|
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hội nghị do HĐND tỉnh tổ chức. |
Tại các hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hầu như tất cả các chương, các vấn đều nêu trong Dự thảo đều được các đại biểu cho ý kiến. Có những ý kiến trái chiều nhau, và cũng có nhiều ý kiến trùng nhau. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến giống nhau là về Chương I của Dự thảo: Chế độ chính trị.
Tại Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do HĐND tỉnh vừa tổ chức, với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, đại diện thường trực HĐND cấp huyện, góp ý vào Điều 1 (Chương I) trong Dự thảo: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”, ông Tạ Ngọc Định, Ủy viên thường trực HĐND huyện Hoài Ân, đề nghị đổi vị trí từ “độc lập” ra trước từ “dân chủ”, vì theo ông, không có độc lập thì không có dân chủ. Trước đó, tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức, ông Đinh Bình Định (Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh) cũng nêu ý kiến tương tự.
Cũng góp ý vào Điều 1, ông Nguyễn Đình Thanh (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh) đề nghị đưa nội dung Điều 11 “1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. 2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật” vào Điều 1, hoặc Điều 2 “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” để logic hơn.
Và, trên quan điểm khẳng định giá trị của độc lập, tự do, chân giá trị mà bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xương máu để giành được, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định bằng câu nói bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, ông Nguyễn Đình Thanh đề nghị trong Điều 3 “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, cần đưa “tự do” lên trước “ấm no, hạnh phúc”.
|