|
Một điểm giữ xe trước cổng Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) với giá 10.000 đồng/xe máy. |
Những ngày Tết, giá nhiều dịch vụ đều tăng cao, trong đó có dịch vụ giữ xe tại các lễ hội.
Sáng mùng 1 Tết, đoạn đường đi qua chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) đông đúc bởi lượng khách từ nhiều nơi đổ về mua bán lấy hên đầu năm và dự hội. Nắm bắt tình hình ấy, nhiều hộ dân dọc theo tuyến đường này tranh thủ mở dịch vụ giữ xe kiếm thêm thu nhập.
Gần 20 điểm giữ xe tự phát mọc lên, từ việc lấn chiếm vỉa hè cho đến tận dụng sân trước nhà, thậm chí cả phòng khách gia đình. Theo khảo sát của chúng tôi, giá vé giữ xe là 5.000 đồng/ xe máy. Một người giữ xe (xin được giấu tên) tại chợ Gò cho biết: “Năm nào, gia đình tôi cũng tranh thủ ngày mùng 1 và mùng 2 Tết đến đây giữ xe cho khách chơi hội, để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Hai vợ chồng cùng một số người trong gia đình phân công rõ ràng, người phụ trách mời khách, người dắt xe, người đưa phiếu, ghi số kiêm lấy tiền…”.
Nhiều năm nay, vào mùng 4 và mùng 5 Tết, người dân sống quanh khu vực Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) lại tất bật với dịch vụ giữ xe cho những người đi hội Đống Đa. Dọc vỉa hè trước cổng Bảo tàng Quang Trung, khu vực xung quanh bến Trường Trầu đều được tổ chức thành bãi giữ xe. Phần lớn họ đều là láng giềng nên rất ít chuyện tranh giành bãi giữ xe, hay cướp khách. Những người có nhà gần Bảo tàng thì tổ chức giữ xe tại nhà. Tương tự, tại Đàn tế Trời Đất trên núi Ấn Sơn (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), nhiều người dân vẫn mở các điểm giữ xe cho khách.
Tại lễ hội Đống Đa, nhiều năm qua, giá dịch vụ giữ xe ở Bảo tàng Quang Trung luôn ở mức 10.000 đồng/xe máy. Giá vé giữ xe máy tại khu vực lên Đàn tế Trời Đất vào mùng 4 Tết cũng là 10.000 đồng/xe máy. Đêm mùng 4, giá vé giữ xe máy tại sân vận động huyện Tây Sơn phục vụ khách dự Hội thi đối kháng Võ cổ truyền liên tỉnh có phần “mềm” hơn, nhưng cũng ở mức 5.000 đồng/xe máy.
Các chủ dịch vụ giữ xe tự phát ngại nói về thu nhập sau mấy ngày giữ xe dịp Tết, nhưng thử làm một phép toán, mỗi dịp lễ hội Đống Đa đều có cả vạn người dân và du khách về thăm quan, số điểm giữ xe nhiều nhất cũng không đến con số 20, nên mỗi điểm kiếm vài triệu bạc cũng là chuyện bình thường. Thấu hiểu tâm lý người đi chơi lễ đều xởi lởi, thích mau mắn, nên nhiều điểm giữ xe tranh thủ tăng giá.
Với nhiều khách chơi xuân, đặc biệt là những người từ xa đến, mức giá 10.000 đồng/xe máy có thể chấp nhận được. Hơn nữa, so với nhiều địa phương khác trong cả nước, mức giá này vẫn còn khá “mềm”. Tuy nhiên, người dân địa phương không khỏi bức xúc khi giá giữ xe tăng gấp ba, gấp năm lần so với ngày thường.
Ông Trần Văn Trực, một cán bộ ở TP Quy Nhơn về vui hội Đống Đa, sau khi trả tiền giữ xe máy, đã bày tỏ sự không hài lòng: “Đồng ý là giữ xe ngày Tết giá phải cao, cũng chẳng ai ép mình phải gửi, nhưng cũng cần phải xem lại”.
|