Hiệu quả hoạt động của chính quyền chính là thước đo hiệu quả sự lãnh đạo của Ðảng.
Sau khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được công bố và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân được triển khai, cho đến nay, nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc mang tính xây dựng của nhân dân cả nước được công bố trên hệ thống truyền thông. Tuy nhiên, nhân cơ hội này, qua một số diễn đàn trên internet, blog và cơ quan truyền thông nước ngoài, một số cá nhân lại đưa ra ý kiến thiếu khách quan, thiện chí. Bức xúc trước thực tế đó, ngày 18.2 vừa qua, bạn đọc Trung Thành - hiện sống tại Mỹ, đã gửi bài viết này tới Báo Nhân Dân. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc.
Hơn 10 năm trước, vì lý do gia đình, tôi tới định cư tại nước Mỹ. Tuy sống xa quê hương, nhưng tôi vẫn luôn coi mình là người Việt Nam, tôi vẫn không quên công ơn của chế độ mới. Vì như cha tôi bảo, nếu không có cách mạng, có lẽ tôi vẫn chỉ là người nông dân nghèo ở một làng quê nghèo, như cha tôi, ông tôi mà thôi. Hướng về Tổ quốc, tôi thật sự mừng vui khi đất nước phát triển và tôi chạnh buồn khi đất nước gặp khó khăn. Những ngày qua, khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được công bố, đọc trên internet tôi thấy có một số người ở trong và ngoài nước mượn danh "yêu nước", "vì dân tộc" để công bố ý kiến trên các báo ở hải ngoại và blog của cá nhân, từ đó dấy lên một làn sóng xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội ở Việt Nam.
Tôi thấy, một trong các tâm điểm các bài viết họ đăng tải là tập trung chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam (ÐCS Việt Nam) đã được ghi trong Hiến pháp. Tôi rút ra nhận xét là: Trước khi đề cập đến vấn đề "đa nguyên, đa đảng" ở Việt Nam, tác giả của các bài viết này thường "dạo nhạc" trước bằng cách hết lời ngợi khen nền dân chủ phương Tây, họ cho rằng, xã hội các nước phương Tây, với "đỉnh cao" là Mỹ, là "chuẩn mực" về dân chủ. Họ còn cho rằng, về mặt xã hội, chỉ có "đa nguyên, đa đảng" mới thật sự có dân chủ; ngược lại, xã hội duy trì theo cơ chế độc đảng lãnh đạo sẽ dẫn đến mất dân chủ, "độc tài", "đảng trị"!?
Dù sống xa Tổ quốc, nhưng tôi vẫn thường xuyên cập nhật tình hình quê nhà, nên không lạ gì ý kiến mà họ đưa ra, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, đó vẫn là sự phủ nhận vai trò lãnh đạo của ÐCS Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Có bài viết làm ra vẻ khách quan với vỏ bọc "đóng góp ý kiến", "lời nói tâm huyết", như: bài học của tất cả các quốc gia trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị, nếu nhân dân mất lòng tin vào chính quyền sẽ mất tất cả; Ðảng có công lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, nhưng hiện nay "đã hết vai trò lịch sử" nên cần phải "trao lại cái quyền đó cho nhân dân" (?!)...
Họ còn lớn tiếng hô hào đòi bỏ Ðiều 4 của Hiến pháp quy định ÐCS Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Lợi dụng việc ÐCS Việt Nam công khai tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực khác, họ tìm mọi cách tô vẽ, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm, gieo rắc hoài nghi, tâm lý bất mãn, bất bình trong nhân dân, với mục đích gây mâu thuẫn, chia rẽ nhân dân với Ðảng. Núp dưới chiêu bài đấu tranh cho "dân chủ", "tự do", "công bằng xã hội", họ còn thành lập tổ chức trên internet để tập hợp, lôi kéo, phát triển lực lượng để chống lại Ðảng và Nhà nước Việt Nam.
Từ một số viện dẫn, lập luận trên, tôi thấy họ đã cố tình "đánh lận con đen". Họ không thấy rằng, trong tất cả các nền dân chủ hiện đại bao giờ cũng có đảng chính trị lãnh đạo, cầm quyền. Sự khác nhau chỉ là ở mục tiêu, phương thức lãnh đạo mà thôi. Ở Mỹ, Ðảng Dân chủ và Ðảng Cộng hòa thay nhau lãnh đạo. Ở Cộng hòa liên bang Ðức cũng như vậy, Ðảng dân chủ Thiên chúa và Ðảng dân chủ xã hội thay nhau cầm quyền. Còn ở Australia là vai trò của Ðảng Lao động và Liên Ðảng quốc gia - tự do... Vậy tôi xin được hỏi "các nhà dân chủ", những người đang lớn tiếng tự nhận là "người yêu nước" ở trong và ngoài nước là: Nếu các vị sống ở Mỹ, Ðức, Australia thì các vị có thể gân cổ phê phán chế độ đó không dân chủ hay không?
Theo nhận thức của tôi, về pháp lý, vai trò lãnh đạo của ÐCS Việt Nam đã được quy định tại Ðiều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 là hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế. Ðiều 1, Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (năm 1966) ghi rõ: "Tất cả các quốc gia đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình, tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa". Chúng ta hiểu điều này có nghĩa là: việc lựa chọn chế độ chính trị nào (thể chế tam quyền phân lập hay phân công phối hợp có sự giám sát của nhân dân, CNTB hay CNXH) và việc có ghi rõ điều đó vào Hiến pháp hay không hoàn toàn là quyền của mỗi dân tộc, không ai có quyền can thiệp, kể cả Liên hợp quốc. Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của ÐCS Việt Nam được Quốc hội quyết định ghi vào Hiến pháp là văn bản hóa vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng.
Hiệu quả hoạt động của chính quyền chính là thước đo hiệu quả sự lãnh đạo của Ðảng. Ðiều lệ ÐCS Việt Nam khẳng định: "Ðảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Ðảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Ðảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội". Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị Việt Nam được xác định là: "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"; theo tôi hiểu, Ðảng lãnh đạo Nhà nước song không điều hành thay Nhà nước; Nhà nước quản lý xã hội nhưng không xa rời sự lãnh đạo của Ðảng. Trong lịch sử chúng ta đều biết, chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh lập nên vốn đa đảng. Nhưng trên thực tế của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau đó là chống đế quốc Mỹ, chỉ ÐCS Việt Nam mới có đủ khả năng tập hợp lực lượng, trở thành hạt nhân của khối đoàn kết dân tộc, và đã "đứng mũi chịu sào" với bao nhiêu hy sinh to lớn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Vì vậy, đối với đại đa số nhân dân trong nước, ÐCS Việt Nam hiện thân cho quyền lực chính đáng từ trong lịch sử, và lúc này ÐCS Việt Nam đang nỗ lực tăng cường tính chính thống của mình, thông qua nỗ lực tìm ra con đường đúng đắn để phát triển đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống của mọi người dân, nghĩa là tạo nên sự hài hòa giữa các lợi ích, cũng như các tầng lớp xã hội. Kết quả là đã thấy rõ: Việt Nam đứng thứ hai ở châu Á về tốc độ tăng trưởng GDP. Trước những khó khăn của đất nước trong cơn lốc suy thoái kinh tế toàn cầu, trước các hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà ÐCS Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đang phải đối mặt, lẽ ra một số người tự xưng là "tâm huyết với đất nước" cần đồng tâm, đồng lòng cùng Ðảng và Nhà nước vượt qua khó khăn. Nhưng đáng tiếc là họ không làm như vậy mà lại thi nhau kêu gào trên các diễn đàn của internet, rồi rùm beng trên BBC, VOA, RFA, RFI... đổ hết mọi lỗi lầm cho Ðảng, rằng: Ðảng là nguồn gốc của mọi "bất ổn xã hội", của quan liêu, tham nhũng và "phải chịu trách nhiệm trước nhân dân"... Từ đó họ kích động đấu tranh cho "đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập"!
Lập luận của họ đưa ra có thể làm phân tâm, gây hoài nghi đối với một số người còn thiếu thông tin, chưa hiểu biết nhiều, còn với tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân, bản chất của vấn đề vẫn luôn được nhận thức đúng đắn. Rốt cuộc, điều mà những người đang lớn tiếng kia chỉ là muốn loại trừ vai trò lãnh đạo của ÐCS Việt Nam mà thôi, và không cần phải phân tích những nội dung sai trái trong từng lập luận của họ cũng thấy rõ ý kiến của họ là gì. Bởi vì, mọi người có thể thấy rõ tất cả những lập luận trên chỉ là thứ tư duy chính trị dân chủ đa nguyên mà mấy chục năm qua, các phần tử "hành nghề chống cộng cực đoan" sử dụng ở ngoài nước, như ở nước Mỹ. Tôi biết quan niệm của ÐCS Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về dân chủ khác biệt về bản chất so với quan điểm của "các nhà dân chủ", "người yêu nước" theo lập trường phương Tây. Dân chủ của nhân dân Việt Nam là dân chủ XHCN, thuộc về nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của ÐCS Việt Nam - đại diện chân chính cho quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam. Hơn 80 năm qua, ÐCS Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhưng trong Cương lĩnh của mình, Ðảng cũng khẳng định rõ, Ðảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân lao động và toàn xã hội. Thử hỏi nếu không có ÐCS Việt Nam, những người đang lớn tiếng kêu gọi "bỏ Ðiều 4 ra khỏi Hiến pháp" đã trưởng thành từ đâu, được đào tạo dưới chế độ xã hội nào, khi nói lên ý kiến như vậy, họ không thấy bứt rứt trong lương tâm hay sao?
Dưới sự lãnh đạo của ÐCS Việt Nam, sự nghiệp đổi mới đất nước hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đã giúp cho mọi người dân thuộc các thành phần kinh tế đều được tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của mình thông qua Nhà nước pháp quyền XHCN - nhà nước của dân, do dân và vì dân. Cho nên hoàn toàn không cần tới cơ chế "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập". Lý luận và thực tiễn đều bác bỏ những vu cáo, bịa đặt về vai trò lãnh đạo của ÐCS Việt Nam, đồng thời cũng trực tiếp khẳng định các luận điệu tuyên truyền "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập" ở Việt Nam thực chất chỉ nhằm thực hiện mục tiêu chính trị đen tối của các thế lực đang có tham vọng đi ngược lại xu thế phát triển tất yếu của đất nước. Sự thật trước sau vẫn là sự thật. Không ai có thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam! Quá khứ và hiện tại đã khẳng định chân lý đó. Việc làm của mấy người mượn danh "yêu nước", tự coi mình "có trách nhiệm với dân tộc" không đánh lừa được những người yêu nước chân chính và có trách nhiệm thật sự đối với dân tộc. Tôi nghĩ, để đưa đất nước và dân tộc đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", nhân dân trong nước cần thống nhất, đồng thuận cùng ÐCS Việt Nam tiếp tục phấn đấu trên con đường mới. Sự nghiệp đổi mới đang còn nhiều khó khăn, thách thức. Muốn đạt được các mục tiêu đã đề ra phải có những nỗ lực vượt bậc của toàn dân tộc và nhân dân Việt Nam càng tin tưởng vào trí tuệ, bản lĩnh lãnh đạo của Ðảng, vào sự đoàn kết, nhất trí của toàn dân dưới ngọn cờ vinh quang của ÐCS Việt Nam. Dù ở nước ngoài, tôi vẫn tin như vậy, bằng chứng thuyết phục nhất đối với tôi là sự phát triển thần kỳ của đất nước mà tôi đã được chứng kiến sau mỗi lần về thăm quê hương. Dù ở xa Tổ quốc, tôi vẫn cố gắng góp phần nhỏ bé của mình cả về vật chất và tinh thần. Tôi hy vọng Báo Nhân Dân sẽ cho đăng bài này, vì đó là tấm lòng của một người con luôn gắn bó với quê hương, đất nước.
. Theo Nhân Dân |