Nhọc nhằn trên núi rác
21:35', 19/2/ 2013 (GMT+7)

Xí nghiệp Quản lý và Chế biến rác thải Long Mỹ có hơn 30 công nhân đang ngày đêm tất bật với rác, góp phần biến rác thải trở thành một phần hữu ích cho cuộc sống. Trước và sau Tết Nguyên đán là dịp họ phải làm việc gấp hai, ba lần so với ngày thường vì những ngày này, rác thải tăng đột biến.

 

Công nhân đang phân loại rác trên băng chuyền.

 

Ra quân phục vụ Tết

Cuối năm là dịp tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong năm, đồng thời cũng là lúc nơi nơi, nhà nhà tổng vệ sinh. Dạo quanh thành phố những ngày này, đâu đâu cũng nhìn thấy rác. Rác ở chợ, rác ở khu dân cư, rác nằm trên vỉa hè… công nhân vừa dọn xong đã thấy có rác mới xuất hiện.

Những ngày giáp Tết, rác thải tăng đột biến. Ngày thường, mỗi ngày có 42 xe rác với khoảng 400m3 rác thải tập trung về bãi rác Long Mỹ. Đến những ngày cuối tháng Chạp, lượng rác tăng gấp 3-4 lần. Riêng, ngày 28 tháng Chạp có 144 chuyến với trên 1.350m3 rác; ngày 29 là 169 chuyến với trên 1.580m3 rác.

Để chuẩn bị cho đợt cao điểm trước Tết, Xí nghiệp Quản lý và Chế biến rác thải Long Mỹ đã tập trung nhân lực, lên kế hoạch xử lý rác. Ông Đỗ Quốc Anh, Phó Giám đốc Xí nghiệp, cho biết: “Dự đoán tình hình rác sẽ tăng nhanh vào cuối năm, chúng tôi đã lên kế hoạch từ trước đó một tháng. Xí nghiệp tăng cường huy động nhân lực, hóa chất, phương tiện, thiết bị… để xử lý rác thải nhanh nhất, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến môi trường. Cũng trong dịp cuối năm, chúng tôi đã tạm dừng sản xuất, chỉ tập trung vào xử lý rác để đảm bảo đúng tiến độ phục vụ Tết”.

Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Xí nghiệp, nhân sự đã được tăng cường. Ngày thường, mỗi ca trực chỉ có 5 công nhân phụ trách xử lý rác thải, dịp cao điểm này được tăng cường lên gấp đôi. Không chỉ thế, mỗi công nhân còn phải tăng giờ làm việc. Một công nhân xe ủi, ngày thường chỉ làm việc tại bãi khoảng 6 giờ thì giáp Tết phải tăng lên 12 giờ. Tương tự, công nhân phụ trách phun hóa chất cũng phải làm việc gấp đôi ngày thường, từ 8 giờ lên 15 giờ/ngày. Tăng cường thời gian làm việc ở đây đồng nghĩa với việc công nhân tiếp xúc nhiều hơn với chất thải, chất độc, đồng thời không được kề cận bên gia đình trong những ngày cuối năm. Tuy nhiên, khi được hỏi về khoảng thời gian vất vả, mệt nhọc ấy, ai cũng cười: “Quen rồi, công việc của mình mà!”.

Nhọc nhằn trên núi rác

Khi thành phố lên đèn, nhà nhà đang yên giấc thì nơi này lại bắt đầu hối hả lao động. Ngày làm việc của công nhân bắt đầu từ 0 giờ. Những ngày cuối năm, vùng đất trũng giữa bao nhiêu là núi đồi này về đêm lạnh tê cả người. Sương xuống phủ trắng cả một vùng. Ca trực tối có 5 người. Một người phụ trách đo đạc, dẫn xe. Một người phụ trách phun hóa chất. Người lái xe ủi. Người ghi chép sổ và xuất phiếu. Người còn lại là bảo vệ.

Họ ngồi cạnh nhau, vài câu tán gẫu, vài tiếng cười. Một, hai người còn tranh thủ giấc ngủ vội trên chiếc giường xếp. Chợt có tiếng xe gầm gừ đổ dốc, họ cùng bật dậy, cầm lấy đèn pin: “Chuyến xe đầu tiên đấy. Đêm nào cũng phải hơn 30 chuyến như vầy!”.

Chuyến xe rác đầu tiên nhanh chóng báo thông tin, rồi chạy vội về hướng bãi rác theo sự hướng dẫn của người phụ trách. Sương xuống dày khiến ánh đèn pha có phần mờ đi, khiến dáng hình của họ càng trở nên gầy gò, mệt mỏi. Chiếc xe chở rác nhanh chóng đổ rác vào chỗ hướng dẫn và quay đi, để lại gần chục người đang hối hả tìm kiếm những thứ còn sót lại và người công nhân lái xe ủi trên chiếc xe to lớn, có phần cô độc, lẻ loi.

16 năm nay, ông Hồ Tấn Thông, 44 tuổi, vẫn thường xuyên dầm mình giữa đêm để hoàn thành nhiệm vụ ủi rác. Những người nhận nhiệm vụ san, ủi rác giữa đêm như ông Thông luôn được đồng nghiệp nhường cho chữ “nhất” khi nói về cái cực, cái vất vả của nghề. Chẳng cực sao khi mà phải “nằm” suốt đêm ngoài trời, bất kể mưa gió. Mùa mưa đến là ướt nhẹp bởi chẳng có mái hiên che mưa tạt, gió thổi.

Ông Thông tâm sự: “Ở đây, khắp nơi đều là rác. Những lối đi, bờ đê đều từ rác mà thành. Nghề của chúng tôi là nghề gắn liền với rác. Cực lắm! Cực nhất là quần quật với rác từ 4 giờ sáng 29 tháng Chạp đến tận 4 giờ sáng hôm sau. Qua giao thừa mất “rầu”, nhưng tôi chẳng buồn, người nhà cũng chẳng trách vì đặc thù công việc”.

Cũng giống như ông Thông, chị Nguyễn Thị Thu Diệu, 35 tuổi, ở Xí nghiệp đã 12 năm nay. Là phụ nữ, chị được giao những công việc có phần nhẹ nhàng hơn trong khâu sản xuất phân compost, như: phân loại rác, vận chuyển phân thành phẩm… Khi được hỏi về những nỗi niềm trong nghề, chị chỉ cười: “Đến từng này tuổi, tôi chẳng ngại ngùng gì về công việc của mình. Chỉ biết, tôi làm được việc và nghề giúp mình nuôi sống gia đình, chăm lo cho hai con. Công việc ở đây cũng đơn giản, chỉ cần quen tay, chăm chỉ là làm được. Mọi người ở đây thương nhau lắm bởi biết cuộc đời ai cũng khổ, cũng cực. Những tiếng cười trong mỗi giờ giải lao, giờ cơm trưa là niềm vui để chúng tôi quên đi cái cực, cái khổ…”.

  • NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dịch vụ giữ xe tự phát lên giá  (19/02/2013)
Người dân đón Tết yên vui  (19/02/2013)
Chờ chực vào Nam…  (19/02/2013)
14 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm  (18/02/2013)
Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho cán bộ, chiến sĩ tàu BP 320403   (18/02/2013)
Gặp nạn vì bất cẩn  (18/02/2013)
Căng thẳng với tai nạn chấn thương sọ não  (18/02/2013)
Hải quân VN xây dựng hạm đội tàu ngầm hàng đầu Đông Nam Á  (18/02/2013)
Xuân hội ngộ  (18/02/2013)
Vươn lên đạt danh hiệu lá cờ đầu từ một đơn vị yếu kém  (17/02/2013)
Hiến pháp cần khẳng định vai trò Hội Nông dân Việt Nam  (17/02/2013)
Tàu biên phòng cứu tàu cá cùng 12 ngư dân gặp nạn  (17/02/2013)
Gặp mặt truyền thống đầu năm  (17/02/2013)
Tuyên dương khen thưởng sinh viên học giỏi  (15/02/2013)
Nỗ lực giải tỏa lượng hành khách đi lại sau Tết Quý Tỵ  (15/02/2013)