Nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006 -2010, ngày 22/11/2006 UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 817/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề có chất lượng, tay nghề cao giai đoạn 2006 - 2010.
Mục tiêu của Đề án nhằm tạo bước chuyển biến về chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí của nhân dân, đào tạo đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà trong giai đoạn tới. Đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 35%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt trên 45%. Từ đó, đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2006 đến 2010 có số lao động qua đào tạo nghề và bồi dưỡng nghề đạt 122.800; trong đó, đào tạo dài hạn đạt 9,6% gồm các loại hình đào tạo: đào tạo dài hạn 11.800 người (trình độ cao đẳng và trung cấp nghề); đào tạo ngắn hạn (sơ cấp nghề): 66.000 người; bồi dưỡng tập huấn nghề: 45.000 người và 100% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn, trong đó 10% trình độ sau đại học.
Để đạt được chỉ tiêu trên, nhiệm vụ từ nay đến 2010 là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đảm bảo tỷ lệ đào tạo giữa các trình độ phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nhịp độ phát triển khoa học kỹ thuật; chú trọng đào tạo công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên và nhân viên nghiệp vụ cho nền kinh tế. Công tác đào tạo nghề phải triển khai đào tạo ở 3 cấp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề theo Luật Giáo dục; tăng nhanh quy mô đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề ở những ngành mũi nhọn như cơ khí, chế tạo máy, công nghiệp tàu thủy, lọc - hóa dầu, công nghệ chế biến nông - lâm - thủy sản, dịch vụ du lịch, công nghệ sinh học, đồng thời gắn giữa đào tạo và sử dụng, giải quyết tốt việc làm tại chỗ cho người lao động sau đào tạo, đáp ứng kịp thời lao động đã qua đào tạo cho thị trường lao động trong nước và xuất khẩu. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành sàn xuất công nghiệp của tỉnh nói chung và các khu, cụm công nghiệp, Khu kinh tế Nhơn Hội nói riêng, trước mắt liên kết các trường học tập trung đào tạo các nghề như: hàn công nghệ cao, đóng tàu, lọc - hóa dầu, dịch vụ, thương mại, du lịch. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất phù hợp cho nông dân, người dân tộc thiểu số, quan tâm dạy nghề lao động phải chuyển đổi ngành nghề do chuyển mục đích sử dụng đất, phát triển làng nghề truyền thống để giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp từ 70% năm 2005 xuống còn 64% vào năm 2010. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho người lao động trong các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh kế hoạch phát triển xã hội hóa dạy nghề của tỉnh, xây dựng các trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm thông tin thị trường lao động của tỉnh và các khu công nghiệp, Khu kinh tế Nhơn Hội.
|