sách DS-KHHGĐ còn nhiều hạn chế.
Đây là con số đáng lo về mặt gánh nặng xã hội trong cả y tế lẫn kinh tế. Sự mất cân bằng giới tính gây nhiều hậu quả khó lường về lâu dài. Việc chạy đua sinh con gây áp lực lớn cho xã hội. Trước hết là ngành Y tế quá tải, do có quá nhiều sản phụ đến khám, đến sinh. Thêm vào đó, số trẻ sinh ra cần chăm sóc dinh dưỡng, tiêm chủng, chăm sóc nhi khoa... cũng sẽ khó khăn. Do vậy, mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số chắc chắn sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề khó giải quyết hơn.
|