|
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng của thanh niên. |
Đại tá Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ GD-ĐT: Sự thay đổi của Thông tư liên tịch số 13 rất phù hợp.
Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư liên tịch số 13 sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 7.3 năm nay; trong đó quy định: trường hợp công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy gọi nhập học cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ. Đây là nội dung đang khiến nhiều học sinh THPT, cũng như các bậc phụ huynh băn khoăn lo lắng, bởi việc chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ sẽ liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thực của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào đại học. Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Đại tá- Tiến sỹ Nguyễn Thiện Minh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ GD- ĐT về nội dung này.
PV: Xin ông có thể giải thích rõ hơn một số điểm sửa đổi trong Thông tư liên tịch số 13 giữa Bộ GD- ĐT và Bộ Quốc phòng?
Đại tá- Tiến sỹ Nguyễn Thiện Minh: Thông tư 13 năm 2013 của liên bộ Quốc phòng và Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi một số điểm của Thông tư liên tịch 175 năm 2011 của 2 Bộ, về điểm sửa đổi thì đối với công dân khi nhận được lệnh gọi nhập ngũ cùng với giấy báo nhập học, công dân thực hiện lệnh gọi nhập ngũ. Và một điểm mới nữa là khi làm thủ tục nhập học thì công dân mang giấy gọi nhập ngũ và giấy báo vắng mặt của xã để đến nhà trường làm thủ tục.
PV: Nhiều học sinh đang có những băn khoăn lo lắng và cũng có ý kiến một số điểm sửa đổi trong Thông tư này chưa thực sự phù hợp vì đợt tuyển quân lần thứ 2 gần trùng với thời điểm các trường gửi giấy báo nhập học cho tân sinh viên. Việc này có ảnh hưởng nhất định đến cơ hội học tập của các em. Vậy quan điểm của Bộ GD- ĐT về vấn đề này như thế nào?
Đại tá- Tiến sỹ Nguyễn Thiện Minh: Chúng tôi cho rằng sự thay đổi của Thông tư này rất là phù hợp. Bởi vì công dân theo Luật Nghĩa vụ quân sự phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng và bao giờ cũng tính thứ nhất. Chúng ta phải ưu tiên quốc phòng là đúng, vì nếu các em tham gia vào lực lượng quân đội tức là xây dựng quân đội, lực lượng thường trực để bảo vệ Tổ quốc từ trước đến giờ, kể cả trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, bao giờ học sinh, sinh viên cũng đều là lực lượng nòng cốt. Đến giờ phút này, trong thời bình, để xây dựng lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ ấy là nhiệm vụ thiêng liêng số một của tất cả công dân, đối với các em học sinh, sinh viên cũng vậy.
Còn đối với cơ hội học tập của các em là học tập suốt đời. Sau 2 năm phục vụ quân ngũ và các em quay trở lại nhà trường tôi nghĩ bản lĩnh, năng lực học tập của các em có lẽ còn tốt hơn.
Còn thời điểm nhập ngũ đợt 2 gần trùng với thời điểm giấy gọi. Tôi nghĩ rằng càng thuận lợi cho các em để các em có điều kiện biết là mình đi nhập ngũ đợt này để làm thủ tục sớm đối với nhà trường. Và các em nào được nhập học cũng rất thuận lợi. Thuận lợi cho cả về phía nhà trường, các đơn vị tuyển quân và đối với cá nhân các em học sinh.
PV: Vậy những học sinh nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy gọi nhập học cùng một thời điểm và phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ thì có được bảo lưu kết quả đỗ đại học hay không và sau khi xuất ngũ có được hưởng ưu tiên gì không thưa ông?
Đại tá- Tiến sỹ Nguyễn Thiện Minh: Trong khoản 4 điều 56 của Luật Nghĩa vụ quân sự đã quy định rõ là công dân mà đã có giấy gọi vào các trường được bảo lưu kết quả. Điều này hiện nay vẫn được thực hiện rất tốt. Về chế độ, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến các đối tượng là học sinh, sinh viên đã đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ví dụ đối với các đồng chí đã thực hiện nghĩa vụ quân sự ở biên giới hải đảo, những người dân tộc thiểu số được ưu tiên cử tuyển. Đối với quân nhân khi hết hạn nghĩa vụ quân sự được Nhà nước cấp cho một thẻ học nghề 12 tháng, trị giá hiện nay khoảng 12,6 triệu đồng để hỗ trợ học nghề. Đối với đơn vị quân nhân nhập ngũ có trách nhiệm báo lại với cơ sở đào tạo – nơi cấp giấy gọi cho công dân vào nhập học để bảo lưu kết quả của giấy gọi đó. Để sau khi hoàn thành nghĩa vụ học sinh có thể tiếp tục học theo ngành học.
Còn đối với sinh viên, sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự xong nếu có sự thay đổi về môn học, nhà trường cũng tạo điều kiện. Sau khi họ học tập xong cũng có tạo điều kiện về việc làm.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!.
. Theo VOV |