Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số:
Phát huy vai trò hệ thống truyền thanh cơ sở
20:58', 2/3/ 2013 (GMT+7)

Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, do thiếu thông tin, trình độ hiểu biết còn hạn chế dẫn đến nhận thức pháp luật chưa cao. Do đó, nhiệm vụ tuyên truyền kiến thức pháp luật cho họ là hết sức cần thiết.

Đồng bào người dân tộc thiểu số thường đi làm rẫy từ sớm cho đến tối mới về nhà, nên khó tập hợp đầy đủ bà con để thông báo, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các vấn đề liên quan đến pháp luật. Tuy nhiên, do bà con, đặc biệt là người lớn tuổi, có thói quen nghe đài ở mọi lúc mọi nơi, nên công tác tuyên truyền pháp luật cho đối tượng này ở vùng miền núi trong tỉnh được các ngành chức năng, chuyên môn thực hiện qua loa, đài. Các nội dung tuyên truyền chủ yếu về: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, các thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, Nghị định 71 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Nghĩa vụ quân sự, chương trình xây dựng nông thôn mới…

 

Loa truyền thanh được trang bị hầu khắp các khu dân cư trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: K.H

Ông Lơ O Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận (Vân Canh), cho biết: “Năm 2012, Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục xã Canh Thuận phối hợp với các hội, đoàn thể và Đài truyền thanh xã mở nhiều đợt tuyên truyền pháp luật cho nhân dân bằng nhiều hình thức như sân khấu hóa, tuyên truyền trực tiếp ở thôn, làng, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh. Nhưng theo tôi, hiệu quả nhất vẫn là qua hệ thống truyền thanh xã vì cho dù ở đâu bà con nếu có mang theo đài thì vẫn nghe được. Nhờ vậy mà ý thức cảnh giác, chấp hành pháp luật của bà con được nâng lên rõ rệt, giảm bớt tình trạng phá rừng, uống rượu, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định... ”. 

Ông Đinh Trung, ở làng L7, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh), 70 tuổi, nhận xét: “Lúc đầu nghe loa, thấy ồn ào, khó chịu nhưng dần dần lại thấy thích, nhất là chương trình tiếng Bana phổ biến về các chính sách của Đảng và Nhà nước”. Còn theo chị Đinh Thị Ánh, ở làng L2, xã Vĩnh Thuận, thì: “Nghe loa đài thông báo về tình hình trộm cắp, mình biết và cũng cảnh giác hơn, khi vắng nhà phải đóng cửa, cài chốt cẩn thận”.

Có được kết quả trên một phần là sự linh động sáng tạo của đội ngũ làm công tác tuyên truyền ở các đài truyền thanh cấp huyện, xã. Như Đài Truyền thanh - truyền hình Vĩnh Thạnh, ngoài việc phát sóng các chương trình thời sự, đã mở thêm các chuyên mục như: Nông nghiệp và nông thôn, An ninh Vĩnh Thạnh, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát vào chiều thứ Bảy và phát lại sáng Chủ nhật hàng tuần bằng tiếng Bana trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở và sóng FM.

Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Vân Canh thì mở các chuyên mục: Pháp luật, An ninh quốc phòng, An toàn giao thông…; trong đó, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân hoặc những vấn đề pháp luật mà xã hội đang quan tâm. Ngoài ra, căn cứ vào từng thời điểm, Đài còn phát đi phát lại những nội dung quan trọng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Mới đây, Đài vừa kết thúc đợt tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự và đang mở chuyên mục “Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.

Bà Đinh Thị Nớk, Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hệ thống loa phát thanh của Đài hiện đã phủ tại 100 cụm dân cư trong huyện. Để vệc tuyên truyền pháp luật ngày một hiệu quả, Đài sẽ tranh thủ nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp thiết bị truyền thanh, nâng cao chất lượng phục vụ, và sẽ xây dựng chương trình phong phú, hấp dẫn hơn, có nội dung liên quan trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số, và dịch ra tiếng Bana để phát”.

Tuy nhiên, có một khó khăn mà các đài truyền thanh cơ sở đang gặp phải là tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp; trình độ chuyên môn của người làm chương trình còn hạn chế, đơn thuần là đọc văn bản pháp luật mà chưa thực sự có những bài viết tóm tắt để đồng bào dân tộc thiểu số dễ hiểu, dễ nhớ. Chính điều này đã phần nào làm hạn chế công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số.

  • NHẬT LINH - HẠNH PHÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phân luồng giao thông trên tỉnh lộ 635, 639 qua địa bàn xã Cát Tiến (Phù Cát)  (02/03/2013)
Tò he qua phố  (02/03/2013)
Nương theo những chiếc tàu…  (02/03/2013)
Nghiệm thu, trao tiền hỗ trợ xây dựng 555 nhà tiêu hợp vệ sinh ở Tuy Phước   (01/03/2013)
Anh và em  (01/03/2013)
Giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội  (01/03/2013)
Tích cực, chủ động kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm  (01/03/2013)
Hiệu quả từ mô hình “Tổ tàu thuyền tự quản”  (01/03/2013)
Hiệu quả từ mô hình “Tổ tàu thuyền tự quản”  (01/03/2013)
45 ngày đêm hành động kiểu mẫu  (01/03/2013)
“Phi chính trị hoá Quân đội” đưa đất nước lâm vào khủng hoảng chính trị  (01/03/2013)
Xã Nhơn Hạnh: Nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền  (28/02/2013)
Để hoạt động hiến máu tình nguyện đạt kết quả cao hơn  (28/02/2013)
Triển khai kế hoạch tuyển chọn chức danh Phó Viện trưởng  (28/02/2013)
Vân Canh, Phù Mỹ tổ chức tổng kết 10 năm hoạt động Ngân hàng CSXH huyện  (28/02/2013)