Các bệnh liên quan đến cột sống:
Điều trị sớm, hiệu quả cao
19:48', 20/2/ 2013 (GMT+7)

Theo nhiều bác sĩ, các bệnh liên quan đến cột sống hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng thời điểm. Tuy nhiên, đa phần người bệnh lại chủ quan, tự chữa trị tại nhà bằng nhiều cách, gây khó khăn cho công tác điều trị sau đó.

Không nên chủ quan

Ngày 21.8.2012, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, BVĐK tỉnh, tiếp nhận bệnh nhân Trần Văn B., 55 tuổi, ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn. Người nhà cho biết, bệnh nhân bắt đầu đau lưng hơn 2 năm trước, sau khi uống thuốc giảm đau thì đỡ. Khoảng 1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân đi lại khó khăn nên điều trị bằng cách châm cứu. 3 tuần sau, trong một lần đi bộ tập thể dục, ông B. đột ngột quỵ xuống cả 2 chân.  

 

Một ca phẫu thuật bệnh về cột sống do các bác sĩ BVĐK tỉnh thực hiện.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân B. bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số creatinine (một chất hóa học đáng tin cậy trong việc đánh giá chức năng thận, khi thận bị suy sẽ làm tăng nồng độ creatinine trong máu) là 145 Umol/l (ngưỡng bình thường 50-120 Umol/l). Sau một tuần điều trị bệnh thận, chỉ số này chỉ còn 129 Umol/l, khi đó phẫu thuật mới được tiến hành. Chưa đầy 10 ngày sau, ông B. xuất viện; hiện đã làm việc, sinh hoạt bình thường.

Không may mắn như ông B., không ít bệnh nhân mắc các bệnh về cột sống đã không đủ điều kiện được phẫu thuật, bởi dạ dày, thận, gan đã bị hư tổn nặng nề do chữa trị sai phương pháp trong thời gian dài. Bác sĩ Đào Văn Nhân, Phụ trách khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, cho biết: “Nhiều người mắc bệnh cột sống hiếm khi đến cơ sở y tế để được điều trị sớm. Trừ các trường hợp nhập viện cấp cứu, người đến viện sớm nhất cũng 2 tháng, muộn thì 3-4 năm, cá biệt có trường hợp kéo dài đến 7 năm”.

Theo bác sĩ Nhân, khi xuất hiện triệu chứng đau lưng, người dân hay dùng các loại thuốc dân gian. Các loại lá, thân, rễ cây được chế biến tùy tiện, sử dụng không theo liều lượng nhất định rất dễ dẫn đến suy thận cấp, suy gan cấp. Bên cạnh đó, nhiều người dùng biện pháp bấm huyệt, châm cứu, dù đã xuất hiện biểu hiện chèn ép rễ thần kinh và chèn ép tủy.

Một dạng chữa trị sai phương pháp phổ biến khác là dùng thuốc tây không đúng loại, đúng liều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày và chức năng thận. Có trường hợp lạm dụng thuốc dẫn đến thủng dạ dày. Đáng cảnh báo nhất là tình trạng tiêm corticoid tràn lan. Corticoid là loại thuốc có tác dụng kháng viêm, làm giảm một số triệu chứng bệnh cực kỳ nhanh, nhất là đau xương khớp, viêm nhiễm. Tuy nhiên, nó cũng dễ gây phù do giữ nước, tăng huyết áp, teo và xơ hóa cơ cạnh sống, gây loãng xương. Có một bệnh nhân nữ ở TP Quy Nhơn từng bị liệt cả 2 chân vì tiêm corticoid để chữa bệnh đau lưng.  

Cần phát hiện sớm để can thiệp kịp thời

Theo thống kê của khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, 70% bệnh nhân liên quan đến cột sống giai đoạn đầu được điều trị nội khoa có thể bớt hẳn. Bệnh nhân hoàn toàn có thể được chữa khỏi tại các cơ sở y tế tuyến huyện khi được điều trị đúng thuốc

Bệnh lý liên quan đến cột sống phổ biến là hẹp ống sống, trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm, xẹp đốt sống. Về phương pháp chữa trị, bệnh nhân bị trượt đốt sống sẽ được phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo và cố định đốt sống. Người bị hẹp ống sống thì phải phẫu thuật mở cửa sổ liên bản sống, bị xẹp đốt sống thì bơm cement sinh học.  

Với thoát vị đĩa đệm, chứng bệnh khá phổ biến hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bằng phẫu thuật: lấy đĩa đệm thông thường qua da, cắt đĩa đệm bằng laser, giảm áp đĩa đệm bằng sóng radio, lấy đĩa đệm vi phẫu qua ống nong banh nội soi, cắt đĩa đệm vi phẫu, cắt đĩa đệm bằng kỹ thuật can thiệp tối thiểu.

“Các kỹ thuật hiện đại này không làm tổn thương hệ thống cơ xung quanh, chỉ để lại vết mổ dài 2-3cm, mỗi ca phẫu thuật khoảng 45 phút, thời gian nằm viện 2-3 ngày. Trong khi phương pháp phẫu thuật trước đó phải mất khoảng 90 phút, thời gian nằm viện kéo dài, nguy cơ xảy ra nhiễm trùng cao hơn do vết mổ dài 8-10cm”, bác sĩ Nhân phân tích. 

Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại, bệnh lý về cột sống được chẩn đoán sớm và giúp xác định thời điểm phẫu thuật thích hợp, đạt kết quả cao trong điều trị. Theo thống kê của khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, 70% bệnh nhân liên quan đến cột sống giai đoạn đầu được điều trị nội khoa có thể bớt hẳn. Bệnh nhân hoàn toàn có thể được chữa khỏi tại các cơ sở y tế tuyến huyện khi được điều trị đúng thuốc. 

Theo nhiều bác sĩ chuyên khoa, khi phát hiện các triệu chứng bệnh về cột sống, tốt nhất là đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác, từ đó định ra hướng xử trí phù hợp. Là người chuyên phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm, bác sĩ Phạm Ngọc Hải, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, đúc kết: “Với người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm nói riêng, các bệnh liên quan đến cột sống nói chung, được phẫu thuật sớm, kịp thời thì khả năng hồi phục càng cao. Thời gian bắt đầu xuất hiện triệu chứng đến lúc phẫu thuật gần như tương đương với thời gian phẫu thuật xong đến lúc hồi phục hoàn toàn”.

  • NGUYỄN VĂN TRANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
5 vấn đề cần quan tâm  (20/02/2013)
Vĩnh Thạnh chuẩn bị tốt công tác tuyển quân  (20/02/2013)
Tạo điều kiện thuận lợi cho người làm CMND   (20/02/2013)
Hoài Ân: Thành lập thêm 2 Đảng bộ khối  (20/02/2013)
Chủ tịch nước có thể tạm đình chỉ Phó thủ tướng, Bộ trưởng  (20/02/2013)
MTTQ Việt Nam lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  (20/02/2013)
Nhọc nhằn trên núi rác  (19/02/2013)
Dịch vụ giữ xe tự phát lên giá  (19/02/2013)
Người dân đón Tết yên vui  (19/02/2013)
Chờ chực vào Nam…  (19/02/2013)
14 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm  (18/02/2013)
Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho cán bộ, chiến sĩ tàu BP 320403   (18/02/2013)
Gặp nạn vì bất cẩn  (18/02/2013)
Căng thẳng với tai nạn chấn thương sọ não  (18/02/2013)
Hải quân VN xây dựng hạm đội tàu ngầm hàng đầu Đông Nam Á  (18/02/2013)