Nhiều năm qua, hơn 370 hộ dân với gần 1.700 nhân khẩu sinh sống ven thôn Tân Phụng 2 (hay còn gọi làng chài Tân Phụng), xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, phải sống trong cảnh âu lo bởi nước biển xâm thực, gây sạt lở nghiêm trọng. Hiện nay, diện tích xóm chài cứ ngày càng thu hẹp dần, hàng chục ngôi nhà nằm san sát miệng “hà bá” có thể bị sóng đánh sập bất cứ lúc nào.
|
Làng chài Tân Phụng 2, xã Mỹ Thọ ngày càng “tiến gần” mép sóng.
|
Phập phồng nỗi lo
Nằm nép mình bên cửa biển, làng chài Tân Phụng luôn tấp nập tàu bè ra vào mỗi ngày. Đằng sau khung cảnh nhộn nhịp ấy, nỗi lo nhà cửa bị sóng đánh sập cứ luôn hiện hữu trong lòng người dân nơi đây.
Ông Hồ Kim Anh (70 tuổi), người đã gắn bó hơn nửa cuộc đời ở làng chài này, lo lắng: “Năm 1978, một trận bão lớn đã đổ bộ vào làng chài cuốn phăng cả dãy 6 - 7 ngôi nhà nằm ở phía trước. Từ đó đến nay, tình trạng bờ biển xâm thực, xói mòn ngày một nghiêm trọng; trung bình mỗi năm biển xâm thực đến vài mét. Riêng nhà tui, cách đây 20 năm, khoảng cách từ chân tường nhà đến miệng sóng gần 15m, nhưng giờ chỉ còn chưa đến 1m. Với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay, nhà cửa của hàng trăm hộ dân nơi đây luôn bị đe dọa”.
Quan sát, chúng tôi cũng thấy hàng chục ngôi nhà nằm bên mép sóng, nước biển đã tiến sát đến chân tường nhà. Nguy hiểm hơn, nhiều ngôi nhà nằm phía Bắc làng chài do liên tục bị sóng biển bào mòn, khiến nhiều nền móng nhà kiên cố bị khoét sâu, rỗng chân và có nguy cơ đổ sập xuống biển. Ngoài ra, con đường độc đạo trước làng giờ đã nằm sâu dưới mực nước biển. Hằng ngày, trẻ em trong làng muốn đến được trường học phải bì bõm băng đường, mang theo bao nỗi lo âu.
Ông Phan Dế, một người dân đã có 50 năm sinh sống tại làng chài Tân Phụng 2, lo âu: “Do liên tục hứng chịu những cơn thịnh nộ của biển, nên một phần đất đã bị sóng biển cuốn trôi; làng xóm như nhích dần ra biển. Hằng đêm, những cơn sóng liên tục gầm rú đánh bạt bên tai, khiến bà con chúng tôi mất ăn mất ngủ”.
Trước tình trạng xói lở, xâm thực nghiêm trọng, uy hiếp cuộc sống người dân Tân Phụng 2, những năm qua, bà con sinh sống tại làng chài đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nhiều tuyến bờ kè đá, kết hợp với gia cố lại nền móng, tường nhà, nhưng vẫn không ngăn cản nổi sự tàn phá khốc liệt của sóng biển.
|
Nhiều hộ dân sống tại vùng nguy hiểm tại xã Mỹ Thọ được cấp đất TĐC đã xây dựng nhà ở.
|
Tái định cư cho dân
Về vấn đề tái định cư (TĐC) cho dân, ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, cho biết: Từ năm 2009 đến nay, địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành rà soát, cấp đất cho 182 hộ sinh sống tại những vùng sạt lở, vùng bị thiên tai bão lũ uy hiếp tại 3 thôn Tân Thành, Tân Phụng 1 và Tân Phụng 2 đến TĐC tại Triều Cương, với diện tích rộng 6,2 ha. Đến nay, đã có 32/182 hộ xây dựng nhà ở kiên cố. Đặc biệt thôn Tân Phụng 2 nằm gần mép biển, có nhiều nguy cơ sóng biển tàn phá, đã có 82 hộ dân đã được cấp đất TĐC. Mỗi hộ được nhận từ 180-220m2 đất ở và được hỗ trợ 10 triệu đồng để di dời nhà theo đúng quy định Nhà nước. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân làng Tân Phụng 2 đều khó khăn về kinh tế nên chưa xây nhà ở mới được. Trước mắt, chính quyền địa phương đang theo dõi chặt chẽ tình hình bờ biển bị xâm thực để có phương án đảm bảo an toàn cho người dân.
Để sớm thoát khỏi khu vực nguy hiểm, người dân Tân Phụng 2 cần nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng chỗ ở mới tại khu TĐC Triều Cương. Chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội ở khu TĐC để người dân vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm sớm “an cư lạc nghiệp”. Và cũng cần phải kiên quyết di dời những hộ quá gần mép nước, có nguy cơ bị sóng cuốn trôi.
|