(BĐ)- Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã có văn bản và Đề án chính thức gởi Bộ Tư pháp đăng ký triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015. Mục đích của việc này là giảm bớt tình trạng quá tải của chấp hành viên trong việc thi hành án dân sự (THADS) như hiện nay, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân có quyền được lựa chọn yêu cầu thi hành bản án, quyết định của tòa án.
Được biết, Bình Định là một trong hai tỉnh thành ở miền Trung được chọn có đủ điều kiện để thực hiện chế định Thừa phát lại vì có số vụ việc thi hành án dân sự nhiều (gần 10 ngàn vụ phải giải quyết/năm) và đang có chiều hướng tăng; trong khi chấp hành viên của Cơ quan THADS của tỉnh lại ít (54 người). Theo dự kiến, văn phòng Thừa phát lại sẽ được mở tại 3 địa phương có số lượng THADS nhiều là: Quy Nhơn, Phù Mỹ và Hoài Nhơn.
Về quyền hạn khi thực hiện công việc về THADS, thừa phát lại cũng có quyền như chấp hành viên, được thực hiện các công việc cụ thể: tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan THADS, lập vi bằng (ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý) theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự, trừ việc thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án.
|