Nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường, sự lây lan dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đồng thời phát hiện sớm dịch bệnh động vật để có biện pháp xử lý, dập tắt kịp thời giúp cho chăn nuôi phát triển bền vững; ngày 14.9.2009 UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 657/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 điểm giết mổ heo, trâu, bò, gia cầm phân tán và phân bổ xen kẽ trong khu dân cư, giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường,…lực lượng thú y không đủ để thực hiện công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, bên cạnh đó tư thương đã lợi dụng giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh làm lây lan dịch bệnh động vật ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo đó, đối tượng áp dụng là các tổ chức (trong và ngoài nước), hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh, với quy mô giết mổ trong một ngày, đêm tối thiểu là trâu, bò 50 con, heo thịt 200 con, gia cầm (gà, vịt) 1000con đối với giết mổ riêng từng lợi gia súc, gia cầm; còn giết mổ mổ chung cả gia súc, gia cầm, trong đó thành phố Quy Nhơn được giết mổ trâu, bò 10 con, heo thịt 100 con, gia cầm 200 con; thị trấn được giết mổ trâu, bò 03 con, heo thịt 50 con, gia cầm 100 con; thị tứ, khu dân cư tập trung các huyện đồng bằng và thị trấn 3 huyện miền núi được giết mổ trâu, bò 01 con, heo thịt 20 con, gia cầm 50 con. Các chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phân tán chấp hành di dời, tháo dỡ, đưa gia súc, gia cầm đến giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Bên cạnh đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 xây dựng 17 cơ sở giết mổ, gia súc, gia cầm tập trung tại 11 huyện, thành phố.
Giao Giám đốc Sở NN - PTNT chịu trách nhiệm chủ trì trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện hàng năm; kiểm tra, theo dõi việc thực hiện để tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách kịp thời. Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng để tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách này cho các tổ chức, các hộ giết mổ gia súc, gia cầm biết và tổ chức triển khai thực hiện chính sách này đạt hiệu quả.
. Theo Cổng GTĐT UBND tỉnh |