Dù không thấy ánh sáng, họ vẫn từng phút, từng giờ vươn lên, sống cho mình và trở thành chỗ dựa vững chắc cho người thân, những người đồng cảnh ngộ. Và trong những mái ấm người mù vẫn đủ đầy và tràn ngập ánh sáng ở trong lòng của hy vọng và tình người.
Không đầu hàng số phận
Tết này nữa là đã 31 năm ông Nguyễn Chạy (ở thôn Đại Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước) sống trong cảnh tăm tối. 14 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Chạy không còn nhìn thấy ánh sáng vì trúng phải mìn trong lúc làm việc. Bước qua sự hụt hẫng, co mình, Chạy mạnh mẽ đứng dậy để làm quen với cuộc sống mới trong sự khiếm khuyết của cơ thể. Hôm nay lần dò với từng viên gạch của gian nhà trên; ngày mai lần tìm xuống gian nhà dưới; cứ thế mà đi…
|
Ông Nguyễn Văn Chương tranh thủ thời gian phụ giúp vợ làm bánh hỏi. |
Ngày ấy, vừa làm ruộng nhà, anh Chạy vừa mướn thêm đất ven bàu Đưng, ven suối dưới chân núi Sơn Triều để tăng gia. Rồi tự tay chặt tre, đan đó để kiếm thêm con tôm, con cá. Anh làm việc bất kể ngày, đêm.
Mến tài và tính ham làm, chịu thương chịu khó của anh, cô gái Nguyễn Thị Thanh Trà đã nhận lời làm vợ. Gần 30 năm chung nghĩa vợ chồng, người phụ nữ ấy chưa khi nào hối hận. “Ông ấy mù lòa nên nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường. Cuộc sống gia đình tôi ổn định như hôm nay cũng từ con tôm, con tép mà ông ấy lặn lội đi đặt đó ở ven suối, từ cái lưng áo ướt đẫm mồ hôi khi lén vợ đi cuốc đất, be bờ, cắt cỏ…”, bà Trà tâm sự.
Hơn 20 năm trước, bà Trần Thị Khiêm, ở thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, cũng bị tai nạn cướp đi đôi mắt. Một mình chăm lo cho mẹ già, con thơ, cảm giác “như đã chết” của những ngày đầu sau tai nạn vẫn ám ảnh bà đến tận bây giờ. Xót cảnh mẹ già phải lụi cụi đổ bánh bèo bán, đứa con trai vừa 9 tuổi đã phải phụ ngoại mưu sinh, bà Khiêm gượng mình đứng dậy. Nghĩ đủ mọi cách, cuối cùng, bà dốc hết số vốn tích góp vào đàn heo. “Như thể được trời thương nên 10 con heo đầu tiên lớn nhanh, bán được lời, tôi lại tiếp tục gầy thêm”, bà Khiêm nhớ lại.
Còn có rất nhiều câu chuyện về những người kém may mắn, nhưng vẫn sống kiên cường, không đầu hàng số phận…
|
Tết này, niềm vui của ông Chạy được nhân lên bởi sự hiện diện của đứa cháu nội. |
Tết ấm của tình người
“Với tôi, mẹ là người tuyệt vời nhất. Thiếu vòng tay của ba, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy thiệt thòi vì luôn được mẹ bù đắp bằng tình yêu thương lớn lao. Đó là lý do tôi luôn nỗ lực, cố gắng trong cuộc sống”.
Anh Võ Minh Hoàng- con trai bà Trần Thị Khiêm |
Nghĩ rằng giúp mình là để giúp người, nhưng kỳ thực nhiều người mù không chỉ vượt qua nghịch cảnh mà còn là chỗ dựa cho nhiều người đồng cảnh ngộ. 32 năm trước, anh bộ đội Nguyễn Văn Chương, ở thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, bị mù do vướng phải mìn trong một lần về phép ở quê nhà. Không thể làm người vô dụng, ông Chương học dần nghề bánh hỏi để phụ vợ và chu tất ruộng vườn. Năm 2010, ông Chương còn tập trung nhiều người khiếm thị trong huyện cùng làm chổi đót mưu sinh. Rồi ông được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người mù huyện Tuy Phước.
Những ngày cận Tết này, ông Chương tất bật cùng Hội Người mù tỉnh tặng quà cho các hội viên. Ông Chương chia sẻ: “Tết này là cái Tết ý nghĩa nhất khi tôi được chia sẻ, giúp đỡ nhiều người đồng cảnh. Niềm vui, sự phấn khởi, tin tưởng của họ là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu phát triển hội, giúp đỡ các hội viên”.
Những ngày này, nhà ông Chạy rộn rã tiếng cười, tiếng khóc, tiếng ê a của đứa cháu đầu vừa từ TP Hồ Chí Minh về quê ăn Tết. Người đàn ông vừa lên chức nội ấy quấn lấy đứa cháu nựng nịu, trò chuyện. Năm nay, gia đình thu hoạch được 2 tấn lúa, bán cặp bò được trên 40 triệu đồng, nhưng ông Chạy bảo vui nhất là mấy đứa con đi làm xa đều về đủ. “Con gái đầu học ở Trung Quốc, thằng kề ở TP Hồ Chí Minh đều đưa cả nhà về mấy hôm nay rồi. Còn hai đứa nhỏ ở nhà, kết quả thi học kỳ I cũng tốt. Vậy là, tôi đã thấy đủ đầy và hạnh phúc lắm!”, ông Chạy khoe.
Còn với bà Khiêm, Tết này không được gặp con cháu, nhưng “tôi vẫn vui khi con cháu khỏe mạnh, công việc ổn định. Phần tôi ở nhà cũng thấy ấm lòng với sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng”.
|