Góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992:
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
20:51', 22/2/ 2013 (GMT+7)

Ngày 22.2, tại Hội nghị tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, nhất là về những vấn đề cần tiếp tục làm rõ, đầy đủ và sâu sắc hơn trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Để phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc hiện nay, việc tiếp tục sửa đổi Hiến pháp là điều cần thiết. Chính vì vậy, các ý kiến của đại biểu tại Hội nghị đều thể hiện sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm đối với việc góp ý sửa đổi Hiến pháp. Những nội dung của Dự thảo được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là các quy định chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội; Chủ tịch nước; chính quyền địa phương.

 

Để phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc hiện nay, việc tiếp tục sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là điều cần thiết.

Độc lập vẫn là trên hết

Góp ý từ nội dung Lời nói đầu của Hiến pháp, ông Đinh Bình Định (Hội Sinh vật cảnh tỉnh) đề nghị ở đoạn cuối: “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cần thêm từ “độc lập” trước chữ  “dân chủ”, vì ông cho rằng, không có độc lập thì không có dân chủ. Đồng ý kiến, ông Nguyễn Huỳnh (Hội Kiến trúc sư tỉnh) nhấn mạnh khi nói về Điều 1 của Dự thảo: “Trong tiềm thức của người Việt Nam thì độc lập vẫn là trên hết”.

Trên quan điểm về nhà nước pháp quyền, ông Tống Nhuệ (Hội Làm vườn tỉnh) góp ý cần bỏ cụm từ “bảo đảm” trong Điều 3 của Dự thảo: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...”, vì theo ông, tất cả các tổ chức và công dân đều hoạt động theo luật chứ không có tổ chức nào bảo đảm cho tổ chức, cá nhân nào hoạt động cả.

Cùng góp ý cho nội dung chế độ chính trị tại Chương I của Dự thảo, ông Phan Văn Siêng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Nhơn, nhận xét: “Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi so với Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mạnh mẽ hơn khi xác định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng”. Ông Siêng góp ý bỏ chữ “đồng thời” trong câu “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam...”. Ở Khoản 2 của điều này: “Đảng... chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, ông Tống Nhuệ cho rằng quy định như vậy là không rõ ràng, nên nghiên cứu thêm vì Nhà nước chịu trách nhiệm trước nhân dân bằng pháp luật, còn Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân là chịu trách nhiệm như thế nào?

Cán bộ không tham nhũng mới chống được tham nhũng

Về Điều 8, Khoản 2 của Dự thảo: “...Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, theo ông Phạm Hoài (Hội Luật gia tỉnh) thì nên bổ sung thêm quy định cán bộ không tham nhũng, có như vậy thì cán bộ mới có thể chống tham nhũng được. Cũng ở Điều 8, ở Khoản 3, ông Tống Nhuệ đề nghị bỏ cụm từ “phòng chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật” trong nội dung: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật”, vì đã là quy định của luật thì không phòng, chống, mà phải là “nghiêm trị các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật”.

Góp ý vào nội dung chương VI của Dự thảo quy định về nội dung Chủ tịch nước, ông Phạm Hoài đề nghị trong Điều 91 cần quy định rõ Tổng bí thư phải là Chủ tịch nước. Ông Hoài cũng cho rằng, cần chuyển nội dung Khoản 6 của Điều 101 quy định một trong các nhiệm vụ và quyền hạn của chính phủ: “Thống nhất quản lý về quốc phòng, an ninh, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các  lực  lượng vũ  trang nhân dân;  thi hành  lệnh động viên,  lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước” vào Điều 91, nhằm tập trung vào quyền lực của Chủ tịch nước.

 
Ông Huỳnh Văn Chưa (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh) phát biểu góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Một số ý kiến của đại biểu cũng thống nhất cho rằng, ở Điều 116, 117 trở đi, cần dùng chữ “ủy ban hành chính các cấp” thay cho UBND, để phù hợp với nền hành chính công vụ hiện nay.

Cần quy định quyền được khai sinh

Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ở Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, ông Phạm Văn Bình (thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh) đề nghị bổ sung vào Điều 40, Khoản 1: “Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục” một quyền nữa là quyền được khai sinh, vì đây là quyền cơ bản nhất nhằm khẳng định sự ra đời của một con người.

Cũng tham gia ý kiến về quyền công dân, ông Huỳnh Văn Chưa (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh) cho rằng Điều 28 “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp”, cần quy định là “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp”, vì 18 tuổi là đủ quyền công dân.

* Ông Nguyễn Ngọc Anh (Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh): “Điều 53, 54 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không nói gì đến việc Nhà nước lãnh đạo nền kinh tế. Nếu buông lỏng những khâu có tính chất quyết định của nền kinh tế quốc dân thì không ổn. Tôi nghĩ vấn đề này phải được xem xét kỹ”.

* Ông Phạm Hoài (Hội Luật gia tỉnh): “Điều 54 cần chế định thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế”.

Bàn về quyền sống của con người quy định tại Điều 21 “Mọi người có quyền sống”, ông Đinh Bình Định và ông Trần Văn Lang (Hiệp Hội thủy sản tỉnh) đều cho rằng viết như vậy là gọn quá, khó hiểu; thay vào đó, nên nói như Cụ Hồ đã từng nói “Mọi người có quyền được sống và quyền được mưu cầu hạnh phúc”.

Cần chuẩn hóa từ ngữ

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Hiến pháp Việt Nam là luật và cũng có giá trị quốc tế, nên phải dùng những từ có tính chất bắt buộc, chứ không thể dùng những từ như: “tạo điều kiện” (Ví dụ: Nhà nước tạo điều kiện để Mặt  trận Tổ quốc Việt Nam, các  tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động - Điều 9), hay mang tính tùy nghi như “trong trường hợp thật cần thiết” (Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường - Khoản 3, Điều 56), vì như thế là không phù hợp.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng có chung ý kiến về việc cần quy định rõ kích thước ngôi sao vàng năm cánh của Quốc kỳ và bổ sung thông tin về tác giả, năm phát hành của bài hát “Tiến quân ca”- Quốc ca, nhằm xác định rõ về bài Quốc ca; bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, ban hành chế độ tiền lương, chính sách bảo hộ lao động...

  • Bài, ảnh: NGUYÊN SƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đẩy mạnh công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi  (22/02/2013)
Việc chuyển đổi các loại hình trường cần sự hỗ trợ của địa phương  (22/02/2013)
Chiến công đầu năm của Hải đội biên phòng 2  (22/02/2013)
Háo hức chờ ngày lên đường nhập ngũ  (22/02/2013)
Toàn tỉnh có 1.459 học sinh bỏ học  (22/02/2013)
Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo luật đất đai (sửa đổi)  (22/02/2013)
Bổ sung quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức  (22/02/2013)
Công bố hướng dẫn chi tiết về tuyển sinh ĐH, CĐ  (22/02/2013)
Lấy ý kiến tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992  (22/02/2013)
Khởi động mùa thi và tuyển sinh 2013  (22/02/2013)
Đầu tư xây dựng 12 công trình trọng điểm  (21/02/2013)
Mở rộng đối tượng kiểm tra đảng viên  (21/02/2013)
Bớt nghỉ Tết để đáp ứng nhu cầu của dân  (21/02/2013)
Hơn 54.000 SV-HS trên địa bàn tỉnh được vay vốn học tập  (21/02/2013)
45.000 tỷ đồng cho chương trình tín dụng đối với HSSV  (21/02/2013)