Góp ý sửa đổi Hiến pháp, nhiều ý kiến cho rằng đây là nội dung quan trọng, theo tinh thần chung của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại.
|
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp |
Sáng 27.2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên và các tổ chức khác góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung phát biểu về các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền trẻ em. Theo đó, các đại biểu đánh giá bản Dự thảo đã có những điều chỉnh về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần chung của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại và luật nhân quyền quốc tế.
Góp ý vào chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, các quyền cơ bản của người dân đã được ghi rõ trong Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chỉ đạo soạn thảo tại Điều 10: “Công dân Việt Nam có quyền: - Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do tín ngưỡng; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài". Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi: Điều 24 (giữ nguyên Điều 68): "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật"; Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69): "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".
Đông đảo nhân dân cho rằng viết thêm dòng "theo quy định của pháp luật" thì thật là mơ hồ, không chỉ không phù hợp với Hiến pháp 1946 mà còn không phù hợp với Hiến pháp của rất nhiều quốc gia khác. Pháp luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng Hiến pháp là bộ Luật gốc, cần được duy trì nhiều năm và là công cụ đắc lực để chống lại mọi cách xử sự vi hiến. Nếu giữ nguyên câu này thì tất cả những quyền tự do cơ bản của người dân đều không có nghĩa. Theo đó, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng đề nghị sửa dòng "theo quy định của pháp luật" bằng nội dung "nếu các quyền tự do đó không đi ngược lại với nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân".
Về khoản 3, Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ghi “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.
Trăn trở về vấn đề này, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng phân tích, thực tế nhiều năm qua hầu hết các vụ khiếu kiện của nông dân đều là do bồi thường không thỏa đáng, dân mất đường sinh sống về lâu dài, nhiều cán bộ giàu lên quá nhanh từ chuyện đất đai, nhiều vùng đất bờ xôi ruộng mật bị trưng thu (thay vì làm đường đến các vùng đất bạc màu, đất sét, đất cát, đất đá ong hóa - tức là đất không có độ phì nhiêu, lại toàn chiếm dụng các vùng đất canh tác màu mỡ cạnh mọi quốc lộ, thậm chí đến cả tỉnh lộ, huyện lộ...). Nhiều dự án sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa nhiều năm, nhiều vùng đất trở nên ô nhiễm nghiêm trọng cả một vùng rộng lớn do bị nhiễm chất thải công nghiệp.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, khái niệm "vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội" là quá mơ hồ và mở đường cho việc tái tiếp diễn các sai trái như trước đây, trong khi dân số đang tăng nhanh và còn cần gấp rút chuẩn bị đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thiết lập quy định quyền về trẻ em tàn tật
Liên quan đến quyền trẻ em trong đó có trẻ em tàn tật, ông Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho rằng so với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này quy định tương đối rõ, có những tiến bộ lớn trong việc bổ sung, hoàn thiện các quyền về trẻ em theo xu hướng tiến bộ chung. Tuy nhiên, đối tượng là trẻ em tàn tật không được quy định cụ thể trong một điều khoản nào mà viết chung trong các điều khoản về người tàn tật.
Vai trò của nhà nước chưa quy định đầy đủ về trách nhiệm chính trong việc đảm bảo quyền trẻ em trong nền kinh tế thị trường bởi trẻ em, đặc biệt là trẻ em tàn tật là đối tượng yếu thế nhất trong xã hội.
Ông Nguyễn Bá Duyệt phân tích thêm, thực tế trên địa bàn Hà Nội đang đặt ra nhiều vấn đề gần 24 đô thị mới, nhà đầu tư không xây dựng đủ cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ công cộng khác theo quy định quy hoạch và quy định của pháp luật. Nhà đầu tư chỉ quan tâm tới việc bán được nhà, thu được lợi nhuận, buộc người dân phải đưa con đi học xa, chữa bệnh trái tuyến khiến việc đi lại khó khăn.
Theo đó, ông Nguyễn Bá Duyệt đề nghị, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cần dành một điều khoản riêng quy định về quyền trẻ em và vai trò của nhà nước đối với quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em tàn tật để nhà nước, xã hội thực hiện quan điểm “trẻ em là tương lai của đất nước”. “Cụ thể, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thiết chế lại Điều 40 như sau: 1. Trẻ em có quyền được nhà nước, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. 2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động của trẻ em nhất là trẻ em tàn tật và những hành vi vi phạm khác đối với quyền trẻ em. 3. Nhà nước, xã hội, gia đình, và công dân có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. 4. Trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi được nhà nước, gia đình, xã hội chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện giúp các em sống hòa nhập, bình đẳng với cộng đồng”, ông Nguyễn Bá Duyệt nêu ý kiến.
Ngoài ý kiến trên, các đại biểu tham dự hội nghị đã tham gia tích cực, đóng góp ý kiến Ban soạn thảo cần sửa chữa nhiều hơn nữa các mệnh đề khó hiểu như “Mọi người có quyền sống (Điều 21); Công dân có quyền... sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 43) Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế (Điều 80) (có nghĩa là cần thu thuế của 90 triệu người dân?)./.
.Theo VOV |