Một số chính sách quản lý của Nhà nước về khoáng sản và chủ trương cho khai thác sa khoáng titan làm sạch môi trường trong Khu Kinh tế Nhơn Hội
9:54', 10/4/ 2007 (GMT+7)

Khoáng sản là tài sản quan trọng của quốc gia, phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bảo vệ môi trường. Để thực hiện được mục tiêu trên, Nhà nước đã ban hành hệ thống các văn bản pháp luật về khoáng sản, tạo khung hành lang pháp lý trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Ở tỉnh ta, quặng titan đang là loại khoáng sản được khai thác để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Báo Bình Định xin giới thiệu những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản để cán bộ, đảng viên, công chức và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về vấn đề này.

 

Khai thác quặng titan ở Cát Khánh (Phù Cát) của Công ty Bimail. Ảnh: TL

 

1. Chính sách quản lý của Nhà nước về khoáng sản:

Theo pháp luật về khoáng sản của Nhà nước Việt Nam, tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ sử dụng có hiệu quả mọi tài nguyên khoáng sản của đất nước, khuyến khích phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; bảo vệ môi trường, môi sinh và an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản, Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005 đã quy định thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản chỉ tập trung hai cơ quan: thứ nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các mỏ lớn quy mô công nghiệp thuộc quy hoạch khoáng sản cả nước; thứ hai là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đối với các mỏ nhỏ không nằm trong quy hoạch khoáng sản cả nước và các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, than bùn.

Các tổ chức, cá nhân muốn được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản phải có giấy phép đăng ký kinh doanh; có dự án khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phải có nhân lực đủ tiêu chuẩn chuyên ngành về địa chất - khoáng sản và trình độ quản lý điều hành khai thác; phải có thiết bị và công nghệ phù hợp; phải thực hiện các nghĩa vụ thuế và các quy định khác đối với Nhà nước.

Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển và mua bán khoáng sản không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, và những hành vi khác trái với quy định của pháp luật về khoáng sản. Những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản sẽ bị xử lý hành chính bằng các hình thức như phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định:

Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định tuy quy mô không lớn, nhưng khá đa dạng. Trong đó nổi bật nhất là các mỏ đá ốp lát, mỏ đá, cát xây dựng, mỏ sét làm gạch ngói, vàng và sa khoáng titan. Trong những năm qua các loại khoáng sản này, đặc biệt là sa khoáng titan đã được đưa vào khai thác sử dụng.

Sa khoáng titan của Bình Định, từ lâu đã được các cơ quan chuyên môn điều tra đánh giá. Dọc dải cát ven biển từ xã Nhơn Lý - thành phố Quy Nhơn đến xã Tam Quan - huyện Hoài Nhơn ít nhiều đều có quặng sa khoáng titan, tuy nhiên những khu vực tập trung có thể khai thác mang lại hiệu quả chủ yếu phân bố ở ven biển Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn và Khu Kinh tế Nhơn Hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có chương trình điều tra đánh giá lại sa khoáng titan ven biển tỉnh Bình Định từ năm 2004, và đã dự kiến một số khu vực có sa khoáng thuộc huyện Phù Cát và Phù Mỹ được đưa vào quy hoạch khai thác khoáng sản cả nước, thuộc diện Trung ương quản lý. Bên cạnh đó, giao cho UBND tỉnh Bình Định quản lý cấp phép khai thác tại một số khu vực có sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh, trong đó có Khu Kinh tế Nhơn Hội.

Khu Kinh tế Nhơn Hội được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với phạm vi diện tích là 12.000ha bao gồm xã Nhơn Hội và Nhơn Lý thuộc thành phố Quy Nhơn, một phần xã Phước Hòa thuộc huyện Tuy Phước, xã Cát Tiến và một phần xã Cát Hải, một phần xã Cát Chánh thuộc huyện Phù Cát. Khu Kinh tế Nhơn Hội được hình thành là kết quả nỗ lực lớn lao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định nhằm đưa tỉnh nhà thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tạo một bước đột phá trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tiến lên một tầm cao mới, xứng đáng là vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, sánh vai cùng sự phát triển chung của cả nước.

Theo kết quả điều tra đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì trong vùng đất cát của Khu Kinh tế Nhơn Hội còn chứa đựng tiềm năng sa khoáng titan chưa được khai thác. Tuy về hàm lượng quặng titan tại đây không bằng các vùng mỏ khác, nhưng cần phải được khai thác nhằm thu hồi khoáng sản, tránh lãng phí một nguồn tài nguyên có giá trị. Đây là quy định của pháp luật.

3. Sự cần thiết phải khai thác sa khoáng titan tại Khu Kinh tế Nhơn Hội để làm sạch môi trường:

Do trong quặng titan có tồn tại một số nguyên tố phóng xạ như Uran, Thori, do vậy những người dân sống trên các vùng mỏ quặng sa khoáng titan có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo các tài liệu nghiên cứu về tác hại của các tia phóng xạ cho thấy: các tia phóng xạ đi vào môi trường gây ra một số tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp vật chất mà nó đi qua. Nếu phạm vi, cường độ lớn, vượt qua ngưỡng cho phép thì sẽ phá hủy môi trường nên rất có hại.

Bất kỳ với nguồn phóng xạ tự nhiên (như từ đất đá, khoáng chất…) hay nhân tạo dù bị chiếu với liều lượng lớn hay nhỏ thì vẫn có thể gây ra những hiệu ứng sinh học nhất định. Các tổn thương về mặt sinh học đối với con người đều được bắt đầu từ kết quả tương tác của bức xạ với các chất nằm trong tế bào. Chính từ đây dẫn đến ảnh hưởng các phân tử, các tế bào và cuối cùng là gây ảnh hưởng đến các tổ chức và cơ quan trong cơ thể.

Hiệu ứng do nhiễm xạ gây ra phụ thuộc vào suất liều chiếu cao hay thấp. Nếu xạ liều cao có thể bị các chứng bệnh như rụng tóc, gây vô sinh, bệnh đục mắt (đục thủy tinh thể) chóng mặt, nôn mửa, mệt mỏi, kém ăn. Trường hợp xạ liều thấp có thể gây sự biến đổi của tế bào sẽ dẫn đến dễ hình thành các khối u hoặc bệnh ung thư, ảnh hưởng di truyền về đột biến tế bào cho thế hệ con cháu, nếu thai nhi bị nhiễm xạ có thể chết ngay trong quá trình phôi thai; thai nhi chậm lớn; thai nhi phát triển dị tật bẩm sinh; ung thư phát triển sớm từ lúc còn trẻ.

Ngoài ra, các chất phóng xạ còn xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống và hô hấp. Do vậy, những người dân sống trên vùng có phóng xạ với liều chiếu không cao nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi sự tích lũy dần dần theo thời gian các nguyên tố phóng xạ trong cơ thể. Sự tích lũy này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe trong hiện tại và tiềm ẩn nguy cơ lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu về mặt di truyền cho các thế hệ sau.

Theo các tài liệu khảo sát của các nhà chuyên môn về đo xạ bề mặt tại các mỏ titan của tỉnh Bình Định cho thấy: ở các khu vực có vỉa quặng tập trung hàm lượng cao chỉ số đo xạ đều vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam và quốc tế về an toàn bức xạ. Đây là một vấn đề đáng lo ngại của các nhà đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào Khu Kinh tế Nhơn Hội. Do vậy việc khai thác loại khoáng sản này không những thu hồi được nguồn tài nguyên có giá trị, mà còn có tác dụng làm sạch môi trường trước khi tiến hành các dự án đầu tư lâu dài vào Khu Kinh tế Nhơn Hội. Chính vì lẽ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao cho UBND tỉnh Bình Định xem xét cấp phép cho các đơn vị có nhu cầu khai thác để thu hồi quặng titan làm sạch môi trường tại Khu Kinh tế Nhơn Hội.

4. Một số vấn đề liên quan đến môi trường trong quá trình khai thác sa khoáng titan:

Vừa qua có một số dư luận trong nhân dân cho rằng việc khai thác titan sẽ làm cạn kiệt nguồn nước, gây sụp lún, xâm thực và trượt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Những lo ngại này của nhân dân là rất chính đáng. Tuy nhiên việc khai thác titan nếu được quản lý tốt của các cấp có thẩm quyền và các doanh nghiệp được phép khai thác tuân thủ nghiêm những quy định về công tác an toàn và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, thì những nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường nói trên hoàn toàn có thể được kiểm soát và không thể xảy ra bởi những lý do sau đây:

Hiện nay, các doanh nghiệp tiến hành khai thác titan tại mỏ chủ yếu bằng các phương pháp: Nếu tại khu vực có tầng chứa nước ngầm nằm sâu (khoảng vài chục mét) thì dùng máy ủi gạt phần cát quặng nguyên khai vào một thùng chứa cấp liệu và được hệ thống bơm hút cùng với nước để cấp cho hệ thống vít tuyển. Nếu tại khu vực có tầng chứa nước nằm gần mặt đất (khoảng 5-10m) thì hệ thống bơm sẽ bơm hút cát quặng cùng với nước cấp trực tiếp cho hệ thống vít tuyển được đặt trên bè nổi tại hố khai thác. Lượng cát quặng nguyên khai sau khi qua hệ thống vít tuyển được tách ra làm hai phần đó là quặng titan tổng hợp màu đen và phần cát thải. Phần quặng titan tổng hợp màu đen sẽ được chuyển đến các nhà máy tuyển tinh để tuyển ra các tinh quặng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc chế biến ra các loại sản phẩm có giá trị khác. Phần cát thải sẽ được thải ngay tại chỗ trên khai trường và trách nhiệm đơn vị khai thác phải san ủi hoàn thổ, trả lại địa hình gần đúng như ban đầu và trồng cây phục hồi môi trường theo quy định. Tùy vào mỗi khu vực mà hàm lượng quặng tian có trong khối cát nguyên khai nhiều hay ít. Tuy nhiên theo các tài liệu điều tra đánh giá của Nhà nước thì hàm lượng trung bình của quặng titan toàn vùng chỉ chiếm từ 1% đến 5% khối lượng cát nguyên khai. Do vậy khối lượng quặng được lấy đi trên thực tế là rất nhỏ, không đáng kể so với lượng cát thải còn lại trên bãi khai thác. Như vậy tổng lượng đất cát trong khu vực thay đổi rất ít trong quá trình khai thác. Ban đầu đất cát thải có thể bị hiện tượng tơi xốp nhưng chính lượng nước thải trong quá trình tuyển rửa sẽ có tác dụng lèn chặt (giống như biện pháp dùng nước để long nền nhà trong xây dựng nhà ở) và qua thời gian đất sẽ được đầm nén tự nhiên trở lại ổn định như ban đầu. Như vậy không thể có việc nước biển xâm thực hoặc gây sụp lún đất do quá trình khai thác tian.

Ở một khu vực nào đó thường xảy ra hiện tượng nước biển xâm thực, bào mòn đất, nguyên nhân chủ yếu là do quá trình tác động thường xuyên của tự nhiên. Các dòng hải lưu luôn gây ra hiện tượng bào mòn khu vực này và bồi đắp khu vực khác. Việc khắc phục hiện tượng xói mòn, xâm thực tại những vị trí xung yếu phải được thực hiện bằng những công trình trị thủy có mức đầu tư tương xứng.

Việc khai thác nước ngầm phục vụ cho khai thác titan cũng không thể gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ngầm bởi lẽ: quá trình khai thác chỉ sử dụng nguồn nước tự nhiên được khai thác từ các giếng khoan (ở khu vực có các tầng nước ngầm nằm sâu) hoặc tại hố đào (ở khu vực có các tầng nước ngầm nằm gần mặt đất), không pha trộn hóa chất. Nước ngầm được khai thác lên, sau khi qua hệ thống vít tuyển để tách quặng có mang theo một lượn mùn cặn sẽ được xả thải tại chỗ và thấm lọc qua tầng đất cát. Trong quá trình thấm, nhờ các tầng đất cát, nước xả thải sẽ được làm sạch và cấp lại cho tầng nước ngầm. Do vậy tổng lượng nước ngầm trong khu vực gần như không thay đổi, vì lượng nước bị thất thoát trong quá trình tuyển (chủ yếu do bốc hơi) là không đáng kể. Như vậy việc khai thác nước ngầm phục vụ cho khai thác titan không thể làm ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước.

5. Trách nhiệm, nghĩa vụ của các đơn vị được phép khai thác khoáng sản và quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến theo quy định của pháp luật về khoáng sản:

Về phía các doanh nghiệp để được tiến hành khai thác khoáng sản phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản và hoàn tất các thủ tục bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng, thuê đất khai thác, xin phép khai thác tài nguyên nước, lập phương án bảo vệ môi trường và được cơ quan nhà nước phê duyệt, nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản và phối hợp UBND các huyện và thành phố và chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) phổ biến công khai minh bạch cho nhân dân trong khu vực biết về quy trình và phương án khai thác khoáng sản của doanh nghiệp.

Trong quá trình khai thác doanh nghiệp được phép khai thác phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật cụ thể là:

- Nộp lệ phí, thuế về tài nguyên khoáng sản và nghĩa vụ tài chính khác cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm tiến độ, hoạt động khai thác phù hợp với dự án đã được duyệt.

- Tận thu và bảo vệ tài nguyên khoáng sản; bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chấp thuận.

- Báo cáo kết quả khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản; báo cáo các hoạt động khác cho chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

- Đăng ký ngày bắt đầu đưa mỏ vào hoạt động và kế hoạch khai thác với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản và UBND các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện.

- Có trách nhiệm đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai tại địa phương, ưu tiên thu hút lao động tại địa phương vào hoạt động khoáng sản và các dịch vụ có liên quan.

- Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

- Thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.

- Thực hiện các quy định về quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội và các quy định có liên quan.

Về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến được pháp luật về khoáng sản quy định như sau: Căn cứ vào nguồn thu từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, Nhà nước hàng năm dành một khoản từ ngân sách để đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nơi có khoáng sản khai thác, chế biến; tạo điều kiện ổn định sản xuất và đời sống cho bộ phận nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác phải thay đổi nơi sản xuất hoặc nơi cư trú.

.  Theo tài liệu của Sở KH-CN và Sở TN-MT

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy định tạm thời việc sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT   (15/03/2007)
Thời gian thẩm định dự án đối với dự án nhóm A không quá 40 ngày làm việc  (14/03/2007)
Ban hành Quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới khi tham gia giao thông  (12/03/2007)
Đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận nhà ở và quyền sử dụng đất ở trên địa bàn tỉnh  (08/03/2007)
Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề giai đoạn 2006 - 2010  (05/12/2006)
Quy định tiêu chuẩn công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “ Làng văn hóa”, “Khu phố văn hóa” trên địa bàn tỉnh Bình Định  (21/11/2006)
Tăng cường thực hiện chính sách cứu trợ xã hội đối với người dân gặp rủi ro  (16/11/2006)
Thông qua quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Định đến 2010 và tầm nhìn 2020  (15/11/2006)
Tổ chức tiếp nhận, xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính  (17/10/2006)
Ban hành cơ chế hỗ trợ vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn  (11/10/2006)
Nâng ngạch lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức  (27/09/2006)
Ban hành Quy chế tạm thời quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định  (11/09/2006)
Phê duyệt giá bán, mức trợ giá, trợ cước vận chuyển các mặt hàng chính sách miền núi, vùng cao  (01/09/2006)
Ban hành mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, làng, khu vực  (01/08/2006)
Hỗ trợ một phần viện phí cho người nghèo  (27/07/2006)