Nền hành chính hiện đại là nền hành chính thật sự công khai, minh bạch và nhằm mục tiêu phục vụ nhân dân là chính. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta không ngừng phấn đấu cho mục tiêu này; đặc biệt nhiều kỳ vọng cho lần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sắp tới. Nhận diện lại nền hành chính của đất nước, thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn, tồn tại, yếu kém để khắc phục là nội dung mà PV Báo SGGP trao đổi với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (ảnh) nhân chuyến công tác đầu năm của đồng chí tại TPHCM.
Chưa đáp ứng yêu cầu
° PV: So với mục đích, yêu cầu của một nền hành chính hiện đại, đồng chí đánh giá nền hành chính của chúng ta hiện nay đang ở mức độ nào?
° Nguyên Tổng Bí thư LÊ KHẢ PHIÊU: Các chế độ ngày xưa, từ phong kiến cũng đã có nền hành chính, có bộ máy. Đi kèm bộ máy nhà nước là cơ chế. Cơ chế ấy phản ánh được cái chung của bộ máy quản lý nhà nước trong từng giai đoạn, phù hợp đặc điểm từng thời kỳ, từng chế độ. Vấn đề quan trọng là bộ máy ấy làm gì? Phục vụ ai? Nếu nói bộ máy ấy phục vụ cho cơ quan nhà nước ấy thì không phải. Phải hiểu vấn đề này cho đến nơi đến chốn. Bộ máy ấy là phải phục vụ nhân dân để cho đất nước ấy, Tổ quốc ấy phát triển ngày càng vững mạnh.
° Khi hiểu được đúng bản chất như vậy, theo đồng chí nền hành chính của ta hiện đã phục vụ dân tốt chưa?
° Trên quan điểm ấy, ta từng bước có cơ chế cải cách hành chính. Thời kỳ đầu bộ máy hành chính nhà nước còn đơn giản, chưa hoàn chỉnh là lẽ đương nhiên, nhất là những năm chiến tranh, sau đó được bổ sung dần, bộ máy từng bước hoàn thiện - tức công việc, yêu cầu sự phục vụ nhân dân của cơ quan hành chính ngày càng hoàn thiện và cho đến bây giờ nó vẫn đang tiếp tục. Nếu không có những cái được thì làm sao có được những thành quả hôm nay đối với nhân dân nên phải thấy được mặt được này. Tuy nhiên, đến bây giờ phải nói, so với sự phát triển và yêu cầu đặt ra, nhất là từ những năm đổi mới (1986) đến nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, yêu cầu chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước phải được nâng cao hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Con người trong bộ máy ấy phải có kiến thức sâu rộng ở tất cả lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối nội, đối ngoại… Thẳng thắn mà nói, chúng ta cũng đã có những tiến bộ nhưng rõ ràng còn thấp, thậm chí còn nhiều nhược điểm so với yêu cầu và tính chất của tình hình mới.
Để không còn “hành dân là chính”!
° Cụ thể những nhược điểm đó là gì, thưa đồng chí?
° Đi vào cụ thể ta thấy như lĩnh vực đào tạo cũng còn hạn chế. Hay ở lĩnh vực kinh tế khi đặt trong bối cảnh chưa hội nhập thì khác nhưng khi hội nhập thì trình độ kinh tế của chúng ta với trình độ kinh tế thế giới khác nhau nhiều. Ở ta, kiến thức về kinh tế chỉ ở mức một nước đang phát triển chứ chưa phải là kiến thức của một nền kinh tế phát triển cao. Hoặc lĩnh vực công nghiệp, nhất là cơ khí, công nghiệp nặng, không chỉ trình độ mà năng lực quản lý về lĩnh vực này ta còn hạn chế nhiều lắm. Với tính chất nền hành chính hiện đại chúng ta mới đi được một bước nhất định. Nền hành chính hiện đại sẽ mang tính quốc tế. Thấy được điều này để chúng ta phấn đấu nhiều hơn, để vươn lên. Khách quan đã như thế rồi nên chúng ta phải nỗ lực.
Tuy nhiên, cái chính tôi quan tâm đó là mặt chủ quan của chúng ta. Một mặt, anh chưa thấy yêu cầu đó để phấn đấu, rồi từng con người cũng như tổ chức bộ máy nhà nước của chúng ta chưa thật tập trung để giải quyết các vấn đề cho đến nơi đến chốn, đặc biệt là ý thức phục vụ nhân dân. Trong khi đối tượng của cải cách hành chính, của bộ máy nhà nước là phục vụ nhân dân nhưng thậm chí có những động cơ anh làm ngược lại. Phục vụ dân mà anh hành dân nên mới có câu cửa miệng “hành chính là hành dân là chính”. Tôi không nói tất cả hành dân là chính nhưng vẫn tồn tại thực trạng này. Chúng ta không được coi thường.
Mặc dù so với các tỉnh thành khác trong cả nước, TPHCM có bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, thái độ tiếp xúc với dân cũng có bước tiến mới nhưng không phải đã hết những mặt tiêu cực. Ngay trong một bộ mà giữa cơ quan này với cơ quan kia cũng còn chồng chéo, giẫm đạp lên nhau rồi anh nọ đổ anh kia, cuối cùng ai chịu? Toàn bộ hậu quả là người dân chịu hết. Cơ quan hành chính mà tinh, mà mạnh thì người dân được nhờ. Nếu cơ quan hành chính không tinh, không mạnh thì người dân gánh chịu hậu quả đó. Thái độ, trách nhiệm, chức năng còn “có chuyện”. Rồi tiêu cực trong bản thân từng người trong bộ máy ấy. Vấn đề nữa gây ra tiêu cực là bộ máy tổ chức cồng kềnh, nhiều đầu mối rườm rà, không quản lý được khiến bộ máy không năng động. Giờ nói thực hiện cơ chế một cửa nhưng đã thật sự “trót lọt” chưa?
Do vậy, phải cải tiến, cải cách bộ máy thật tinh gọn nhằm mục đích phục vụ dân một cách tốt nhất. Phục vụ người dân tốt nhất, đó mới chính là biểu hiện của bộ máy có chất lượng, hiệu quả cao và thực chất. Đây là cái mọi người phải rút kinh nghiệm và phấn đấu một cách triệt để. Có như thế mới thực hiện đúng nghĩa bộ máy hành chính phục vụ dân.
° Qua lần sửa đổi Hiến pháp đang diễn ra, theo đồng chí, người dân có thể kỳ vọng gì về một nền hành chính tiến bộ hơn?
° Tổ chức bộ máy rườm rà, cồng kềnh vẫn còn tồn tại; tuyển chọn con người vào bộ máy mà không sàng lọc đạo đức, kiến thức, năng lực yếu… Dù sau này Hiến pháp có được sửa đổi mà không giải quyết được các tồn tại này thì cũng “thua”. Khi tinh thần phục vụ không đúng đắn thì nền hành chính vẫn bị các tiêu cực chi phối. Giải quyết mấu chốt vấn đề này nằm ở khâu tuyển chọn, đào tạo, cả tài lẫn đức; không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng để trở thành những người làm việc thật sự, có chất lượng, phục vụ nhân dân một cách vô điều kiện. Kèm theo đó thực hiện được cơ chế công khai, minh bạch và công tác kiểm tra giám sát thật tự giác.
.Theo SGGPO |