|
Lãnh đạo xã thảo luận lần cuối quyết định xuất bản tập sách truyền thống lịch sử Đảng bộ xã Bình Tân (1930-2000). |
Năm 2011, Đảng bộ xã Bình Tân được Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Sơn đánh giá là tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trong sạch vững mạnh; năm 2012 vừa qua, xã tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bầu chọn lá cờ đầu của cụm thi đua các xã cánh Bắc huyện Tây Sơn. Đây là kết quả tốt nhất của Đảng bộ xã Bình Tân sau 18 năm chỉ được xếp loại yếu, kém, hoặc hoàn thành nhiệm vụ. Đâu là nguyên nhân và Bình Tân đã nỗ lực khắc phục khuyết điểm như thế nào?
Thời điểm từ năm 2010 trở về trước, nói đến xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Tây Sơn là người ta nhớ ngay đến xã Bình Tân - nơi có trên 20% hộ nghèo; đảng bộ, chính quyền và một số đoàn thể chính trị hoạt động yếu kém do mất đoàn kết nội bộ, đơn thư khiếu kiện kéo dài. Có thời điểm, Huyện ủy Tây Sơn phải thành lập tổ công tác về cùng với địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, sau đó tăng cường 2 cán bộ huyện về làm Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã.
Đến sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XI (nhiệm kỳ 2010-2015) tình hình xã cơ bản được ổn định, nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn như: Xã vừa thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân chưa được cải thiện, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở làng M6; cán bộ một số ban, ngành, đoàn thể của xã chưa đạt chuẩn về trình độ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới...
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng
Đứng trước thực trạng đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã rút kinh nghiệm sâu sắc bài học mất đoàn kết nội bộ những năm trước; rà soát đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, sắp xếp, bố trí, kiện toàn tổ chức bộ máy ở các ban, ngành, đoàn thể. Đảng ủy xã triển khai đến từng chi bộ trong xã và tiến hành công tác quy hoạch dự nguồn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Từ năm 2010 đến nay, xã Bình Tân đã cử 11 đồng chí học chương trình trung cấp lý luận chính trị, 12 đồng chí học đại học, 1 đồng chí học cao đẳng và 1 đồng chí học trung cấp.
Hiện nay, toàn Đảng bộ có 137 đảng viên, sinh hoạt ở 11 chi bộ. Để đánh giá đúng thực trạng, có giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đảng viên, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ toàn diện các chi bộ trực thuộc. Nội dung kiểm tra gồm việc thực hiện quy chế hoạt động cấp ủy; kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và chi bộ, qua đó giúp từng cấp ủy chi bộ thấy được điểm mạnh, hạn chế từ đó rút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động. Đồng thời, Đảng ủy xã chỉ đạo các cấp ủy chi bộ thực hiện công tác đánh giá chất lượng đảng viên một cách chặt chẽ, nghiêm túc; xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm nguyên tắc, điều lệ Đảng.
Bên cạnh đó, công tác tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên luôn được Đảng ủy Bình Tân quan tâm đúng mức, đảm bảo số lượng, chất lượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ xã phát triển được 15 đảng viên, riêng năm 2012 kết nạp được 8 đảng viên, đạt 114,28% kế hoạch, trong đó có 1 đảng viên là thanh niên tôn giáo. Hầu hết số đảng viên mới kết nạp nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đảng viên.
Lãnh đạo phát triển KT-XH
Song song với công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo luôn được Ban Thường vụ Đảng ủy xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Bình Tân là xã có tiềm năng để phát triển trồng trọt và chăn nuôi nhưng một thời gian dài đời sống nhân dân hết sức khó khăn vì chưa xác định được tiềm năng, thế mạnh, cũng như chưa có quy hoạch tổng thể.
“Song song với công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo luôn được Ban Thường vụ Đảng ủy xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Bình Tân là xã có tiềm năng để phát triển trồng trọt và chăn nuôi nhưng một thời gian dài đời sống nhân dân hết sức khó khăn vì chưa xác định được tiềm năng, thế mạnh, cũng như chưa có quy hoạch tổng thể” |
Đây là một bài toán khó mà Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân xã đã và đang có lời giải. Đồng chí Phạm Khắc Phi, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Thời điểm đó, xã tiến hành khảo sát, quy hoạch lại tổng thể để có cơ sở chỉ đạo, vận động chuyển đổi cơ cấu giống, vật nuôi, cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, xác định nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương, trong quá trình thực hiện có sự điều chỉnh, thay thế một số loại cây trồng không phù hợp. Xã còn tiến hành giao rừng tự nhiên cho hộ nhân dân quản lý, chăm sóc; giao đất cho bà con trồng rừng theo chương trình dự án WB3”.
Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các đoàn thể xã cũng đã tích cực tạo điều kiện cho hội, đoàn viên tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, các kiến thức KHKT để mở rộng sản xuất tăng thu nhập. Nhờ vậy đến nay Bình Tân không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm trung bình hàng năm là 2%, trong đó, năm 2012 giảm 2,98%. Hiện nay tỉ lệ hộ nghèo Bình Tân là 13,5%. Nhiều gia đình làm ăn khấm khá, xây được nhà mới, sắm sửa đầy đủ tiện nghi gia đình, mua xe tải chuyên dụng, mua xe máy; thu nhập bình quân đầu người của xã là 27 triệu đồng/người/năm.
Thực tế cho thấy, nhờ tập trung củng cố TCCSĐ gắn với lãnh đạo phát triển KT-XH, Đảng bộ xã Bình Tân đã lãnh đạo tạo ra một diện mạo nông thôn mới cho xã miền núi khó khăn này. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân có chuyển biến mạnh mẽ, tạo sự thống nhất cao trong quán triệt triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hầu hết các cấp ủy chi bộ đã thực hiện tốt chức năng hạt nhân lãnh đạo chính trị ở địa phương.
|