Trong cuộc sống hàng ngày, người dân ai cũng có nhu cầu công chứng, chứng thực các loại văn bản, giấy tờ. Do không hiểu các quy định của pháp luật về lĩnh vực này nên nhiều người đã tốn công, tốn tiền đi lại một cách không cần thiết, đồng thời gây "quá tải" cho những phòng công chứng. Để giúp bạn đọc tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu những quy định trọng tâm nhất của Nghị định 75/CP về thẩm quyền công chứng, chứng thực của Phòng công chứng, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
|
Tại Phòng Công chứng số 1 luôn có nhiều người đứng chen chúc chờ đến lượt nộp tài liệu công chứng. Ảnh: N.Diên
|
* Phân cấp thẩm quyền công chứng, chứng thực
- Phòng công chứng: Công chứng hợp đồng; Giao dịch có yếu tố nước ngoài; Hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản; Hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Bản dịch giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại; Chữ ký của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch ở trong nước và ở nước ngoài; Chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch ở nước ngoài; Lưu giữ di chúc; Các việc khác do pháp luật quy định.
- UBND cấp huyện: Chứng thực bản sao giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự trong nước; Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản theo thẩm quyền địa hạt; Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng; Văn bản thỏa thuận phân chia di sản; Văn bản khai nhận di sản; Các việc khác theo quy định pháp luật.
- UBND cấp xã: Chứng thực chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự trong nước; Chứng thực di chúc; Văn bản từ chối nhận di sản; Các việc khác.
* Lệ phí công chứng, chứng thực
+ Mức thu lệ phí công chứng áp dụng tại Phòng Công chứng:
- Các việc công chứng được xác định mức thu theo giá trị tài sản hoặc giá trị ghi trong hợp đồng từ 20 triệu đồng đến trên 5 tỉ đồng thì mức thu sẽ từ 10.000 - 2 triệu đồng/trường hợp.
- Văn bản bán đấu giá bất động sản; Hợp đồng bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ khác; Hợp đồng thuê, mượn nhà ở… Lưu giữ di chúc; Văn bản thỏa thuận phân chia di sản; Văn bản khai nhận di sản là 50.000 đồng/trường hợp.
- Hợp đồng thuê mượn tài sản khác; Hợp đồng ủy quyền; Việc sửa đổi bổ sung hợp đồng, giao dịch; Di chúc; Hợp đồng, giao dịch khác là 20.000 đồng/trường hợp.
- Giấy ủy quyền; Việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch; Văn bản từ chối nhận di sản; Chữ ký cá nhân là 10.000 đồng/trường hợp.
- Bản sao giấy tờ, cấp bản sao hợp đồng, giao dịch đã được công chứng là 1.000 đồng/trường hợp, từ trang thứ ba thu thêm 500 đồng, nhưng không quá 50.000 đồng/bản.
- Bản dịch giấy tờ và các việc khác là 5.000 đồng/trường hợp.
+ Mức thu lệ phí công chứng áp dụng tại UBND cấp huyện:
- Các việc công chứng được xác định mức thu theo giá trị tài sản hoặc giá trị ghi trong hợp đồng từ 20 triệu đồng đến trên 5 tỉ đồng thì mức thu sẽ từ 10.000 - 2 triệu đồng/trường hợp.
- Hợp đồng bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ khác; Hợp đồng thuê mượn nhà ở…; Văn bản thỏa thuận phân chia di sản; Văn bản khai nhận di sản là 50.000 đồng/trường hợp.
- Hợp đồng thuê mượn tài sản khác; Hợp đồng ủy quyền; Hợp đồng, giao dịch khác là 20.000 đồng/trường hợp.
- Giấy ủy quyền; Hủy bỏ hợp đồng, giao dịch; Chữ ký cá nhân là 10.000 đồng/trường hợp.
- Bản sao giấy tờ, cấp bản sao hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực là 1.000 đồng trang, từ trang thứ ba thu thêm 500 đồng, nhưng không quá 50.000 đồng/bản.
- Chứng thực các việc khác là 5.000 đồng/trường hợp.
+ Mức thu lệ phí chứng thực tại UBND cấp xã:
- Chứng thực di chúc là 20.000 đồng/trường hợp.
- Văn bản từ chối nhận di sản; Chữ ký cá nhân là 10.000 đồng/trường hợp.
- Các việc khác là 2.000 đồng/trường hợp.
|