3 năm gần đây, huyện An Lão có 84 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài qua Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH) và Công ty cổ phần Xây dựng 47. Lao động xuất khẩu tập trung chủ yếu ở các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia.
Phần lớn người dân An Lão tham gia xuất khẩu lao động có việc làm, thu nhập ổn định, sau 1 năm làm việc đã gửi được tiền về cho gia đình. Riêng 10 tháng đầu năm 2012, lực lượng này đã gửi về cho gia đình khoảng 3,2 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở thêm nhiều cơ sở sản xuất mới, thu hút lao động vào làm việc.
|
Một góc An lão. Ảnh: VĂN LƯU
|
Chú trọng tuyên truyền
Ở huyện An Lão, xã An Vinh là điểm sáng trong phong trào xuất khẩu lao động. 100% dân cư của An Vinh là đồng bào dân tộc H’re và Bana, sống bằng nghề nông và canh tác nương rẫy. Sau nhiều trăn trở tìm hướng thoát nghèo, nhiều người đã mạnh dạn vay vốn, đăng ký học tiếng nước ngoài rồi tham gia xuất khẩu lao động. Hiện nay, cả xã có hàng chục người đang lao động tại các nước Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhiều gia đình đã trả hết nợ ngân hàng, mua sắm xe gắn máy và những đồ dùng đắt tiền, nhiều nhà có “của ăn, của để”; dùng tiền có được để phát triển nghề mới.
Bên cạnh đó, nhiều người đi xuất khẩu lao động còn tiếp thu được khoa học kỹ thuật, tác phong làm việc công nghiệp từ nước bạn. Trở về nước, họ có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng quê hương.
Để đạt được kết quả trên, huyện An Lão đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và của huyện về công tác xuất khẩu lao động. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín tư vấn, tuyên truyền cho lãnh đạo thôn và người lao động. Bên cạnh đó, huyện còn có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động như: đào tạo nghề, cho vay vốn ưu đãi, kinh phí học ngoại ngữ và giáo dục định hướng... Và hơn hết là làm tốt công tác nêu gương điển hình những địa phương làm tốt công tác xuất khẩu lao động, những gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phát huy kết quả
Dù đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan, song công tác xuất khẩu lao động ở An Lão vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. “Nguồn nhân lực của chúng ta dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi các nước phát triển lại có nhu cầu tuyển dụng người có trình độ tay nghề cao. Mặt khác, lao động nghèo khó tham gia xuất khẩu lao động vì chi phí đi Hàn Quốc, Đài Loan khá cao (150-160 triệu đồng/người)”, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão Từ Xuân Mười cho biết.
Cũng theo ông Mười, một số ít lao động chưa đảm bảo tính kỷ luật, tự ý bỏ ra ngoài, không liên lạc với gia đình, làm ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động ở địa phương. Sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục cho lao động xuất cảnh của các doanh nghiệp cũng dẫn đến tình trạng lao động đã tham gia học tập, đủ điều kiện để xuất cảnh nhưng lại bỏ về quê.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, chia sẻ: “Phát huy kết quả của công tác xuất khẩu lao động, huyện An Lão sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; chú trọng công tác dạy nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động. Công tác điều tra, rà soát số lao động trong độ tuổi có thể tham gia xuất khẩu lao động để đào tạo nghề cũng sẽ được chú trọng hơn. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên dương, khen thưởng kịp thời các xã, thị trấn tổ chức chỉ đạo tốt phong trào xuất khẩu lao động; ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực, cò mồi, tung tin thất thiệt ảnh hưởng xấu đến hoạt động này”.
|