Không biết tên trong giấy khai sinh của hai cháu, chỉ biết hồi giờ nào cả xóm đều gọi là Tí anh và Tí em. Mẹ của hai cậu bé là chị Nghi, đang làm cấp dưỡng cho một trường mầm non. Sau hai anh em Tí còn thêm bé Tí út nữa.
Nhà chị Nghi nuôi heo nên bận bịu lắm! Từ hồi học tiểu học, hai cậu con trai đã quen lo hết mọi việc trong nhà. Mười năm trước, vợ chồng tôi dọn ra sống ở vùng này, đã thấy hai đứa trổ giò cao lêu đêu và làm táy táy sau mỗi buổi học.
Kể ra, nhà ở phố, ngay mặt tiền mà trong căn hộ nhỏ xíu có hẳn một cái chuồng nhốt đến năm bảy con heo cũng bất tiện và không ít lần bị hàng xóm ca cẩm. Nhưng, chị có nuôi heo mới tận dụng được nước cơm ở trường mầm non, rồi còn của hàng xóm. Quan trọng hơn, đây là nguồn thu nhập để chị xoay sở chi phí sinh hoạt và nuôi các con ăn học, khi chồng làm công nhân cũng lúc được lúc không.
Năm trước Tí anh vào đại học, thì ngay năm sau Tí em cũng phải học xa nhà. Gánh nặng cơm áo lại trút thêm trên đôi vai chị Nghi. Thấm thoắt cũng đã ba năm. Vào mùa hè, tôi được gặp Tí anh và Tí em nhiều hơn, còn dịp Tết đâu chỉ chừng mươi bữa. Và suốt khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, tôi chưa bao giờ thấy hai cậu đàn đúm bạn bè, hay chơi bời.
Có vẻ như, hai đứa trẻ tận dụng tối đa khoảng thời gian nghỉ Tết để làm việc nhà. Có cái hay, là cùng với ba mẹ quăng quật và tất tả với cả núi việc mà trông chúng lúc nào cũng tươi tắn, vui vẻ. Giả như, chị Nghi kiếm được mấy bao rau củ hư, tụi nhỏ trút hết trên hè và ngồi cả buổi để lọc lựa, băm vụn cho má nấu cháo heo. Tí anh đi chở nước cơm thì Tí em chẻ củi. Hai đứa mua xi măng để tráng lại nền nhà, mua vôi quét tường, mua vật liệu để làm trần, đắp chỗ này, che chỗ khác… Căn nhà của chị Nghi vốn bừa bộn và không được đẹp lắm, có bàn tay hai anh em Tí đổi khác đến không ngờ.
Từ ngày hai cậu Tí đi học xa, tôi nghe như mình trông tới Chạp và mùa Tết lâu lâu một chút. Để, ngày nào cũng được dõi mắt qua bên đó nhìn thằng anh, ngó thằng em cặm cụi, miệt mài với những việc nhà, sao mà thương!
Nhiều khi nghe bạn bè than thở chuyện con mình ham chơi, đua đòi ăn diện, rồi ra phố thấy không ít cảnh nhố nhăng của bọn trẻ, lại thêm thương quý hai cậu con trai nhà hàng xóm. Nhận ra cuộc đời này hãy còn bao giá trị bất ngờ từ những con người đáng yêu như anh em nhà Tí.
|