Ngại ngần trước mâm cơm…
23:29', 27/2/ 2013 (GMT+7)

Thực phẩm bẩn là một trong những thuật ngữ được nhắc đến nhiều nhất hiện nay. Sự xuất hiện tràn lan và hoành hành của những loại thực phẩm gây hại tới sức khỏe con người với công nghệ làm bẩn, làm giả ngày càng tinh vi, làm cho chuyện cơm ăn nước uống hằng ngày trở nên phức tạp.

Chọn được thực phẩm tươi ngon, an toàn cho gia đình, là cả thách thức cho người nội trợ. Đi chợ ngày nay, thực phẩm hàng hóa ngồn ngộn, nhiều người tiền đầy trong túi nhưng lại rất nhọc nhằn. Bà nội trợ “đau đầu” lựa chọn trước bó rau, con cá, miếng thịt, lon sữa, từng loại gia vị. Thực phẩm bẩn len lỏi vào từng thức ăn, nào dư lượng thuốc trừ sâu, các loại hóa chất trong rau củ quả; dư lượng chất kháng sinh trong tôm, cá; dư lượng chất tăng trọng, chất tạo nạc trong thịt… Bữa ăn, nhu cầu tồn tại thiết yếu nhất, một sự hưởng thụ, thưởng thức đâm ra e dè, ngại ngần.

Có bác cán bộ nhà nước về hưu ở xóm tôi, tuổi già lại đâm ra bận rộn. Niềm vui lớn nhất của ông bây giờ là chắt chiu đàn gà, vườn rau để thường xuyên “tiếp tế” thực phẩm sạch lên phố cho các con. Không hề dùng thuốc trừ sâu, từng trái khổ qua, dưa leo được ông bao nhựa để tránh sâu bọ; mỗi giồng cải, luống hành ông tưới nước 2 lần mỗi ngày, rồi đeo kính lão bắt sâu. Nhà cách không xa quốc lộ, lại có các mối xe khách quen, cuối tuần ông bà lại lui cui làm gà vịt, cá tôm giã cào ướp đông, hái rau vườn nhà đóng thùng gởi cho con.

Người trong nhà lẫn hàng xóm đều bảo ông bà bày vẽ nhiêu khê, rước cực vào thân. Nhưng với ông bà đó lại là nguồn vui: “Mình chưa đến nỗi già yếu, chăm chúng nó ngày nào vui ngày ấy, cũng chỉ mất công, chúng đâu để mình vướng bận tiền bạc. Chứ đọc sách báo thấy nhiều loại thực phẩm bẩn không chỉ làm đau bụng, ngộ độc mà còn tích tụ gây ung thư, ảnh hưởng đến cả giống nòi, hãi lắm!”.

Cũng như cha tôi, để có được vườn rau đủ ăn cả hai mùa mưa nắng hay quả xoài, ổi, mận làm quà cho đám cháu nhỏ, ông phải chăm bón và tìm mọi cách phòng trừ, giành giật, đối phó với sâu hại. Giữa thời cái ăn miếng uống đầy mối bận tâm như hiện nay, chuyện tìm nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, con cháu, bằng cách này hay cách khác không quá hiếm hoi.

Chưa bao giờ, những món quà quê như nải chuối, quả đu đủ, mớ rau tập tàng đối với người thành phố lại quý giá như bây giờ. Người thành phố tận dụng từng… cen-ti-met đất để trồng rau, không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu giải trí, gần thiên nhiên như vài năm về trước, mà còn phần nào tự cấp tự túc trong mức tối đa có thể cho bữa ăn gia đình.

Sự phát triển của xã hội ít nhiều thể hiện qua sự ăn. Ăn đủ no, ăn ngon rồi tới ăn sạch, ăn sao để phòng tránh bệnh tật, tăng tuổi thọ. Biết đến bao giờ cuộc chiến với thực phẩm bẩn mới kết thúc, để trả lại niềm hứng khởi cho mọi người trước mâm cơm?      

  • KHẢI THƯ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hàng ngàn hộ dân đã thoát nghèo  (27/02/2013)
Công điện khẩn về phòng cháy, chữa cháy rừng  (27/02/2013)
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Phục vụ dân tốt nhất – đó mới là nền hành chính hiện đại  (27/02/2013)
Đến tận giường bệnh làm CMND cho công dân  (26/02/2013)
Chuyện những thầy thuốc trên bục giảng  (27/02/2013)
Thực hiện tốt công tác phòng ngừa để hạn chế thấp nhất những sai phạm  (26/02/2013)
Xây dựng hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển  (26/02/2013)
Gắn biển Công trình tiêu biểu cho Bệnh viện CH & PHCN Quy Nhơn  (26/02/2013)
Tàu cá cùng 12 ngư dân gặp nạn trên biển  (26/02/2013)
Gặp mặt và trao quyết định cho thí sinh được tuyển dụng công chức không qua thi tuyển   (26/02/2013)
Tổ chức Lễ giao - nhận công dân phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân  (26/02/2013)
Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  (26/02/2013)
Rộn ràng ngày hội tòng quân  (26/02/2013)
Đầm ấm nghĩa tình  (25/02/2013)
Sáng 26.2, 1.450 thanh niên lên đường nhập ngũ đợt 1  (26/02/2013)