Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS. Vũ Văn Phúc về một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Năm nay, kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam cũng là thời điểm đánh dấu một năm Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đi vào cuộc sống.
Có thể nói, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng suốt 1 năm qua, được nhân dân cả nước quan tâm và kỳ vọng.
|
Ông Vũ Văn Phúc trả lời phóng vấn phóng viên VOV |
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản- cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng:
PV: Thưa ông, sau 1 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4, với tư cách là một nhà khoa học, một nhà báo, ông cảm nhận thế nào về dư luận xã hội đối với đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này?
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Có thể nói, một sự kiện chính trị quan trọng nhất của năm 2012, đó là việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã triển khai một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, mà cụ thể là tiến hành đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình và nhiều giải pháp khác.
Chúng tôi cho rằng, đợt kiểm điểm này có một kết quả rất tích cực. Trước hết, đó là sự làm gương, nêu gương của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng đồng chí Ủy viên. Đó là cơ sở để tất cả cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng triển khai đợt kiểm điểm một cách nghiêm túc.
Việc kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tạo ra một luồng gió mới trong tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên. Đa số cán bộ đảng viên chờ đợt kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Tuy nhiên, bên cạnh những dư luận tích cực, cũng có dư luận chưa thực sự tích cực.
Sau Hội nghị Trung ương 6, cán bộ, đảng viên thấy rằng, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng cũng chưa thật sự triệt để, chưa kiên quyết, chưa chỉ rõ đồng chí cán bộ, đảng viên nào, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp của Đảng, Nhà nước có những khuyết điểm gì, có những hạn chế gì so với yêu cầu mà Nghị quyết Trung ương 4 nêu ra. Dư luận cho rằng, như thế là chưa thỏa đáng.
PV: Cá nhân ông thì suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hay còn băn khoăn? Nếu tích cực thì ông ghi nhận những chuyển biến quan trọng nào và nếu còn băn khoăn thì ông quan tâm tới những vấn đề nào?
PGS.TS Vũ Văn Phúc: Cá nhân tôi thấy rằng, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng, chiều hướng tích cực là nhiều hơn. Từng cán bộ, đảng viên, từ cán bộ chủ chốt cao cấp nhất của Đảng cho đến cán bộ, đảng viên đều tự soi lại mình xem mình có những mặt mạnh nào, mặt yếu nào. Tập thể góp ý cho từng cán bộ, đảng viên thì mỗi người cũng tự rút ra ưu điểm, khuyết điểm, cách khắc phục theo hướng tích cực.
Thứ hai, thông qua việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4, nhân dân cũng giám sát chặt chẽ hơn và sát sao hơn việc rèn luyện của từng tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên để thấy rằng, đồng chí này trong thời gian vừa qua đã có sự chuyển biến tích cực, gần dân hơn, lắng nghe ý kiến của dân hơn, đã giải quyết các nguyện vọng chính đáng của dân tốt hơn trước đây và những biểu hiện tiêu cực trong công tác, trong cuộc sống dường như cũng được hạn chế ở mức độ nhất định.
Tôi cho rằng, hiệu ứng, hiệu quả tích cực của việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 là chủ đạo. Tuy nhiên, với tư cách là một cán bộ, đảng viên, qua nghe dư luận của cán bộ, đảng viên, tôi cũng còn băn khoăn.
Nếu như các đồng chí lãnh đạo, nhất là cán bộ lãnh đạo cao cấp dám nhận khuyết điểm trước toàn đảng, toàn dân rằng mình đã có những thành tích này, thành tích kia; nhưng mình vẫn còn những hạn chế nhất định và hứa với toàn đảng rằng, trong thời gian tới sẽ sửa chữa, khắc phục những hạn chế, yếu kém đó. Tôi tin rằng, niềm tin của nhân dân đối với đảng nói chung và niềm tin của nhân dân đối với từng đồng chí cán bộ, lãnh đạo, quản lý cao cấp nói riêng sẽ tăng hơn nhiều.
PV: Trả lời phỏng vấn TTXVN nhân dịp đầu năm mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Cần nhận thức rõ rằng, Nghị quyết này với yêu cầu trước mắt chủ yếu là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn. Nếu ai không chịu nhận khuyết điểm, không chịu sửa thì mới kỷ luật, xử lý”. Ông suy nghĩ gì về nhận định đó của Tổng Bí thư?
PGS.TS Vũ Văn Phúc: Tôi cho rằng, các bước triển khai Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua là phù hợp với công tác xây dựng Đảng nói chung và thực tế Việt Nam nói riêng. Tôi cho rằng, thành công của Nghị quyết Trung ương 4 trong năm 2012 đúng như Tổng Bí thư đã nói, nó là một bước cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe cán bộ, đảng viên, nhất là những người đã có những sai lầm, khuyết điểm để họ thấy được cái hạn chế, yếu kém, thậm chí là khuyết điểm của mình.
Sau kiểm điểm Trung ương 4 sẽ có bước hoàn thiện tốt hơn, sửa chữa khuyết điểm của mình để làm thế nào nâng cao khả năng lãnh đạo, quản lý của mình và nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống của mình và gia đình mình. Đó là thắng lợi bước đầu của Nghị quyết Trung ương 4.
Còn việc kỷ luật đồng chí này, đồng chí khác phải thực hiện theo quy trình của Đảng, phải có sự kiểm tra, xác minh. Nếu họ có khuyết điểm thật sự thì phải kỷ luật theo đúng quy trình. Nghị quyết Trung ương 4 theo tôi hiểu, mục đích quan trọng là chặn được đà suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm cho đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn .
PV: Gắn bó mật thiết với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong năm 2012, Tạp chí Cộng sản đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến Nghị quyết Trung ương 4. Xin ông cho biết cụ thể hơn những hoạt động đó?
PGS.TS Vũ Văn Phúc: Tạp chí Cộng sản, với tư cách là cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng, ý thức rất rõ việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4. Trước khi Nghị quyết Trung ương 4 ra đời, trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản, chúng tôi đã đăng một loạt bài, góp phần vào việc tìm cơ sở lý luận và thực tiễn để Trung ương ra đời Nghị quyết Trung ương 4.
Khi Nghị quyết ra đời, Tạp chí Cộng sản tiến hành rất nhiều việc để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Cụ thể, chúng tôi đã đăng tải các bải phân tích, làm rõ những điểm mới, những điểm mấu chốt, những điều căn bản, làm rõ những giải pháp để triển khai Nghị quyết vào cuộc sống.
Đồng thời, Tạp chí Cộng sản đã tổ chức 4 hội thảo khoa học để làm sáng tỏ hơn những luận cứ khoa học, luận cứ thực tiễn của Nghị quyết Trung ương 4. Đó là Hội thảo về mối quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan cấp ủy với tập thể cơ quan cấp ủy, Hội thảo bàn về các giải pháp triển khai Nghị quyết TW4 có hiệu quả nhất trong toàn đảng ta.
Hội thảo thứ ba là “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ đảng viên hiện nay”. Chúng tôi cho rằng, nếu chúng ta không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa thì nó trở thành một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Gần đây nhất, Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Những giải pháp phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”. Phòng chống tham nhũng gắn rất chặt với Nghị quyết Trung ương 4 bởi Nghị quyết Trung ương 4 mấu chốt là chống chủ nghĩa cá nhân, hình thành lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!.
. Theo VOV |