Càng gần đến Tết, dịch vụ dọn nhà tại TP Quy Nhơn lại càng rộn ràng. Theo đó, nhiều người lao động cũng tất bật kiếm thêm thu nhập sắm Tết.
|
Nhân viên dịch vụ dọn nhà đang làm việc tại trụ sở một doanh nghiệp trên đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn.
|
“Ăn theo” mùa Tết
Đưa tay chỉ bảng phân công đã kín lịch đến 25 tháng Chạp, chị Huỳnh Thị Ánh Tuyết, người quản lý Dịch vụ vệ sinh Phương Đông (46 Trần Văn Kỷ, TP Quy Nhơn), hào hứng kể: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã dừng nhận hợp đồng vì không đủ nhân lực phục vụ. Dịp Tết, nhu cầu vệ sinh nhà ở, cao ốc, văn phòng của người dân, các doanh nghiệp, cơ quan tăng cao hơn. Sau ngày 20 tháng Chạp, giá dịch vụ tăng 10% so với trước đó”.
Công ty TNHH Tân Thời Đại (75 Nguyễn Du, TP Quy Nhơn) chỉ có 6 nhân viên chính thức, gần Tết, mới tuyển thêm 10 nhân viên thời vụ. Tương tự, ngoài 20 nhân viên cố định, Dịch vụ vệ sinh Phương Đông còn tuyển thêm một số nhân viên thời vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị Trần Thị Phương, quản lý công ty TNHH Tân Thời Đại, chia sẻ: “Hướng đến dịch vụ dọn nhà chuyên nghiệp nên nhân viên của chúng tôi đều được đào tạo, hướng dẫn rất kỹ về quy trình dọn dẹp, kỹ năng sử dụng các loại máy móc, hóa chất…”.
Chị Tuyết và chị Phương đều cho biết, năm nay, lượng khách hàng đặt dịch vụ giảm hẳn so với mọi năm. Một số “mối” quen đã được hai chị duy trì 5, 6 năm, Tết này, chủ động gọi điện dời lịch dọn dẹp sang năm vì tình hình kinh tế quá khó khăn. Nhiều văn phòng, trụ sở lớn trên địa bàn thành phố cũng lắc đầu khi nhận được lời chào hàng vì “không đủ tiền trả cho công nhân, lấy đâu tiền chi cho dọn dẹp, làm mới”.
|
Anh Trần Duyên Hải đảm nhận những công việc mang tính nguy hiểm cao như đu dây lau kính ngoài trời.
|
Nỗi niềm người trong nghề
2 giờ chiều, 5 nhân viên lỉnh kỉnh chở theo xô chậu, máy đánh sàn, hóa chất rời văn phòng Dịch vụ vệ sinh Phương Đông đến trụ sở một doanh nghiệp trên đường Trần Hưng Đạo. Đến nơi, như đã được “lập trình” sẵn, mỗi người một việc, chăm chú, tỉ mẩn. Đàn ông vệ sinh tường nhà, trần nhà; tháo, treo rèm; lau kính, quạt; điều khiển máy đánh sàn… Những công việc khác như lau sàn, chà rửa nhà vệ sinh, lau bàn ghế, giặt rèm… do phụ nữ phụ trách.
Chị Lê Thị Ngọc Trang, ở khu vực 3, phường Đống Đa, đang cặm cụi chà rửa cầu thang, kể: “Làm riết rồi quen, chỗ nào cần dùng dụng cụ nào, hóa chất nào để làm sạch, tui biết hết. Mỗi tháng, tôi kiếm được khoảng 2 triệu đồng, đủ xoay xở chi tiêu cho gia đình”.
Phần lớn người làm dịch vụ này đều là lao động ở tuổi 30-45. Dịp cận Tết, lực lượng này còn được bổ sung nhiều gương mặt trẻ, phần lớn là sinh viên nam. Đinh Tấn Vũ, sinh viên Trường ĐH Quang Trung, chia sẻ: “Ngày đầu đi làm, tôi thấy ngường ngượng khi tham gia vào công việc chà rửa, lau chùi có phần hơi “nữ tính”. Nhưng giờ thì quen rồi”.
Khác với Vũ, Lê Minh Châu, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Bình Định, lại tự hào khi nói về công việc của mình. Gần một năm gắn bó với công việc này, Châu hãnh diện với những đồng tiền kiếm được từ chính mồ hôi, công sức của mình.
“Chủ cũng là thợ”, những người làm quản lý các dịch vụ vệ sinh nhà cửa cũng tham gia “đụng tay đụng chân”. Mỗi ngày, sau khi phân công công việc cho nhân viên, anh Trần Duyên Hải, quản lý Dịch vụ vệ sinh Phương Đông, cũng bắt tay vào lau chùi cùng nhân viên. Với những việc nguy hiểm như đu dây lau kính ngoài trời, anh đều tự tay làm. “Được đào tạo, rèn luyện ở TP Hồ Chí Minh nên mình làm nhanh, gọn và an toàn hơn. Tôi vẫn chưa dám giao cho nhân viên những công việc nguy hiểm như vậy”, anh Hải cho biết.
Góp phần làm đẹp nhà cửa của các gia đình, công ty ngày Tết, nên họ cũng nhận được nhiều cái nhìn trìu mến, ấm áp. Sau mỗi đợt làm việc, họ còn được lì xì, tặng bánh kẹo. Tuy nhiên, cũng không ít lần, họ bị chủ nhà tỏ vẻ không hài lòng.
|