Đường về O2, làng xa nhất của xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh hôm nay đã bớt nhọc nhằn nhờ chiếc cầu treo Đak Miên vững chãi. Mỗi nhịp cầu là một nhịp vui với những người dân nơi đây.
Gian nan nối nhịp cầu treo
Làng O2 cách trung tâm xã Vĩnh Kim hàng chục cây số đường rừng. Ngôi làng có 44 hộ với 195 nhân khẩu này như biệt lập với bên ngoài bởi những khúc sông gập ghềnh, khúc khuỷu nơi thượng nguồn dòng Côn, những vách núi dựng đứng nối tiếp nhau. Để về được O2, phải mất khoảng 5 giờ vượt sông và 3 con dốc lớn.
Trước đây, cán bộ và người dân các làng xã Vĩnh Kim đã cùng nhau dựng cầu treo tạm bằng dây leo và cây rừng. Ông Lê Công Chính, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, nhớ lại: “Cầu treo tạm chòng chành, lắc lư, rất khó đi. Mỗi lượt qua sông, cầu chỉ “tải” nổi hai người. Khổ nhất là mùa lũ về, cầu bị cuốn trôi, O2 bị cô lập hoàn toàn. Năm nào, lũ tan, chúng tôi cũng phải huy động bà con làm lại cầu mới”.
|
Đường về O2 hôm nay bớt nhọc nhằn khi đã có cầu Đak Miên. |
Hiện, có 5 thầy, cô giáo đang công tác tại điểm trường O2 và 11 học sinh O2 đang học THCS tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Vĩnh Kim. Cuối tuần, các trò và thầy cô giáo đều về nhà. Cuộc hành trình kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ của người đi gieo chữ và người đi học gian nan hết sức. Em Đinh Văn Vinh, học sinh lớp 8, kể: “Mùa lũ, khi cây cầu treo bị cuốn mất, nếu quá nhớ nhà và nhắm mực nước khoảng ngang đầu, nước chảy không quá xiết, tụi em sẽ bơi qua sông để về nhà”. Còn thầy Đào Văn Kỳ, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Vĩnh Kim, cho biết, các thầy cô thường vượt sông bằng dây dừa. Người sau níu người trước để tránh bị cuốn trôi.
Trước khó khăn ấy, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã quyết định xây dựng cầu treo dẫn về làng O2. Công trình sử dụng nguồn vốn từ Chương trình 30a và được tiến hành từ tháng 5 đến tháng 11.2012. Giữa mênh mông rừng núi, cây cầu treo dài 66m, rộng 1,5m, được lát gỗ với tay vịn bằng sắt đã được bắt qua sông. Đầu tháng 2.2013, cầu treo Đak Miên được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ông Lê Quang Ân, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Địa hình dẫn đến nơi dựng cầu hết sức phức tạp, hiểm trở, rất khó cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị và điều tiết nguồn nhân lực. Hơn nữa, mùa thi công cũng gần với mùa mưa lũ nên việc thi công càng khó khăn. Tuy vậy, thấu hiểu mong mỏi của bà con nơi đây, chúng tôi cố gắng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình trong thời gian nhanh nhất”.
O2 gần hơn
Đường về O2 hôm nay đã gần hơn. Vượt qua 10 cây số đường đèo dốc từ UBND xã Vĩnh Kim, qua cầu treo Đak Miên, người dân chỉ cần vượt thêm một con dốc nữa là về đến làng. Như vậy, đoạn đường mới chỉ bằng 1/3 so với đoạn đường cũ, thời gian cũng rút ngắn chỉ còn khoảng 2 giờ.
“Ngày trước, mỗi lần về làng O2 là một lần khó. Cán bộ xã thường chỉ về làng 1 lần/quý. Nhưng với con đường hiện nay, chúng tôi sẽ có điều kiện về O2 hàng tháng để tuyên truyền kịp thời đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là cách để gắn kết thân tình hơn với người dân, để được dân tin yêu hơn - điều mà chúng tôi đã rất muốn làm nhưng lại bị cản trở phần nào bởi đường sá xa xôi, cách trở”, ông Lê Công Chính chia sẻ.
Cầu treo Đak Miên được hình thành cũng đã đem đến niềm vui lớn lao cho giáo viên và học sinh nơi đây. Từ lúc cây cầu hình thành, các thầy cô có thể di chuyển bằng xe máy đến chân cầu, rồi vượt dốc về làng. Mùa lũ năm nay, những người “gánh chữ lên non” sẽ đỡ vất vả hơn.
Cây cầu mới đã giúp những người thương nhớ O2 gần hơn với làng. Gặp tôi ở chân cầu Đak Miên, anh Đinh Văn Đó, ở làng K6, hào hứng kể về hành trình đưa gia đình về thăm nhà cha mẹ vợ. Nhờ có cây cầu, rồi đây những chuyến thăm của gia đình anh sẽ dày hơn trước.
Còn với người O2 như bá Gan, Bí thư làng, cây cầu làm họ thấy ấm lòng, bởi: “Đảng và Nhà nước vẫn luôn quan tâm đến làng. O2 còn khó, còn khổ lắm!”. Thấp thoáng trong niềm vui của bá Gan về cây cầu mới, tôi nhìn thấy giấc mơ của hàng trăm người dân về cuộc sống êm ấm hơn cho “ốc đảo” thân thương này.
|