UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 78/QĐ-UBND ngày 10.2.2010 về việc Sửa đổi, bổ sung Quy định về quản lý hoạt động khai thác sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Theo đó, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý hoạt động khai thác sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 29.1.2010 của UBND tỉnh như sau: Sửa đổi, bổ sung điểm đ Điều 3: Để bảo vệ khu vực dân cư nơi gần mỏ khai thác, hạn chế thấp nhất hiện tượng cát bay, bụi khói trong quá trình khai thác, yêu cầu phải giữ lại vành đai không khai thác cách khu dân cư tập trung ít nhất là 250m; khu dân cư không tập trung, đất sản xuất và các công trình công cộng ít nhất là 200m. Trong đó bề rộng vành đai cây xanh cách ly giữa khu vực khai thác và nhà dân ít nhất là 100m. Trong trường hợp vành đai bảo vệ này hiện trạng không có cây che chắn thì tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác phải đóng góp kinh phí, phối hợp với các cấp chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện việc trồng rừng tại khu vành đai này trong năm đầu tiên của quá trình khai thác.
Sửa đổi, bổ sung Điểm e Điều 3: Để đảm bảo chống xói lở và tránh ô nhiễm nguồn nước ngọt, tuyệt đối không được phép bơm hút nước mặn từ biển vào để sử dụng tuyển quặng trong quá trình khai thác. Việc sử dụng nguồn nước để tuyển quặng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép (tùy từng dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm khảo sát thực tế đề xuất cấp phép khai thác nước ngầm để khai thác titan, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Phù Mỹ triển khai phương án đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và hoạt động nghề cá của nhân dân). Đối với mỏ có biên giới giáp biển thì yêu cầu phải tạo đê cát để chắn sóng, chống xâm nhập mặn tại rìa phía giáp biển của khu mỏ. Khoảng cách giữa biên giới phía giáp biển khu mỏ phải cách mép nước của bờ biển tối thiểu là 100m.
Sửa đổi, bổ sung Điểm 1, Điều 7: Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp và lấy ý kiến các ngành, địa phương có liên quan, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét giải quyết cấp phép thăm dò, khai thác sa khoáng titan, khai thác tài nguyên nước và thuê đất để khai thác theo thẩm quyền; thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, tài nguyên nước; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Dự án cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản và đề án đóng cửa mỏ theo đúng quy định của pháp luật và kiểm tra việc thực hiện; chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan và địa phương tổ chức kiểm tra và xác nhận cho các tổ chức, cá nhân kết quả thực hiện việc phục hồi môi trường, đất đai, đưa các công trình mỏ về trạng thái an toàn khi kết thúc khai thác. Rà soát lại các dự án khai thác đang thực hiện, yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại phạm vi khai thác đảm bảo khoảng cách đối với khu dân cư đã quy định tại Điểm đ, Điều 3 của Quy định này.
. Theo Trang tin điện tử UBND tỉnh
|