|
Một giờ thực hành ở Trường CĐ Y tế Bình Định. |
“Phần lớn người làm công tác giảng dạy ở Trường đều là bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại các bệnh viện. Họ phải thường xuyên khám chữa bệnh để đảm bảo kiến thức chuyên môn, gắn giảng dạy với thực tiễn”, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Bình Định Lê Quang Đáng đã nói như thế về những người thầy giáo - thầy thuốc.
“2 trong 1”
Năm 1998, bác sĩ Mai Minh Thúy chuyển công tác về Trường Trung học Y tế Bình Định. Từ năm 2001 đến nay, cô đảm nhận chức vụ Trưởng bộ môn Điều dưỡng. Bác sĩ Thúy kể, những ngày đầu về Trường, cô không khỏi “ngơ ngác” trong những ngày đầu đứng trên bục giảng. Phải qua học kỳ đầu tiên, cô mới thật sự tự tin khi lên lớp.
Bỡ ngỡ là cảm giác chung của nhiều cán bộ, nhân viên y tế khi bắt đầu tiếp cận với môi trường mới. Cách đây 3 năm, từ BVĐK tỉnh, điều dưỡng Hà Thị Thủy chuyển về công tác tại Trường. Là học sinh khóa đầu tiên của Trường, cô Thủy có cơ hội được làm việc với nhiều thầy cô, bạn bè cũ. Dù vậy, làm quen với công việc mới vẫn không hề dễ dàng. “Chưa từng được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, nên tôi phải học hỏi nhiều đồng nghiệp đi trước. Với tôi, đó gần như là một quy trình ngược. Những ngày mới về Trường, việc đầu tiên của tôi là dự các giờ thực hành, sau đó mới dự các giờ giảng lý thuyết. Mỗi lần tập giảng, tôi phải lắng nghe từng góp ý để sửa chữa dần”, cô Thủy chia sẻ.
“Bên cạnh việc truyền đạt được kiến thức cho các em, tôi cũng nhận lại được niềm vui từ những giờ lên lớp, được tiếp xúc với học trò, để thấy mình không bị “già hóa”, sa vào buồn chán”
Ông Nguyễn Xuân Thiện - nguyên điều dưỡng trưởng của BVĐK tỉnh |
Cô Thủy còn cho biết, lý do chính để cô quyết định chuyển công tác về Trường CĐ Y tế Bình Định là muốn dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc 2 con nhỏ, bởi không còn phải trực đêm. Ở Trường CĐ Y tế Bình Định, các bác sĩ làm việc tại khoa Nội ở các bệnh viện cũng không phải trực đêm. Tuy nhiên, với hệ ngoại thì lại khác. Bác sĩ Bùi Lê Vĩ Chinh, Trưởng bộ môn Ngoại, phân tích: “Các bác sĩ khoa Ngoại phải tham gia trực đêm để điều trị các bệnh lý, lấy kinh nghiệm lâm sàng minh họa tại chỗ. Sinh viên (SV) phải nhìn thấy, thực hành trực tiếp trên từng trường hợp bệnh mới hình thành kỹ năng chuyên môn tốt được”.
Sau mỗi đêm trực, các thầy thuốc - thầy giáo không được ưu tiên nghỉ ngơi, mà vẫn lên lớp bình thường. Đa số họ làm việc với một thời khóa biểu khá dày, sáng đi bệnh viện, chiều đứng lớp, tối lại soạn bài, chấm bài. Chỉ vào khoảng thời gian SV ôn thi (gần 2 tháng), họ mới thật sự được “giải lao”.
Hạnh phúc được đứng trên bục giảng
Theo bác sĩ Thúy, giảng dạy cho SV ngành Y không đơn thuần là trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn. “SV không chỉ giao lưu với bạn bè, thầy cô, mà còn phải quan hệ tốt với đồng nghiệp và người bệnh, trong khi kỹ năng giao tiếp của các em còn yếu. Chúng tôi phải chỉ dạy cho các em cách thuyết phục để người bệnh chấp nhận cho mình tiếp cận, thực hiện các thủ thuật”, cô Thúy cho hay.
Ở Trường CĐ Y tế Bình Định, cô giáo Thúy nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc nhưng cô lại được nhiều học trò nhớ, nhiều em xưng con, gọi má; có người đã ra trường 10 năm, trước khi quyết định thay đổi nơi làm việc cũng gọi điện tham khảo ý kiến. Đó thật sự là nguồn động viên lớn để tôi tiếp tục làm tốt công việc của mình, cô Thúy chia sẻ.
Gần 20 năm qua, nguyên điều dưỡng trưởng của BVĐK tỉnh Nguyễn Xuân Thiện đã góp công lớn cho công tác đào tạo nhân lực của ngành Y tỉnh nhà. Đầu năm 2009, ông nghỉ hưu, dành nhiều thời gian hơn cho việc giảng dạy. Ông vui vẻ cho biết: “Bên cạnh việc truyền đạt được kiến thức cho các em, tôi cũng nhận lại được niềm vui từ những giờ lên lớp, được tiếp xúc với học trò, để thấy mình không bị già hóa, sa vào buồn chán”.
Còn với cô Thủy, niềm vui lớn nhất là đã tạo được niềm tin ở học trò. Mỗi lần đến giờ làm việc ở khoa Hồi sức cấp cứu Nội, BVĐK tỉnh, cô Thủy luôn tích cực hỗ trợ công việc chuyên môn cho các bác sĩ, điều dưỡng của khoa. Ngược lại, cán bộ, nhân viên của khoa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho SV thực hành nhiều hơn, được tiếp cận cả những ca bệnh nặng, phức tạp. Khi đã chuyển qua trực ở khoa khác, nhiều SV vẫn xin trực thêm ở khoa Hồi sức cấp cứu Nội để được nâng cao tay nghề.
|