(BĐ) - Sáng nay, 26.2, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với sự tham dự của các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Định, đại biểu HĐND tỉnh, đại diện thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố.
|
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: NGUYÊN SƯƠNG |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Vinh Quang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: “Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước trong thời gian qua. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, chúng ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa to lớn trong lịch sử. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta cần tiếp tục sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững, xây dựng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2003, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều điểm cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế khách quan, giải quyết những tồn tại hiện nay, thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng của đất nước. Do vậy, Quốc hội đã có chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai năm 2003 và đã ban hành Nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.
Trong buổi sáng nay, các đại biểu đã chia thành 4 tổ thảo luận, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến của đại biểu tập trung vào các quy định về chế độ chính trị (chương I), quyền con người, quyền công dân (chương II), nền kinh tế (chương III), bảo vệ tổ quốc (chương IV), Quốc hội (chương V), Chủ tịch nước (chương VI), Chính phủ (chương VII), tòa án và viện kiểm sát nhân dân (chương VIII), hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp (chương XI). Nhìn chung, các ý kiến đều tập trung vào việc đề nghị bổ sung các quy định, chuẩn hóa các từ ngữ, điều chỉnh câu chữ nhằm khẳng định các giá trị cao quý của chế độ chính trị cộng hòa xã hội chủ nghĩa, khẳng định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm rõ tính chất pháp quyền của nhà nước ta...
Chiều nay (26.2), các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu đều cho rằng đã đến lúc Luật Đất đai 2003 cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tế; và dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định mở, đưa ra nhiều phương án để lựa chọn.
|
Đại biểu Lê Thị Kim Mai góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Ảnh: THU HÀ
|
Các vấn đề được đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất là: Chế độ sử dụng các loại đất (chương X), quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (chương XI); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chương IV); thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (chương V). Về thời hạn giao đất, đa số ý kiến cho rằng, đối với đất trồng cây lâu năm thì thời hạn giao đất là 50 năm, nhưng với đất nông nghiệp sản xuất hàng năm thì thời hạn 30 năm là vừa. Quy định về thời hạn giao đất cũng là chủ đề được nhiều đại biểu thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng nên quy định giá đất 5 năm một lần để giữ thị trường nhà đất ổn định, song cũng có ý kiến cho rằng nên thay đổi, điều chỉnh hàng năm để phù hợp với giá cả thị trường.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Vinh Quang khẳng định các ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị góp phần quan trọng vào kết quả của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng chí đề nghị các tổ giúp việc của tỉnh, các các cơ quan liên quan cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo, tổng hợp đầy đủ các ý kiến vào hai dự thảo đảm bảo đúng tiến độ.
|