Nương theo những chiếc tàu…
19:12', 2/3/ 2013 (GMT+7)

Ở bến tàu Xí nghiệp sửa chữa, đóng mới tàu Sông Biển, thuộc Công ty cổ phần Hàng hải Bình Định (đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn), có nhiều người đã gắn đời mình với nghiệp làm đẹp cho ghe, tàu suốt 20 năm nay. Ẩn sau cuộc mưu sinh khắc nghiệt và bấp bênh này là những câu chuyện, những nỗi niềm riêng.

 
Gần 20 năm nay, nhiều phụ nữ trên bến tàu này đã gắn bó với nghiệp làm đẹp cho ghe.

Nghề khắc nghiệt

Như thường lệ, trước khi bước vào mùa biển mới, ngư dân lại đưa tàu lên bờ để quét dọn, sơn sửa với hy vọng một mùa làm ăn may mắn và bội thu. Đó cũng là mùa tất bật nhất đối với những người làm nghề “thay áo mới” cho tàu. Công việc chính của họ là chà rửa, sơn lại vỏ tàu.

Chúng tôi đến Xí nghiệp sửa chữa, đóng mới tàu Sông Biển, giữa trưa nắng oi bức một ngày đầu tháng 3, những người phụ nữ vẫn miệt mài, tỉ mẩn lăn màu cho 3 chiếc tàu và ghe. Lẫn trong đó là sự ầm ĩ của tiếng khoan, tiếng đập, tiếng cưa… cùng hơi nóng bốc lên từ những đống lửa uốn ván tàu quyện cùng mùi dầu hắc, mùi sơn, mùn cưa… Chừng như họ đã quá quen với cái ngột ngạt ở đây. Mà không quen sao được, khi người có tuổi nghề ít nhất cũng đã 10 năm.

Những người làm nghề này hầu hết đều là phụ nữ trên 40 tuổi. Nhiều người cho biết, chỉ cần nhẫn nại, tỉ mỉ cộng với một vài phụ kiện như: đôi ủng, miếng bùi nhùi, bàn chải sắt, cây lăn sơn… là có thể bắt đầu công việc của một người làm nghề chà, sơn ghe.

Nói thì vậy, nhưng chà, sơn ghe là công việc cực nhọc. Không ngơi tay lăn sơn, bà Võ Thị Hồng (54 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) - người làm công việc sơn, chà tàu, ghe ở bến tàu này gần 20 năm - chia sẻ: “Việc lao động tay chân khá đơn giản và phù hợp với phụ nữ. Chị em làm nghề này người lúc nào cũng sũng nước biển, hoặc lấm lem do dính sơn. Cực nhất vẫn là chà ghe, đặc biệt là phần đáy ghe. Có chiếc ghe phải hơn nửa năm mới chà một lần nên rong rêu, hàu biển bám dày, mùi tanh nồng rất khó chịu, làm không khéo còn bị hàu cứa đứt tay, chứ chẳng chơi!”.

Do tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc với nước biển nên phần lớn những người làm việc chà tàu, ghe đều có khả năng bị bướu cổ cao. Hơn nữa, vì đã lớn tuổi nên việc tiếp xúc với tiếng ồn, hóa chất, lại phải làm giữa trời nắng cũng khiến họ thường xuyên bị mệt mỏi, đau nhức. Thời gian làm việc thất thường nên họ cũng ít có thời gian cho gia đình. 

 
Nụ cười hồn hậu của những người phụ nữ lao động sau giờ làm việc.

Nương theo những chuyến tàu

Người làm nghề chà, sơn ghe, tàu thường thành lập nhóm với nhau để nhận ghe. Thông thường mỗi nhóm có 4-5 người. Số tiền nhận được sau mỗi lần hoàn thành ghe dao động 500-600 ngàn đồng. Sau khi đóng thuế 60.000 đồng/ghe cho Xí nghiệp, số tiền còn lại được chia đều cho mỗi thành viên trong nhóm. Thu nhập trung bình của thợ chà, sơn ghe tàu là khoảng 2 triệu đồng/tháng. Vào những mùa ghe, tàu lên bờ nhiều như tháng 7, tháng Chạp, tháng Giêng, thu nhập của họ sẽ cao hơn chừng vài trăm ngàn đồng.

Phần lớn những người theo nghề này trước đây đều đã trải qua nhiều nghề. Như bà Phạm Thị Hạnh (53 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) từng là công nhân của Công ty TNHH nước khoáng Quy Nhơn, rồi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Gần 40 tuổi, bà mới xin vào Xí nghiệp sửa chữa, đóng mới tàu Sông Biển để được làm nghề chà rửa, sơn ghe. Sau 15 năm gắn bó, công việc có phần bấp bênh này vẫn là “cần câu cơm” để bà chăm lo cho gia đình và nuôi 3 đứa con ăn học.

Bà Hạnh chia sẻ: “Người ta chỉ bám vào nghề chà ghe, sơn ghe khi không kiếm được việc khác. Nhưng, lỡ gắn bó với nó rồi thì nó lại không phụ mình. Cũng bởi nghề không đòi hỏi nhiều vốn, công việc lại đều”.

Những người phụ nữ làm nghề lâu năm nhất ở đây kể rằng, nghề chà, sơn ghe, tàu xuất hiện cách đây hơn 20 năm. Hồi ấy, công nhân thất nghiệp thấy nhiều chủ tàu dọc theo các bến tàu loay hoay chà rửa ghe, đã chủ động xin rửa thuê. Gặp những lúc trúng mùa biển, những người chà, sơn ghe, tàu còn được chủ hào phóng cho thêm. Nên có chuyện, nhiều người chà, sơn ghe, tàu ngày ấy một mình nuôi cả gia đình.

Có không ít người đã nhờ nghề chà, sơn ghe, tàu mà lo cho con ăn học thành tài. Dù đã “về hưu” hai năm nay, nhưng sự vất vả cực nhọc của nghề dầm mình trong nước biển và nắng mưa còn in hằn trên gương mặt của bà Trần Thị Chiên (60 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn). Nhưng, bà Chiên cũng không quên chính nhờ hơn 20 năm làm nghề chà, sơn ghe, tàu đã giúp bà lo được cho con ăn học. Đến nay, cô con gái của bà Chiên đã ra trường và có công việc ổn định.

Hôm tôi đến nhà, bà Chiên khoe chuẩn bị đón đứa cháu ngoại chào đời trong ngôi nhà mới khang trang. Bà cười nhẹ: “Giờ thì tôi đã được bù đắp rồi. Hạnh phúc hôm nay có lẽ cũng dựa vào cái nghề khắc nghiệt và bấp bênh ấy mà thành”.

  • NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghiệm thu, trao tiền hỗ trợ xây dựng 555 nhà tiêu hợp vệ sinh ở Tuy Phước   (01/03/2013)
Anh và em  (01/03/2013)
Giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội  (01/03/2013)
Tích cực, chủ động kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm  (01/03/2013)
Hiệu quả từ mô hình “Tổ tàu thuyền tự quản”  (01/03/2013)
Hiệu quả từ mô hình “Tổ tàu thuyền tự quản”  (01/03/2013)
45 ngày đêm hành động kiểu mẫu  (01/03/2013)
“Phi chính trị hoá Quân đội” đưa đất nước lâm vào khủng hoảng chính trị  (01/03/2013)
Xã Nhơn Hạnh: Nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền  (28/02/2013)
Để hoạt động hiến máu tình nguyện đạt kết quả cao hơn  (28/02/2013)
Triển khai kế hoạch tuyển chọn chức danh Phó Viện trưởng  (28/02/2013)
Vân Canh, Phù Mỹ tổ chức tổng kết 10 năm hoạt động Ngân hàng CSXH huyện  (28/02/2013)
Tàu cá cùng 12 ngư dân gặp nạn đã được cứu  (28/02/2013)
Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của các TCCSĐ  (28/02/2013)
Thiết lập cơ chế đảm bảo quyền con người, quyền công dân   (28/02/2013)