(BĐ)- Ngày 4.3, ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB &XH, cho biết: Sau hơn một năm tìm hiểu, xác định thêm thông tin về nghĩa địa Quân đội nhân dân Việt Nam tại Sân vận động Quy Nhơn giai đoạn 1954-1955 (Báo Bình Định đã đăng vào tháng 7.2010), Sở đã thu thập thêm một số thông tin mới rất quan trọng, khẳng định sự tồn tại của nghĩa địa này.
Theo tài liệu của chế độ cũ để lại, Nghĩa địa Quân đội Việt Minh (ghi theo tên gọi của chế độ cũ) được xây dựng tại thị xã Quy Nhơn, có mặt tiền quay ra đường Võ Tánh (nay là đường Lê Hồng Phong), cổng chính của nghĩa địa quay về hướng Tây Nam, với tổng diện tích là 3.180m2. Trong tài liệu này cũng ghi rõ đây là nghĩa địa được quân đội Việt Minh xây dựng trước ngày tập kết (1954-1955)
Ngày 9.7.1955, Tỉnh trưởng chế độ Sài Gòn của tỉnh Bình Định đã có văn bản gởi Đại biểu chính phủ Trung Việt tại Huế báo cáo đề xuất di dời nghĩa địa này đến chỗ khác thuộc khu vực 6, thị xã Quy Nhơn với địa điểm được xác định là ở gần chân núi Xuân Vân. Việc di dời mộ diễn ra từ lúc 8 giờ đến 20 giờ ngày 15.9.1958, chứ không là năm 1956 như các thông tin đã đưa trước đó.
Dựa vào tài liệu cũ để lại, ông Hải hiện đã thống kê được danh tính của 177 liệt sĩ (LS) đã được an táng tại đây và 1 ngôi mộ của một cháu bé 2 tuổi là con của bà Hoàng Thị Quý, là cán bộ Việt Minh thời ấy. Các LS đều có đầy đủ tên họ, đơn vị chiến đấu, ngày hy sinh, thuộc 14 đơn vị bộ đội của Quân khu V, gồm: Tỉnh đội Quảng Ngãi (25 LS ), Tỉnh đội Khánh Hòa (1 LS), Tỉnh đội Bình Định (17 LS) và của các Trung đoàn: 84 (2 LS), 94 (9 LS), 95 (6 LS), 97 (1 LS), 108 (32 LS), 120 (44 LS), 210 (7 LS), 803 (11 LS), Đại đội độc lập (1 LS) và 16 LS không rõ đơn vị.
Ông Phan Như Hải nói: “Đây là một phát hiện rất quan trọng, góp phần làm sáng tỏ thêm một giai đoạn lịch sử của tỉnh nhà. Trước mắt, chúng tôi sẽ đề nghị Quân khu V căn cứ danh sách liệt sĩ này để xác minh họ đã được công nhận là liệt sĩ hay chưa để thông báo cho các địa phương kiểm tra việc thực hiện chính sách chế độ liệt sĩ”.
|