Hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng năm 2013:
Nhiều điểm thí sinh cần lưu ý
22:2', 25/2/ 2013 (GMT+7)

Ngày 11.3, các thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2013 sẽ bắt đầu nộp hồ sơ tại các trường THPT. Chỉ còn hơn 2 tuần để các thí sinh cân nhắc ngành, trường và hoàn chỉnh hồ sơ. Những người làm công tác tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH cũng quan tâm tư vấn nhiều hơn cho các thí sinh.

Cẩn thận với phần nguyện vọng

Năm 2013, Bộ GD-ĐT đã có một số cải tiến trong việc thiết kế mẫu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2013, bổ sung phần ghi tên chuyên ngành và đăng ký thi liên thông.

Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, vừa được tổ chức tại Bình Định, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, lưu ý mỗi thí sinh chỉ ghi một nguyện vọng vào hồ sơ và phải ghi đầy đủ tên trường, khối thi, ngành học. Vì không phải trường nào cũng tuyển sinh theo chuyên ngành nên thí sinh phải tìm hiểu trường đăng ký dự thi có mã chuyên ngành không. Trường hợp thí sinh đăng ký thi những trường không tổ chức thi (thường không đủ điều kiện) và thường gởi thí sinh thi nhờ ở một trường khác, thì phải thật cẩn thận, tránh nhầm lẫn và thất lạc kết quả đáng tiếc.

 

Thí sinh phải điền thật cụ thể, chính xác phần liên hệ, để khi cần các trường đại học sẽ liên hệ trực tiếp với thí sinh.

- Trong ảnh: Các cán bộ bộ phận kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2012 của Trường Đại học Quy Nhơn đang làm việc.

Thí sinh phải ghi chính xác mã trường đăng ký dự thi (gồm một chữ cái và 6 con số). Năm nay có thêm phần liên thông, chỉ thí sinh tốt nghiệp các trường trung cấp mới điền vào, thí sinh là học sinh lớp 12 THPT không cần quan tâm. Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai lưu ý, tất cả thí sinh phải “chịu khó” điền đầy đủ thông tin ở phần liên hệ.

“Năm 2013, thí sinh không trúng tuyển vào trường dự thi, nhưng có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0) được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi, để nộp xét nguyện vọng bổ sung. Thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn được cấp phiếu báo điểm. Đối với thí sinh dự thi liên thông theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, kết quả thi được sử dụng để xét tuyển theo chỉ tiêu đào tạo liên thông của trường. Thời hạn xét tuyển nguyện vọng bổ sung năm 2013 sẽ kết thúc sớm hơn 1 tháng so với năm 2012, cụ thể từ 20.8 đến 30.10.2013”.

TIẾN SĨ NGUYỄN ĐỨC NGHĨA,

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

“Quá trình làm công tác xử lý thông tin, dữ liệu từ trường THPT, Sở GD-ĐT đến các trường ĐH, CĐ đôi lúc có mâu thuẫn. Nhiều thí sinh không ghi đầy đủ thông tin, gây nhiều khó khăn cho các trường”, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai cho biết thêm.

Chọn ngành hay chọn nghề?

Chỉ 2 tuần nữa, thí sinh sẽ bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ; nhưng hiện vẫn còn rất nhiều thí sinh chưa xác định theo học ngành nào, trường nào. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, khuyên thí sinh nên căn cứ vào lực học của mình để quyết định trường đăng ký dự thi.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ chia sẻ: “Nhiều thí sinh thích học ngành Quản trị kinh doanh nhưng lại sợ không thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Thật ra, thí sinh vẫn có thể theo học ngành này ở một trường ĐH đào tạo đa ngành vừa sức hơn. Thêm vào đó, thí sinh cần cân nhắc năng lực tài chính của gia đình, nhu cầu xã hội. Thí sinh nên tham khảo thêm ý kiến từ các thầy cô giáo ở trường THPT, sinh viên các trường ĐH, hoặc những người đang làm ngành nghề mình muốn theo đuổi”.

Từ ngày 11.3 - 11.4, thí sinh nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi tại các trường THPT. Thí sinh tự do nộp hồ sơ tại Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ từ ngày 12-19.4. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 vẫn theo hướng 3 chung (ngày thi, đề thi, sử dụng kết quả chung để xét tuyển). Lịch thi đợt 1 diễn ra ngày 4 và 5.7 (thi ĐH khối A, A1, V); đợt 2 diễn ra ngày 9 và 10.7 (thi ĐH khối B, C, D, N, H, T, R, M, K); đợt 3 diễn ra ngày 15 và 16.7 (thi CĐ).

Còn thạc sĩ Lâm Tường Thoại, Trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thí sinh cần xác định đang thích một ngành học, một nghề hay một công việc cụ thể. Một ngành học có thể làm nhiều nghề khác nhau. Ví như một thí sinh thích làm việc trong ngân hàng thì cũng không nhất thiết phải theo học ngành tài chính - ngân hàng, mà có thể học kế toán, hay quản trị kinh doanh”.

Những người nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH đều nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là thí sinh phải yêu thích và có niềm đam mê với ngành học đã lựa chọn, tránh tình trạng “hùa” theo số đông. Nhiều người cũng khẳng định thí sinh có thể đăng ký thi các trường CĐ, trung cấp nếu điều kiện về học lực và kinh tế gia đình chưa cho phép.

  • NGỌC TÚ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cộng đồng chung tay vì một Việt Nam không còn bệnh lao  (25/02/2013)
Nhiều ý kiến tập trung vào các quyền công dân   (25/02/2013)
Đầm ấm nghĩa tình quê hương  (25/02/2013)
Việt Nam đứng thứ 25 thế giới về sức mạnh quân sự  (25/02/2013)
Lãnh đạo phát triển kinh tế hiệu quả  (24/02/2013)
Ấm áp đêm văn nghệ tình thương  (24/02/2013)
Triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020  (24/02/2013)
NHÂN SỰ MỚI  (24/02/2013)
Họp mặt Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh  (24/02/2013)
Phát huy vai trò phụ nữ miền biển  (24/02/2013)
Quy định về 4 cụm thi quốc gia trong kỳ tuyển sinh 2013  (24/02/2013)
Dịch bệnh lợn tai xanh và cúm gia cầm bùng phát  (24/02/2013)
Thấp thỏm đường làng  (23/02/2013)
Nối nhịp cầu vui  (23/02/2013)
Kêu gọi gần 2.000 tàu cá phòng, tránh áp thấp nhiệt đới  (23/02/2013)