|
Sàn giao dịch việc làm phụ nữ lần 4-2012 do Hội LHPN TPHCM tổ chức vắng ứng cử viên lẫn nhà tuyển dụng |
Mô hình sàn giao dịch việc làm chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
“Những phiên giao dịch việc làm (GDVL) bây giờ giống như một phiên chợ nhiều người bán, ít người mua khi doanh nghiệp (DN) luôn ở thế bị động. Có phiên chúng tôi tham gia mà không tuyển được lao động” - ông Wang Zong Huan, đại diện tuyển dụng Công ty Jigelec Precision System, nhận xét sau khi tham gia sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) tỉnh Bắc Ninh tổ chức mới đây.
Cung - cầu lệch pha
Ông Wang Zong Huan cho biết công ty ông tuyển phiên dịch tiếng Trung và trợ lý giám đốc tại phiên giao dịch trên nhưng kết quả không được gì, rất ít người đến ứng tuyển. Đại diện Công ty Canon Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Diễm, nhìn nhận nguồn cung đến phiên giao dịch việc làm chủ yếu là lao động trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng mềm nên việc tuyển dụng lao động trực tiếp qua sàn còn hạn chế.
Đánh giá mô hình sàn GDVL thời gian qua đã góp phần đáng kể cho công tác giải quyết việc làm nhưng bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH, cũng nhận định chất lượng lao động tham gia tìm việc tại các sàn GDVL còn thấp nên khó đáp ứng yêu cầu của DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, nhiều lao động đến với sàn GDVL với tâm thế “cưỡi ngựa xem hoa” nên chuẩn bị hồ sơ rất sơ sài, chưa chuẩn bị tinh thần để chọn cho mình một công việc phù hợp và sẵn sàng trả lời phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, bà Vân cũng cho rằng việc DN đăng tuyển lao động cao gấp 5-10 so với thực tế để lấp vào chỗ trống của lao động nhảy việc cũng là một trong những nguyên nhân khiến sàn GDVL không thu hút nguồn cung lao động có trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó, DN đến sàn thường có quy mô nhỏ, khiến nhóm lao động này không muốn đến sàn. Đó là chưa kể ở nhóm lao động trình độ thấp, DN không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu như nhà ở, lương thưởng nên người lao động chưa mặn mà với nhà tuyển dụng. Vì những lý do trên, theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, tỉ lệ kết nối cung - cầu lao động tại sàn chỉ đạt 20% - 25%.
Còn nhiều hạn chế
Dù được xem là một trong những kênh giải quyết việc làm quan trọng nhưng năng lực hoạt động của hệ thống trung tâm GTVL cấp tỉnh, thành - đơn vị tổ chức sàn GDVL còn nhiều hạn chế. Theo Cục Việc làm, hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 40 trung tâm GTVL cấp tỉnh, thành được đầu tư trang thiết bị tương đối hiện đại, trong khi các trung tâm còn lại cơ sở vật chất, thiết bị rất nghèo nàn nên việc kết nối mạng còn hạn chế dẫn đến việc tư vấn giới thiệu việc làm thiếu hiệu quả.
Một hạn chế khác đó là đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác tổ chức sàn GDVL còn yếu chuyên môn, chưa được đào tạo bài bản. Bà Vân cho rằng nhân viên tư vấn phải tìm hiểu kỹ người lao động muốn gì, trình độ ra sao, phù hợp với công việc gì... để trên cơ sở đó giới thiệu cho DN. Tuy nhiên, khâu này chỉ làm qua loa, nhân viên tư vấn thường dành quá ít thời gian để giúp người lao động tìm kiếm DN phù hợp khi tham gia sàn. Về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Ninh, cho biết thêm hiện Việt Nam chưa có bộ giáo trình chuẩn và chương trình tập huấn chuẩn để đào tạo đội ngũ nhân viên tư vấn việc làm.
Cần có cơ chế phù hợp
Mô hình sàn GDVL hình thành từ năm 2007 dựa trên mô hình hội chợ việc làm, ngày hội việc làm được một số địa phương như TPHCM, Hà Nội tổ chức trước đó. Mức đầu tư cho một sàn giao dịch thấp nhất cũng từ 200 triệu đồng, cao nhất lên đến vài tỉ đồng. Chỉ riêng vấn đề tài chính, đang diễn ra tình trạng lãng phí ngân sách Nhà nước cho hoạt động này. Theo ông Vũ Quang Thành, Bộ LĐ-TB-XH cần sớm có tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của sàn GDVL, từ đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sàn GDVL. |
. Theo NLĐ |