Thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27.12.2007 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân dọc hai bên đường bộ, đường sắt và tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; tạo sự thay đổi cơ bản về nhận thức các các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội trong công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang đường bộ, đường sắt góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, ngày 13.3.2008, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 139/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, nội dung của kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn các tuyến đường cụ thể như sau:
Đối với tuyến đường bộ, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến hết quý II năm 2008): thực hiện thống kê đầy đủ, chính xác các công trình đã được đền bù, xử lý và các công trình xây dựng trái phép hiện còn trong hành lang an toàn đường bộ. Tổng hợp kinh phí hỗ trợ thực hiện giải tỏa hành lang an toàn đường bộ. Tổ chức tuyên truyền, vận động cá nhân tự nguyện tháo dỡ các công trình, lều quán xây dựng trái phép; các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù, xử lý. Thực hiện cưỡng chế, giải tỏa dứt điểm các công trình đã được đền bù, công trình lấn chiếm, công trình xây dựng trái phép trong phạm vi từ 5 - 7m đối với đoạn tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa bàn tỉnh và các tuyến tỉnh lộ.
Giai đoạn 2 (từ quý III năm 2008 đến năm 2010): Hoàn thành quy hoạch tổng thể các vị trí đấu nối, các đường gom đến năm 2010 trên các tuyến quốc lộ, thỏa thuận với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đến trước ngày 31.12.2008; hoàn thành quy hoạch tổng thể các vị trí đấu nối, các đường gom đến năm 2010 trên các tuyến đường tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi đã được đền bù, xử lý từ 5 - 7m trên tất cả các đoạn tuyến quốc lộ và trên các tuyến đường tỉnh; hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ các đấu nối trái phép vào quốc lộ, tỉnh lộ; thực hiện thống kê phân loại các công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ theo thời gian vi phạm; lập dự toán kinh phí phải đền bù, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ và các công trình làm mất an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ báo cáo Bộ GTVT và trên các tuyến đường tỉnh báo cáo UBND tỉnh phê duyệt cấp kinh phí để thực hiện, thời hạn báo cáo đến trước ngày 31.3.2009.
Giai đoạn 3 (từ năm 2010 đến năm 2020): Rà soát diện tích đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, thực hiện thu hồi diện tích đất đã cấp. Đền bù giải tỏa xong hành lang an toàn đường bộ, các công trình ảnh hưởng đến an toàn đường bộ trên tất cả các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Thực hiện nhận bàn giao đầy đủ các mốc lộ giới trên các tuyến quốc lộ để quản lý. Hoàn thành cắm đầy đủ mốc lộ giới trên các tuyến tỉnh lộ để bàn giao cho chính quyền địa phương cấp huyện, xã quản lý.
Đối với tuyến đường sắt, chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2008): tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân để mọi người hiểu rõ các quy định của pháp luật về đường sắt, đặc biệt là hành lang an toàn đường sắt. Phối hợp cùng ngành đường sắt tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng tình hình vi phạm hành lang an toàn đường sắt và đề xuất các phương án giải quyết; vận động các tổ chức, cá nhân tự nguyện tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường sắt. Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ngang hiện có và bổ sung mới các đường ngang theo phân cấp quản lý của Điều lệ đường ngang.
Giai đoạn 2 (từ năm 2009 đến hết năm 2010): Lập quy hoạch tổng thể các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, hệ thống đường gom thỏa thuận với Bộ Giao thông Vận tải trước tháng 12.2009. Phối hợp cùng với ngành đường sắt lập dự toán, tổng hợp kinh phí phải đền bù giải tỏa trong hành lang an toàn đường sắt và các công trình làm mất an toàn giao thông đường sắt. Thực hiện cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, các công trình tái lấn chiếm; các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Phối hợp với ngành đường sắt cắm đầy đủ mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt; nhận bàn giao quản lý. Đề xuất ngành đường sắt xây dựng các tường rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang, lập đường gom rào cách ly an toàn giao thông đường sắt, đường ngang, cầu vượt đường sắt.
. Theo binhdinh.gov.vn
|