Hiến máu tình nguyện là hoạt động nhân đạo từ thiện mang ý nghĩa nhân văn. Tỉnh ta rất chú trọng đến công tác này, thường xuyên quan tâm động viên cán bộ, nhân dân tham gia. Tuy nhiên, lượng máu tình nguyện thu được vẫn còn thấp so với khả năng của cộng đồng, của nhu cầu truyền máu trong xã hội. Một phần nguyên nhân của vấn đề này là do người tham gia hiến máu chưa thực sự hài lòng với cách tổ chức tại một số địa phương.
|
Cảnh chen lấn trong đợt hiến máu tình nguyện ngày 23.2.2013 được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Ảnh: Nguyễn Trung Đạt
|
Cần phải nói rằng công tác tuyên truyền, động viên phong trào hiến máu nhân đạo, tình nguyện dù đã được triển khai nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự sâu rộng trong cộng đồng. Một bộ phận không nhỏ quần chúng chưa hiểu đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của hiến máu tình nguyện. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, nếu có cũng chỉ theo đợt, tại các địa phương chuẩn bị có ngày hiến máu.
Cùng với đó, công tác tổ chức lấy máu tại các đợt hiến máu tình nguyện vẫn còn nhiều bất cập, điều này cũng khiến những người hiến máu chỉ hiến một lần chứ ít người sẵn sàng hiến đến lần thứ hai. Chỉ cần quan sát một vài buổi hiến máu tình nguyện, nhân đạo sẽ thấy cảnh chờ đợi, chen lấn của người đi hiến máu. Mỗi đợt hiến máu, số lượng người đi hiến rất đông nhưng đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế và cơ sở vật chất trực tiếp phục vụ lấy máu rất thiếu thốn. Các khâu khám sức khỏe, xét nghiệm trước khi lấy máu tiến hành rất chậm nên hiện tượng chen lấn, chờ đợi là khó tránh khỏi.
Trong khi đó tâm lý của người đi hiến máu luôn muốn được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi. Nhiều người đi cho máu nhưng phải vất vả chờ đợi nên chán nản bỏ về mặc dù trước đó rất muốn tham gia với hoạt động nhân đạo này.
Một số đơn vị tổ chức hiến máu ở các địa phương chưa chú trọng quản lý chặt chẽ đối tượng đăng ký hiến máu ban đầu, nên xảy ra tình trạng một số đối tượng không cho máu nhưng vẫn đến để được kiểm tra, xét nghiệm máu “miễn phí”. Điều này đã gây bức xúc cho nhiều người thực sự có nguyện vọng hiến máu nhân đạo. Không ít người sau một lần tham gia hiến máu thì không muốn tiếp tục tham gia với những phiền hà như đã nêu.
Anh Nguyễn Văn Đến, đoàn viên Đoàn Dân - Chính - Đảng huyện Hoài Nhơn là người thường xuyên tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện, chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như nhiều bạn khác luôn muốn tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện nhất là hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, vì khâu tổ chức lấy máu chưa thực sự thuận lợi nên nhiều người mặc dù rất thiết tha nhưng vẫn rất ngại việc đi hiến máu”.
Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả công tác hiến máu tình nguyện thì ban vận động, ban tổ chức hiến máu các địa phương cần đổi mới, khắc phục những bất cập ở khâu tổ chức lấy máu. Người tình nguyện cho máu phải được tư vấn và tiến hành lấy máu nhanh chóng, thuận lợi thay vì chờ đợi, chen lấn. Tại mỗi đợt hiến máu, ban tổ chức cần bố trí đủ số lượng y, bác sĩ và những người trực tiếp phục vụ việc lấy máu. Địa điểm lấy máu cần rộng rãi, thoáng mát, kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa của công tác hiến máu tình nguyện. Ban tổ chức cũng cần quản lý theo dõi chặt chẽ danh sách người đăng ký tham gia hiến máu ban đầu, tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng chỉ đến để kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu rồi ra về. Đồng thời, cũng rất cần quan tâm hơn nữa công tác tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho người tình nguyện trước và sau khi hiến máu để họ thực sự yên tâm và tích cực tham gia nhiều hơn vào những lần sau.
Làm tốt hơn nữa khâu tổ chức lấy máu tình nguyện là hết sức cần thiết; có như vậy mới góp phần đẩy mạnh và thu hút hơn nữa đông đảo nhân dân tham gia vào hoạt động nhân đạo, từ thiện đầy ý nghĩa này.
|