Những người bạn quốc tế từng ngồi tù vì ủng hộ Việt Nam
17:22', 27/1/ 2013 (GMT+7)

Trèo lên tượng nữ thần Tự Do vẫy cao lá cờ đỏ sao vàng, tổ chức biểu tình trước cổng Nhà Trắng hay bắt cóc sĩ quan Mỹ để đổi lấy mạng sống của Nguyễn Văn Trỗi..., nhiều bạn bè quốc tế đã phải ngồi tù vì ủng hộ Việt Nam.

 

Ông Renato Darsie kể lại những ngày tháng đấu tranh ủng hộ Việt Nam.

 

Sáng 26.1, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức chương trình "Hiệp định Paris - Vòng tay bè bạn". Đây là chương trình nhằm tri ân những người bạn quốc tế đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, góp phần không nhỏ trong sự thành công của Việt Nam trên bàn đàm phán Paris.

Vượt hàng nghìn km từ nhiều đất nước khác nhau đến Việt Nam, những người bạn quốc tế yêu chuộng hòa bình bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi hòa bình đã lập lại ở Việt Nam được 40 năm. Từ những thanh niên hăng hái tham gia phong trào phản chiến, nay những người bạn ấy tóc đã bạc, da đã sờn, nhưng tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam thì không hề thay đổi.

Ông Renato Darsie, Đảng viên Đảng Những người Cộng sản Italia - một trong những người lãnh đạo phong trào ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ chia sẻ, ông thấy hân hoan khi được đến Việt Nam vào dịp cả nước tưng bừng kỉ niệm 40 năm kí hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Căm phẫn trước những hành động tội ác của Mỹ, ông và rất nhiều người Italia khác đã tổ chức biểu tình phản đối.

"Ở Italia không phải nơi nào cũng được hiến máu, chúng tôi đã đi một quãng đường xa từ Veneto đến Nam Tư để hiến máu, rồi nhờ các bạn Nam Tư gửi sang cho Việt Nam. Khi những con tàu của Mỹ cập bến ở cảng chúng tôi, muốn lấy thêm hàng hóa để chất lên tàu, chúng tôi đã tìm cách ngăn chặn. Khi những bệnh viện của các bạn bị ném bom, chúng tôi đã vận động người dân ủng hộ...", ông Renato Darsie kể.

 

Đại diện cho hàng triệu những người ủng hộ Việt Nam, những người bạn quốc tế yêu chuộng hòa bình đã vượt hàng nghìn km dự lễ kỉ niệm 40 năm ngày kí kết hiệp định Paris.

 

Nhưng cũng chính những việc làm trên đã khiến ông 5 lần bị buộc tội vì gây rối trật tự công cộng và làm trái pháp luật. Tất cả những điều đó không làm Renato Darsie run sợ, ông vẫn kiên trì vì mục tiêu hòa bình của dân tộc Việt Nam.

"Ngày 30.4.1975, khi các bạn giải phóng, ở Italia chúng tôi đã ôm lấy nhau, nhảy múa cả đêm vì hạnh phúc. Năm nay, chúng tôi cũng có một loạt sự kiện để tưởng nhớ mối quan hệ 40 năm ngoại giao của chúng ta", ông Renato Darsie cho hay.

Ông Carlos Rey Gomez, du kích quân Caracas (Venezuela) thì kể lại, vào ngày 19.5.1964, khi anh Nguyễn Văn Trỗi bị bắt ở Sài Gòn và bị kết tội tử hình, ông cùng với bốn chiến sĩ khác đã quyết định bắt cóc một chỉ huy quân sự của Mỹ để đổi lại mạng sống cho Nguyễn Văn Trỗi. Ngày 9.10, đội du kích của ông bắt cóc được sĩ quan Mỹ Michael Smolen.

"Chúng tôi yêu cầu chính phủ Mỹ phải thả anh Trỗi, họ có 3 ngày để làm việc đó. Nhưng lúc bấy giờ thông tin kém, khi họ thông báo đã thả anh Trỗi thì ở Venezuela chúng tôi cũng thả Smolen. Không ngờ họ đã lật lọng, giả dối và tử hình Nguyễn Văn Trỗi", ông Carlos Rey Gomez kể và cho hay, sau đó đội du kích quân đã giận dữ phát động cuộc đoàn kết rộng rãi chống lại Mỹ.

Trong số những người bạn quốc tế đến Việt Nam lần này có một phụ nữ Mỹ, dáng người nhỏ bé nhưng cách đây 40 năm đã khiến cả thế trầm trồ. Phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, bà Merle Evelyn Ratner đã trèo lên tượng nữ thần Tự Do vẫy cao lá cờ đỏ sao vàng. Bà cho biết, hành động đó của bà là muốn người dân nước Mỹ biết cuộc chiến ở Việt Nam là sai lầm, là tội ác.

Bắt đầu tham gia phong trào phản chiến khi mới 13 tuổi, Merle Evelyn Ratner liên tục cùng nhiều người khác tập trung, biểu tình phản đối. Bà cho rằng, phong trào này có tác dụng to lớn, trước hết là đấu tranh để giành quyền được đấu tranh. "Chúng tôi đã bị bắt nhiều lần vì các hành động này", bà cho hay.

 

Ông Michel Strachinescu tự hào vì được lái xe đưa phái đoàn Việt Nam từ nơi ở đến địa điểm đàm phán tại Paris.

 

Thế nhưng Merle Evelyn Ratner không nao núng. Bà nói, đã học được rất nhiều điều ở đội ngũ tóc dài của Việt Nam, nhất là từ bà Nguyễn Thị Bình, về sự kiên trì, bền bỉ và không khuất phục. Merle Evelyn Ratner đã làm cả hội trường xúc động khi hát lại bài ca mà bà và đồng đội đã hát trong suốt quá trình hoạt động phong trào phản chiến. Đó là những lời chúc bà Bình mạnh khỏe sống lâu, chúc cho chiến tranh sẽ kết thúc.

Đại diện cho những người Mỹ ủng hộ Việt Nam, ông Chuck Searcy cũng bày tỏ sự xúc động khi thấy Việt Nam hòa bình, phát triển. Hơn 40 năm trước, ông và bạn bè đã huy động nhiều người dân tham gia biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. Hàng nghìn người Mỹ đã bị bắt và buộc tội gây mất trật tự công cộng.

"Chúng tôi đã lo lắng trong một thời gian dài khi hội nghị Paris diễn ra. Chúng tôi thậm chí đã sang Paris để gặp bà Bình, hỏi thăm thông tin về tình hình diễn ra tại bàn đàm phán. Sau khi hiệp định được kí, chúng tôi tiếp tục đấu tranh để biến nó thành hiện thực, bao gồm điều khoản cung cấp hỗ trợ để hoàn gắn vết thương chiến tranh", ông Chuck Searcy cho hay.

Ông Anatoly Khyupenen, trưởng đoàn cố vấn quân sự Nga tại Việt Nam từ năm 1972-1975 chia sẻ, đối với cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, Nga không chỉ tổ chức biểu tình mà còn làm những việc thiết thực để giúp nước anh em như lương thực, vũ khí, đạn dược và chuyên gia quân sự.

"Tôi thay mặt cho cựu chiến binh Nga từng phục vụ ở Việt Nam chúc mừng các bạn. Chúng tôi rất vinh dự vì từng được các bạn gọi là đồng chí Liên Xô. Bản thân tôi vẫn còn nhớ những ngày làm cố vấn quân sự, mỗi lần đi đến đâu cũng được các em bé chào là bác Liên Xô để tỏ lòng yêu quý các chuyên gia", ông Anatoly Khyupenen nói.

Còn ông Michel Strachinescu, lái xe cho phái đoàn Việt Nam ở Verrières le Buisson trong ba năm từ 1970 đến 1973 thì tâm sự, được nhận nhiệm vụ này đối với ông là một vinh dự lớn. Quãng đường 25 km từ nơi ở đến địa điểm diễn ra cuộc đàm phán có khi vui vẻ, có lúc cũng căng thẳng bởi cuộc chiến trên bàn ngoại giao không hề đơn giản.

Ông Michel cho hay, trên xe của ông luôn cắm lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Một hôm đang đi thì lá cờ bị rơi xuống đường, khi ông dừng lại thì nó đã ở xa khoảng 200m. Đường cao tốc nên xe cộ qua lại vun vút, nhưng ông quyết định chạy ngược lại nhặt lá cờ cắm vào vị trí cũ rồi mới tiếp tục hành trình.

"Tôi biết lúc đó có thể xảy ra tai nạn, nhưng dù có bị xe cán qua người tôi vẫn sẽ quay lại nhặt, bởi đó là một việc nhỏ. Các bạn Việt Nam đang đấu tranh trên một mặt trận vô cùng gian khổ nhưng vẫn làm tốt cơ mà", người cựu lái xe kể.

Ông nhớ, trong những ngày đưa đoàn Việt Nam đến hội nghị, một người bạn đã nói với ông rằng "Này Michel, Mỹ có tàn phá chúng tôi ghê gớm như thế nào đi chăng nữa, chúng tôi sẽ xây dựng lại gấp 100, 200 lần. Các bạn đã làm được điều đó", Michel cười.

Nguyên trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Paris, bà Nguyễn Thị Bình xúc động khi nghe bạn bè quốc tế nhắc lại những tháng năm lịch sử gian khó mà hào hùng. Bà cho rằng, có mặt ở Việt Nam dịp này chỉ là đại diện, còn những người ủng hộ Việt Nam là hàng triệu người nữa trên thế giới.

"Việt Nam luôn đánh giá cao sự đoàn kết quốc tế, nếu không có sự ủng hộ của các bạn thì chúng tôi còn khó khăn lắm. Thay mặt cho nhân dân Việt Nam, chúng tôi mãi mãi biết ơn tất cả các bạn từ châu Âu, Á, Phi, Mỹ, mong rằng tình cảm hữu nghị của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn", nguyên phó chủ tịch nước chia sẻ.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gần 10,7 tỉ đồng tặng quà Tết cho người có công  (27/01/2013)
Dù khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn thưởng Tết  (26/01/2013)
Rộn ràng dịch vụ dọn nhà mùa Tết  (26/01/2013)
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và các gia đình chính sách  (26/01/2013)
Thăm, tặng quà Tết cho công nhân, đồng bào nghèo  (26/01/2013)
Phải bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế  (26/01/2013)
Hội nghị Giao ban xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm năm 2012  (26/01/2013)
Cuộc đấu trí hơn 1.700 ngày  (26/01/2013)
Vẫn là bài toán khó  (25/01/2013)
Khá hơn các năm trước  (25/01/2013)
Giúp đồng bào khó khăn đón Tết  (25/01/2013)
Tăng cường chất lượng thực hành quyền công tố và hoạt động kiểm sát  (25/01/2013)
Phòng chống tội phạm hiệu quả  (25/01/2013)
Những thầy thuốc mang quân hàm xanh  (25/01/2013)
Mít tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris  (25/01/2013)