Ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT:
Việc chuyển đổi các loại hình trường cần sự hỗ trợ của địa phương
6:46', 23/2/ 2013 (GMT+7)

Năm 2012, Sở GD&ĐT bắt đầu triển khai đề án chuyển đổi các loại hình trường mầm non bán công, dân lập sang loại hình công lập và công lập tự chủ tài chính; chuyển đổi trường THPT bán công sang công lập và công lập tự chủ tài chính một phần. Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều khó khăn. PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT, về lộ trình thực hiện các đề án này trong năm 2013.

* Đến thời điểm này, lộ trình chuyển đổi các loại hình trường mầm non và trường THPT trong tỉnh đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Sở GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn cụ thể các phần việc và gửi trực tiếp cho các huyện, thị xã, thành phố và các trường THPT. Đến nay, đề án chuyển đổi trường THPT được tiến hành khá suôn sẻ. Sau khi Sở GD&ĐT phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính trình đề án, UBND tỉnh đã ra quyết định chuyển đổi cho tất cả các trường THPT. Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ cũng đã trình thủ tục chuyển số giáo viên hợp đồng đang dạy tại các trường THPT vào biên chế và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt.

 

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ngành, đến thời điểm này, huyện Phù Mỹ đã hoàn thành việc chuyển đổi 10 trường mầm non theo lộ trình, trong tổng số 13 trường phải chuyển đổi.

- Trong ảnh: Cô và trò Trường Mẫu giáo xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ.

Hầu hết các địa phương trong tỉnh cũng đã chỉ đạo các trường mầm non xây dựng đề án chuyển đổi loại hình trường, sau đó thẩm định đề án và ra quyết định chuyển đổi theo đúng lộ trình quy định của tỉnh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, chỉ mới có 2 trường mầm non chuyển sang công lập tự chủ hoàn toàn tài chính (theo đề án là 13 trường) và 12 trường có quyết định chuyển sang công lập (thiếu 3 trường).

* Trước tình hình các trường mầm non bán công, dân lập chuyển sang loại hình công lập tự chủ hoàn toàn tài chính gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, công tác tuyển sinh (Báo Bình Định đã phản ảnh), UBND tỉnh đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện chuyển đổi đến cuối năm 2013. Nhưng, với kết quả thực hiện còn hạn chế nói trên, liệu chúng ta có thực hiện được?

Trên thực tế, phải xây dựng chương trình chất lượng cao như thế nào để thuyết phục phụ huynh bỏ tiền gấp nhiều lần so với các trường khác để cho con vào học không hề dễ dàng

Ông TRẦN ĐỨC MINH - Giám đốc Sở GD&ĐT

- Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các trường mầm non chuyển sang loại hình công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính sẽ được thực hiện chương trình chất lượng cao và tự xây dựng mức học phí để trang trải. Tuy nhiên, trên thực tế, phải xây dựng chương trình chất lượng cao như thế nào để thuyết phục phụ huynh bỏ tiền gấp nhiều lần so với các trường khác để cho con vào học không hề dễ dàng. Ngay các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đang loay hoay với việc xây dựng mô hình trường như thế nào là chất lượng cao. 

Dù vậy, chúng tôi đã thu thập thông tin, nghiên cứu và đề xuất với UBND tỉnh về mô hình trường mầm non thực hiện chương trình nuôi, dạy chất lượng cao. Nhưng đưa mô hình trường này vào hoạt động, cái khó nhất là cơ sở vật chất vì đa số các trường đang xuống cấp, trong khi nguồn kinh phí đầu tư xây dựng lại hạn hẹp…

* Để thực hiện đúng lộ trình chuyển đổi các trường, trong năm 2013, ngành GD&ĐT đã có những giải pháp nào để khắc phục khó khăn, thưa ông?

- Theo các đề án, trong năm 2013, 41 trường mầm non, mẫu giáo bán công sẽ chuyển sang công lập, 25 trường chuyển sang công lập tự chủ một phần về tài chính. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các Đề án, tập trung đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; đồng thời chỉ đạo các trường thực hiện chương trình đổi mới bằng nhiều hình thức như tổ chức chuyên đề, thao giảng... Sở cũng chỉ đạo các phòng GD&ĐT tham mưu các cấp lãnh đạo địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để tạo nguồn kinh phí trang bị đồ dùng dạy học, đồ chơi, thiết bị cho các trường; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, cải thiện bữa ăn cho trẻ…

Sở GD&ĐT tích cực đề xuất UBND tỉnh ưu tiên các nguồn kinh phí, đặc biệt là chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2012-2015, để xây dựng cơ sở vật chất cho bậc học mầm non. Trong năm nay, cũng phải hoàn tất chuyển số giáo viên hợp đồng đang dạy tại các trường THPT vào biên chế. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi được thực hiện thuận lợi, theo đúng lộ trình, đảm bảo hoạt động cho các trường và quyền lợi của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, ngoài quyết tâm của ngành cũng rất cần sự chung tay, quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương.

* Xin cảm ơn ông!

  • NGỌC TÚ (Thực hiện)

Đề án chuyển đổi các trường mầm non (MN), mẫu giáo (MG) bán công, dân lập sang loại hình công lập và công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính được Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XI thông qua vào tháng 8.2011.

Việc chuyển đổi sẽ thực hiện trong 3 đợt. Đợt 1 (năm 2012) chuyển 15 trường đóng trên địa bàn xã có một hoặc nhiều thôn được công nhận là thôn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn sang loại hình công lập; chuyển 13 trường thuộc các phường của TP Quy Nhơn và thị trấn của các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát và Hoài Nhơn sang loại hình trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính theo NĐ 43/2006 của Chính phủ. Đợt 2 (năm 2013) chuyển 41 trường đóng trên địa bàn khó khăn, xã nghèo, xã ven biển, phường, xã ngoại thành có khó khăn, lớp MG cách xa nhau sang loại hình công lập; chuyển 25 trường MN, MG đóng trên địa bàn thành phố, thị trấn có điều kiện KT-XH phát triển sang loại hình trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần về tài chính theo NĐ 43/2006 của Chính phủ. Đợt 3 (năm 2014) chuyển 28 trường MG, MN còn lại đóng trên địa bàn các xã, phường thuộc vùng đồng bằng, nông thôn, các lớp MG rải rác sang loại hình công lập.

  • THU HÀ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chiến công đầu năm của Hải đội biên phòng 2  (22/02/2013)
Háo hức chờ ngày lên đường nhập ngũ  (22/02/2013)
Toàn tỉnh có 1.459 học sinh bỏ học  (22/02/2013)
Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo luật đất đai (sửa đổi)  (22/02/2013)
Bổ sung quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức  (22/02/2013)
Công bố hướng dẫn chi tiết về tuyển sinh ĐH, CĐ  (22/02/2013)
Lấy ý kiến tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992  (22/02/2013)
Khởi động mùa thi và tuyển sinh 2013  (22/02/2013)
Đầu tư xây dựng 12 công trình trọng điểm  (21/02/2013)
Mở rộng đối tượng kiểm tra đảng viên  (21/02/2013)
Bớt nghỉ Tết để đáp ứng nhu cầu của dân  (21/02/2013)
Hơn 54.000 SV-HS trên địa bàn tỉnh được vay vốn học tập  (21/02/2013)
45.000 tỷ đồng cho chương trình tín dụng đối với HSSV  (21/02/2013)
Chủ tịch nước: Phải tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc  (21/02/2013)
Thận trọng trong chăm sóc bệnh nhân tại nhà   (20/02/2013)