Những người lính bắn pháo hoa đêm giao thừa
22:22', 1/2/ 2013 (GMT+7)

Mỗi giao thừa, giờ khắc năm cũ chuyển sang năm mới, bầu trời thành phố lại sáng rực rỡ pháo hoa. Ít người hình dung được, để có được những màn pháo hoa đẹp mắt đó là sự chuẩn bị khá công phu, nghiêm cẩn của các cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh được giao nhiệm vụ bắn pháo hoa trong đêm giao thừa.

Trước kia, pháo hoa chỉ được sử dụng trong các dịp lễ đặc biệt. Những năm gần đây, pháo hoa được bắn thường xuyên hơn vào đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng đất trời chuyển giao năm cũ, năm mới.

 

Đông đảo nhân dân TP Quy Nhơn thưởng ngoạn bắn pháo hoa đêm giao thừa tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Ảnh: văn lưu

Chuẩn bị công phu

Tại Bình Định, đêm giao thừa, pháo hoa thường được bắn tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, có năm tổ chức bắn một lúc tại hai địa điểm, ở Quy Nhơn và ở huyện. Do đó, công việc chuẩn bị cũng như tổ chức bắn pháo hoa của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh càng vất vả, nặng nề hơn.

Đại tá Nguyễn Thanh An, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, người nhiều năm trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác bắn pháo hoa, cho biết: “Để có 15 phút bắn pháo hoa đêm giao thừa, những cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ đã triển khai công việc từ khá sớm, từ việc lo đặt pháo hoa chuyển về kho bảo quản, tổ chức công tác tập huấn. Ngày 30 Tết, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ đều tập trung đầy đủ tại địa điểm bắn pháo hoa để chuẩn bị, gồm lập sở chỉ huy của trận địa, chuẩn bị dàn pháo, kết nối, sao cho pháo được bắn lên không chỉ đẹp, an toàn mà còn đảm bảo đúng thời gian nổ, thời gian cháy, luyện tập các phương án xử lý tình huống…

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng (Ban Thông tin, Phòng tham mưu, Bộ CHQS tỉnh), người có 13 năm làm nhiệm vụ bắn pháo hoa đêm giao thừa, chia sẻ: “Trong các công việc thì việc đấu nối pháo hoa là cực kỳ quan trọng, bởi thuốc pháo rất nhạy, nếu đấu nối không cẩn thận thì nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, còn đấu nối sai vị trí, không theo kịch bản thì đêm pháo hoa đó coi như thất bại. Thiếu tá Hùng so sánh: “Pháo hoa cũng giống như một bản nhạc vậy. Chỉ đánh sai một nốt nhạc là hỏng cả bản nhạc, còn pháo hoa chỉ cần đấu nối sai một vị trí thì hỏng cả màn pháo hoa”.

Thiếu tá Hùng cho biết, đến nay việc bắn pháo hoa của tỉnh vẫn còn dùng phương pháp thủ công là dùng mồi lửa. Phương pháp này có độ nguy hiểm cao, đòi hỏi công tác tập huấn cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia phải thật kỹ và tuân thủ nghiêm ngoặt theo kịch bản đã định sẵn, nhờ vậy, nhiều năm qua không có sự cố đáng tiếc xảy ra.

 

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh tập kết pháo hoa chuẩn bị bắn vào đêm 29 Tết Quý Tỵ 2013. Ảnh: N.PHÚC

Cho 15 phút bầu trời rực rỡ

Để có 15 phút rực rỡ của đêm giao thừa, các cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ phải chấp nhận công việc thầm lặng và đón giao thừa ngoài đường. “Tôi còn nhớ những ngày đầu được tham gia thực hành bắn pháo hoa. Đó là năm 2000, lần đầu tiên tỉnh tổ chức bắn pháo hoa, tôi cùng một cán bộ khác được cử ra Bộ Quốc phòng để tập huấn. Dù lần đầu tiên bắn pháo hoa, kinh nghiệm ít nhưng mỗi khi pháo hoa được bắn lên rực rỡ trên bầu trời và đón nhận những tràng pháo tay hoan hô của người dân, chúng tôi có cảm giác thật sung sướng và hạnh phúc. Từ khi nhận nhiệm vụ này đến nay, đã 13 năm rồi tôi phải đón giao thừa ở ngoài đường, chưa một lần đưa vợ con đi xem pháo hoa. Nhưng tôi tự động viên, đây là một vinh dự và trách nhiệm lớn, rất đáng tự hào, mình hy sinh chút niềm vui riêng của bản thân để mang niềm vui đến cho nhiều người khác là cảm thấy hạnh phúc rồi”- thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự.

Đến nay việc bắn pháo hoa của tỉnh vẫn còn dùng phương pháp thủ công là dùng mồi lửa. Phương pháp này có độ nguy hiểm cao, đòi hỏi công tác tập huấn cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia phải thật kỹ và tuân thủ nghiêm ngặt theo kịch bản đã định sẵn, nhờ vậy, nhiều năm qua không có sự cố đáng tiếc xảy ra!

Còn đại úy Phan Ngọc Hạnh (Ban Tác chiến, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh), người gắn bó với nhiệm vụ bắn pháo hoa từ năm 2007 đến nay trải lòng: “Từ sáng sớm ngày 30 tết anh đã ra khỏi nhà đi làm nhiệm vụ, và trở về nhà vào lúc đã sang năm mới. Dù nhà ở Quy Nhơn nhưng anh không có thời gian tranh thủ về nhà. Từ khi nhận nhiệm vụ này, mọi công việc cúng kính trong ngày 30 Tết anh đều giao phó cho vợ”.

Theo đại úy Hạnh, dù đứng rất gần trận địa pháo hoa nhưng cán bộ, chiến sĩ lúc nào cũng căng thẳng, không dám thưởng thức những màn pháo hoa do chính mình bắn lên. Họ phải luôn để mắt đến các dàn pháo, để phòng ngừa sự cố xảy ra. Họ cũng ngước lên trời ngắm pháo hoa, nhưng là để ghi nhận pháo bắn đạt hay chưa đạt để rút kinh nghiệm năm sau bắn đẹp hơn.

Màn pháo hoa chào đón năm mới kết thúc, mọi người dân lại trở về nhà, hoặc đi chùa hái lộc, đi xuất hành đầu năm mới, còn cán bộ, chiến sĩ bắn pháo hoa thì tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ thu dọn hiện trường, về đơn vị báo cáo cấp trên kết quả đêm bắn pháo hoa. Thường thì có sớm cũng phải đến sau 2 giờ sáng, họ mới hoàn thành công việc và trở về nhà, với mùi thuốc pháo dính đầy người để đón chào năm mới.

Và Tết Quý Tỵ này, một lần nữa, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh lại lặng thầm chuẩn bị để có một đêm pháo hoa giao thừa rực rỡ, đem xuân đến cho mọi người.

  • NGUYỄN PHÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng mức chi cho các kỳ thi giáo viên, học sinh giỏi các cấp  (01/02/2013)
Công nhận 17 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế  (01/02/2013)
Nâng cao chất lượng công tác khám sức khỏe NVQS kết hợp quân dân y  (01/02/2013)
Nguy cơ thiếu máu cấp cứu trong dịp Tết  (01/02/2013)
Người phát ngôn cần chuyên nghiệp, trách nhiệm  (01/02/2013)
“Sức mạnh của chúng ta là dám đánh, biết đánh và biết thắng”  (01/02/2013)
Nối bàn tay bị chém đứt lìa  (01/02/2013)
Không dễ loại công chức “cắp ô”  (01/02/2013)
Tặng quà Tết cho các gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo  (01/02/2013)
Xuân về Canh Giao  (31/01/2013)
Lãnh đạo tỉnh thăm gia đình chính sách ở huyện Phù Mỹ  (31/01/2013)
Lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức họp báo và gặp mặt báo chí  (31/01/2013)
Đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận của cả hệ thống chính trị  (31/01/2013)
Khai mạc Hội Báo Xuân Quý Tỵ 2013  (31/01/2013)
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lãnh đạo lên 5 năm  (31/01/2013)