Sàng lọc trước sinh, sơ sinh:
Giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội
19:29', 1/3/ 2013 (GMT+7)

Hàng ngàn trẻ sơ sinh trong tỉnh đã được lấy máu gót chân để sàng lọc bệnh suy giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD. Dù chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, nhưng chương trình đã có hiệu ứng tích cực, góp phần hạn chế trẻ sinh ra mắc một số bệnh, dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh (SLTS,SS) được triển khai tại Bình Định từ năm 2009; đến nay đã phủ kín 159 xã, phường, thị trấn.

Từ e ngại, đến chủ động tham gia

Năm 2012, thị xã An Nhơn có 206 trẻ được lấy máu gót chân để sàng lọc, chiếm khoảng 30% số trẻ sinh ra trong năm. Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp TTYT, các hội, đoàn thể tổ chức 30 buổi truyền thông cho trên 90% thai phụ.

 

                      Lấy máu gót chân để tiến hành SLSS tại TTYT huyện Tuy Phước.

Tại TTYT thị xã An Nhơn, hoạt động truyền thông và lấy máu SLSS cho trẻ được tiến hành 2 lần/tuần; 3 nhân viên y tế đảm nhận việc lấy máu. Chị Huỳnh Thị Đào, 29 tuổi, sản phụ sinh mổ 3 ngày trước tại TTYT thị xã An Nhơn, chia sẻ: “Vợ chồng tôi hiện đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Từ lúc mang thai, tôi đã được hướng dẫn cụ thể về thời gian siêu âm, làm xét nghiệm nhau thai, chọc ối để phát hiện dị tật bẩm sinh cho bé, nên giờ thấy yên tâm lắm!”.

Đến tháng 10.2012 mới nhận được mẫu giấy thấm SLSS, nhưng huyện Tuy Phước vẫn thực hiện đạt chỉ tiêu 300/300 trẻ sơ sinh được sàng lọc. Theo các nhân viên y tế, lúc mới triển khai chương trình, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc SLSS nên chương trình bước đầu đạt hiệu quả thấp. Đến thời điểm này, hầu hết sản phụ và người nhà khi được hỏi đều đồng ý cho lấy máu gót chân trẻ để SLSS.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Dung, Trưởng khoa Sản, TTYT huyện Tuy Phước, cho biết: “Việc lấy máu gót chân đơn giản, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và được tiến hành miễn phí nên các bà mẹ đều đồng ý. Đầu năm 2013, một số sản phụ biết về chương trình SLTS,SS chủ động tìm đến nhân viên y tế để bày tỏ nguyện vọng cho trẻ được tham gia chương trình”.

Ngày 28.2, khi được trao đổi thông tin về chương trình SLSS, chị Trần Thị Thúy Vân, 28 tuổi, sản phụ sinh tại khoa Sản, TTYT huyện Tuy Phước, tiếc nuối: “Mang thai con, các bà mẹ đều có chung lo lắng không biết con có được khỏe mạnh. Tôi rất muốn tham gia, nhưng tiếc là chương trình năm 2013 chưa được triển khai. Với lại, nghe đâu chương trình cũng chỉ hỗ trợ cho số ít sản phụ. Hy vọng chương trình sẽ tiến hành thường xuyên hơn để những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi có sự chuẩn bị tốt hơn cho bé”.

Nâng cao chất lượng giống nòi

Trả lời kết quả của Trung tâm SLTS,SS khu vực miền Trung, thuộc Trường Đại học Y-Dược Huế, qua sàng lọc 1.637 trẻ sơ sinh của Bình Định phát hiện 49 trường hợp có nguy cơ mắc bệnh thiếu men G6PD và suy giáp bẩm sinh. Ngành Y tế đã tiến hành tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ của trẻ thiếu men G6PD. Trong 28 trẻ có nguy cơ bị suy giáp bẩm sinh, 12 trẻ đã được tư vấn làm thêm xét nghiệm tại BVĐK tỉnh đều cho kết quả không mắc bệnh.

“Năm 2013, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chương trình này về cơ sở để người dân tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ. Chương trình đã trang bị máy siêu âm xách tay cho 8/11 huyện, thành phố, thị xã và 1 máy siêu âm màu 3D cho BVĐK khu vực Bồng Sơn, tạo điều kiện tiến hành SLTS cho phụ nữ mang thai 11-14 tuần tuổi; tổ chức hoạt động đào tạo cho bác sĩ tuyến huyện làm SLTS. Đồng thời trao đổi để Trung tâm SLTS,SS khu vực miền Trung sớm hỗ trợ bộ dụng cụ thực hiện sàng lọc”.

Ông NGUYỄN VĂN QUANG, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh

Theo bà Phan Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Truyền thông - Giáo dục, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, sau khi có kết quả, Trung tâm DS-KHHGĐ thông báo về địa phương và tiếp tục tư vấn cho người mẹ. Tuy Phước và An Lão là hai địa phương làm rất tốt công tác quản lý sau sàng lọc.

Năm 2012, kết quả SLSS huyện Tuy Phước có 1 trẻ có nguy cơ thiếu men G6PD và 9 trẻ nghi ngờ suy giáp bẩm sinh. Chuyên trách DS-KHHGĐ các xã, thị trấn đã tư vấn về kết quả xét nghiệm sàng lọc; đồng thời phối hợp TTYT huyện hướng dẫn gia đình đưa trẻ đến BVĐK tỉnh (đối với các trường hợp nghi ngờ suy giáp bẩm sinh) và Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh (đối với trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD) để làm xét nghiệm chẩn đoán. Còn Trung tâm DS-KHHGĐ huyện An Lão tổ chức buổi tư vấn với sự tham gia của cán bộ y tế huyện.

Trên cơ sở số trẻ sinh ra năm 2012, Tổng cục DS-KHHGĐ đã giao chỉ tiêu năm 2013 cho Bình Định là thực hiện SLTS 1.823 phụ nữ mang thai (tương ứng 15%) và SLSS 4.557 trẻ (tương ứng khoảng 25%). Việc SLTS sẽ lấy mẫu máu khô như SLSS nên có thêm thuận lợi. Tuy nhiên, cái khó là Trung ương chỉ hỗ trợ chi phí SLTS,SS cho 10% sản phụ và 15% trẻ sơ sinh.

Ông Nguyễn Văn Chánh, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã An Nhơn, cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình này vẫn là nhân lực, thiết bị. Hiện nay, hoạt động SLTS vẫn chưa được triển khai toàn diện ở tuyến huyện. Số cán bộ được tập huấn lấy máu gót chân và chẩn đoán trước sinh còn quá ít, trang thiết bị cũng chưa đầy đủ”.

  • T. HIỀN - N. MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tích cực, chủ động kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm  (01/03/2013)
Hiệu quả từ mô hình “Tổ tàu thuyền tự quản”  (01/03/2013)
Hiệu quả từ mô hình “Tổ tàu thuyền tự quản”  (01/03/2013)
45 ngày đêm hành động kiểu mẫu  (01/03/2013)
“Phi chính trị hoá Quân đội” đưa đất nước lâm vào khủng hoảng chính trị  (01/03/2013)
Xã Nhơn Hạnh: Nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền  (28/02/2013)
Để hoạt động hiến máu tình nguyện đạt kết quả cao hơn  (28/02/2013)
Triển khai kế hoạch tuyển chọn chức danh Phó Viện trưởng  (28/02/2013)
Vân Canh, Phù Mỹ tổ chức tổng kết 10 năm hoạt động Ngân hàng CSXH huyện  (28/02/2013)
Tàu cá cùng 12 ngư dân gặp nạn đã được cứu  (28/02/2013)
Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của các TCCSĐ  (28/02/2013)
Thiết lập cơ chế đảm bảo quyền con người, quyền công dân   (28/02/2013)
Lãnh đạo tỉnh dự gặp mặt các thế hệ thầy thuốc tại BVĐK tỉnh  (27/02/2013)
Quan tâm tới lợi ích của người dân  (27/02/2013)
Ngại ngần trước mâm cơm…  (27/02/2013)