10 thành phố đã mất đáng kinh ngạc nhất trên thế giới
9:29', 12/10/ 2007 (GMT+7)

Trên thế giới có nhiều thành phố một thời rất sầm uất và đông đúc  nhưng sau đó bị suy tàn và mất đi. Hầu hết chúng đã được các nhà khoa học tìm thấy và đang được nghiên cứu. Sau đây là danh sách 10 thành phố đã mất đáng kinh ngạc nhất.

1. Machu Picchu (Peru): thành phố đã mất của người Inca

Machu Picchu có nghĩa là “Đỉnh núi cũ”. Đó là một thành phố của người Inca  nằm trên đỉnh một ngọn núi cao 2.430 m. Phía dưới là thung lũng Urubamba (Peru), gần Cusco. Có lẽ Macha Picchu là biểu tượng quen thuộc nhất của đế chế Inca. Vì vậy, nó thường được gọi là “thành phố đã mất của người Inca”. Năm 1983, nó được xếp vào hàng di sản thế giới vào năm 1983 vì là một “kiệt tác kiến trúc và bằng chứng có một không hai của nền văn minh Inca”

Machu Picchu được xây dựng vào khoảng năm 1450, thời kỳ rực rỡ nhất của đế chế Inca. Chưa đầy 100 năm sau, nó trở thành hoang phế vì đế chế Inca đã sụp đổ dưới sự xâm lược của Tây Ban Nha. Mặc dù thành quách của Machu Picchu chỉ trải rộng 50 dặm tính từ thủ đô Cusco của Inca nhưng người Tây Ban Nha thuở đó không thể tìm ra và tiêu diệt được nó như đã từng hủy diệt nhiều thành phố khác của người Inca. Trải qua nhiều thế kỷ, rừng rậm mọc lên um tùm đã bao bọc và che phủ kín thành phố này nên ít có ai biết đến sự hiện diện của nó. Năm 1911, nhà nghiên cứu lịch sử Yale và nhà thám hiểm Hiram Bingham đã phát hiện ra Machu Picchu. Bingham giả thiết Machu Picchu có thể là nơi chôn nhau cắt rốn truyền thống của người Inca, hoặc cũng có thể là chốn thiêng liêng thờ “những trinh nữ của mặt trời”, còn những người làm nhiệm vụ bảo vệ di sản thế giới này lại cho rằng Machu Picchu là nơi để giới hoàng tộc Inca ẩn dật.

 

2. Cụm đền Angkor (Cam-pu-chia): nơi có nhiều di tích tín ngưỡng lớn nhất thế giới

Angkor là trung tâm văn hóa của  vương quốc Khmer vốn phát triển hưng thịnh trong khoảng thế kỷ 9 đến thế kỷ 15 sau công nguyên. Nói chính xác hơn, nền văn minh Angkor được xác định là bắt đầu từ năm 802 sau công nguyên khi Jayavarman II tự xưng là “quốc vương - thần linh” của đất nướcCam-pu-chia .Triều đại Khmer Hindu của Jayavarman II  tồn tại đến khi quân Xiêm xâm chiếm và phế bỏ thủ đô của vương quốc Khmer vào  năm 1431 sau công nguyên. Người Khmer buộc phải di cư xuống phương Nam và định cư tại vùng đất là Phnom Penh ngày nay.

Di tích cụm đền Angkor gồm hàng ngàn ngôi đền lớn nhỏ khác nhau nằm rải giữa những khu rừng ẩm ướt và những cánh đồng ở phía bắc hồ Tonle Sap (tiếng Khmer có nghĩa là Hồ Lớn), phía nam đồi Kulen, gần Siem Reap. Trong số đó, ngôi đền tráng lệ Angkor Wat được xem là di tích tín ngưỡng lớn nhất thế giới.

Cụm đền Angkor đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nhiều ngôi đền đã được phục hồi và thu hút khoảng 1 triệu du khách đến thăm mỗi năm.  Angkor cũng được xem là thành phố tiền công nghiệp lớn nhất thế giới với diện tích 1.150 dặm vuông. (Đối thủ của Angkor là thành phố Mayan của người TikalGuatemala với diện tích 50 dặm vuông).

 

3. Memphis (Ai Cập): Thành phố cổ của người Ai Cập

Memphis là thủ đô cổ của Vương quốc Ai Cập cũ. Nó được xây dựng vào khoảng năm 2200 năm trước công nguyên Vào thời kỳ Vương quốc Ai Cập mới, nó trở thành trung tâm hành chính.  Tên Ai Cập cổ của Memphis là Ineb Hedi (có nghĩa là “Những bức tường trắng”). Tên Hy Lạp Memphis là biến thể từ tên của kim tự tháp Pepi-I’s Ai Cập dưới triều pharaon  Men-nefer (triều đại pharaon thứ 6). Sau đó, cái tên Men-nefer bị đọc chệch thành Menfe in Coptic rồi biến thành Memphis.

Thành phố Memphis được xây dựng vào khoảng vào khoảng năm 2250 trước công nguyên) bởi Menes, người đã thống nhất hai vương quốc Ai Cập cũ và mới.

Memphis có khoảng 30.000 dân. Kể từ khi đó được xây dựng cho đến khi nó tàn lụi (khoảng từ năm 1557 đến 1400 trước công nguyên), nó là thành phố có đông dân nhất trên thế giới.  Thành phố cổ này phát triển rực rỡ nhất với vai trò là trung tâm tôn giáo của triều đại pharaon thứ 6 Ptah It  và suy thoái vào triều đại pharaon thứ 18 với sự nổi dậy của Thebes. Thành phố lại hồi sinh dưới thời các tỉnh trưởng Ba Tư trước trở thành thành phố đứng thứ hai sau Alexandria vào thời đại của đế chế La Mã cho đến tận khi thành Fustat (hay Fostat) ra đời vào năm 641. Sau đó, phần lớn Memphis bị bỏ hoang và trở thành nơi cung cấp đá cho các công trình xây dựng quanh đó. Di tích còn lại của đền Ptah và Apis cùng với một vài bức tượng khác đã được tìm thấy ở Memphis. Trong số các bức tượng tìm thấy có 2 tượng pharaon Ramesses II bằng thạch cao tuyết hoa cao 4 mét. Ngày nay, thành phố của những người chết Saqqara nằm gần Memphis.


4. Petra (Jordan): kiến trúc đá tạc vào núi

Petra có nghĩa là “Đá núi”. Thành phố này  nằm gần sườn núi Mount Hor (Jordan), trong một lòng chảo giữa những dãy núi ở phía Tây  vốn tạo nên thung lũng rộng lớn Arabah (Wadi Araba) trải dài từ Biển Chết đến Vịnh Aqaba. Petra nổi tiếng vì nó có nhiều kiến trúc xây dựng bằng đá khắc tạc vào núi. Nó được biết đến nhờ sự khám phá của nhà thám hiểm người Thụy Sĩ Johann Ludwig Burckhardt vào năm 1812. Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, chỉ có người châu Âu mới đến được thành phố này với sự hướng dẫn của người địa phương.

Năm 1985, nó được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Được bao bọc chung quanh bởi những núi đá cao chót vót và được tưới mát bởi một con suối chảy quanh năm, Petra không những có lợi thế của một pháo đài mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các con đường giao thương chính đến dải Gaza ở phía Tây, đến Bosra và Damascus ở phía Bắc, đến Aqaba và Leuce Come ở Biển Đỏ và chạy dọc sa mạc đến Vịnh Ba Tư. Petra suy thoái nhanh chóng dưới thời La Mã, phần lớn do việc điều chỉnh lại các con đường buôn bán dựa vào biển. Năm 363, một trận động đất đã phá hủy các kiến trúc xây dựng ở đây và làm tê liệt hệ thống quản lý nước sống còn của thành phố. Tàn tích của Petra là chủ đề gây tò mò trong suốt thời Trung Cổ và được các vua chúa Ai Cập viếng thăm cho đến khi ngừng hẳn vào thế kỷ 13. Người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Petra là Johann Ludwig Burckhardt.

 

5. Palmyra (Syria): Niềm kiêu hãnh của sa mạc

Palmyra là thành phố quan trọng của vùng trung tâm Syria vào thời cổ đại. Nó đã từng là điểm đến trong một thời gian dài dành cho khách du lịch caravan vượt qua sa mạc Syria. Vì vậy, nó nổi tiếng với tên gọi “Niềm kiêu hãnh của sa mạc”. Trong nhiều tài liệu cổ khắc bằng tiếng Semit của người Babylon tìm thấy ở Mari , người ta thấy thành phố Palmyra còn có tên là Tadmor hay Tadmur. Mặc dù thành phố cổ này không còn có người ở sau thế kỷ 16 nhưng nó vẫn được biết đến với cái tên Tadmor. Hiện vẫn có một khu định cư gần với di tích thành cổ mang tên Tadmor.

Vào giữa thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, Palmyra là một thành phố xinh đẹp và trù phú nằm dọc tuyến du lịch caravan nối Ba Tư với các hải cảng ở Địa Trung Hải của người Syria gốc La Mã và người Phê-nê-xi. Nó do người La Mã kiểm soát. Trong suốt thời kỳ phát triển đỉnh cao sau đó, các cư dân Ả Rập của Palmyra đã du nhập phong tục tập quán và cách thức ăn mặc của người Iran ở nước Pathia ở phía Đông và người La mã ở phía Tây. Theo kinh thánh của người Do Thái cổ, Tadmor là một thành phố ở sa mạc được vua Solomon của Judea, con trai thần David, xây dựng nên. Palmyra là một phần tỉnh lỵ của người La Mã ở Syria dưới thời cai trị của Tiberius. Nó dần dần trở thành con đường giao thương quan trọng nối liền Nam Tư, Ấn Độ, Trung Quốc và La Mã. Năm 634, các tín đồ Hồi giáo lần đầu tiên đặt chân đến Palmyra. Thành phố đã bị Khalidin Walid, người Ả Rập Hồi giáo xâm chiếm vào năm 636. Vào thế kỷ thứ 6, lâu đài Fakhreddine al Maany được xây dựng trên đỉnh một ngọn núi trông ra ốc đảo.  Lâu đài có hào bao quanh và chỉ vào được vào được qua một cây cầu kéo. Sau năm 800, người ta bắt đầu bỏ hoang Paymyra. 

 

6. Pompeii (Italia): bị nham thạch núi lửa chôn vùi

Thành phố Pompeii của La Mã nằm gần gần Naples ngày nay. Nó bị chôn vùi hoàn toàn cùng với thành Herculaneum khi núi lửa Vesuvius thức tỉnh vào ngày 24.8.79 và phun trào mãnh liệt suốt 2 ngày liền. Pompeii nằm dưới hàng mét tro nham thạch và đá bọt gần 1.700 năm cho đến khi nó được tình cờ phát hiện ra vào năm 1748. Kể từ đó, công tác khai quật đã cung cấp rất nhiều thông tin chi tiết về cuộc sống của thành phố vào thời kỳ hoàng kim của đế chế La Mã. Ngày nay, nó là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất của Italia và nó cũng được UNESCO xếp vào hàng di sản thế giới.

 

7. Palenque (Mexico): một trong những thành phố đẹp nhất của người Maya

Palenque là thành phố cổ của người Maya. Nó nằm gần sông Usumacinta thuộc bang Chiapas, Mexico ngày nay. Thành phố có nhiều công trình kiến trúc,tác phẩm điêu khắc, phù điêu và mái vòm chạm khắc tinh xảo nhất của người Maya.  Nó được xây dựng vào khoảng năm 100 trước công nguyên và phát triển mạnh mẽ nhất vào khoảng năm 600-700 sau công nguyên, dưới thời cai trị của vua Pakal (615-683). Nhiều tòa nhà và quảng trường đã được xây dựng vào thời kỳ này. Trong đó có lăng mộ Templo de las Inscripciones của vua Pakal.

Con trai của Pakal là Chan-Bahlum II đã tiếp tục phát triển nghệ thuật và kiến trúc của Palenque. Chính Chan-Bahlum II  là người đã chỉ huy việc xây dựng đền Grupo de la Cruz có nhiều trụ đá được trang trí hoa văn tinh xảo. Người ta có thể nhận ra ảnh hưởng văn hóa của kiến trúc Palenque ở thành phố Tikal của người Maya. Chan-Bahlum II chết vào năm 702. Người Tonina tấn công thành phố Palenque vào năm 730. Sau thế kỷ thứ 10, phần lớn Palenque bị bỏ hoang và bị lãng quên cho đến tận thế kỷ 18.  

 

8. Vijayanagar (Ấn Độ): Thủ phủ của một trong những đế chế lớn nhất của người Hindu

Vijayanagar, thủ phủ của một trong những đế chế Hindu hùng mạnh nhất, được hoàng tử Harihara và Bukka của triều đại Sangama xây dựng nên. Vào năm 1336.  Nó phát triển rực rỡ nhất dưới thời vua Krishnadevaraya (1509-1529) khi vị vua này cai trị gần như toàn bộ bán đảo phía Nam của sông Krishna và Tungabhadra.  Nó có thể  sánh bằng  thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào thế kỷ 14 với dân số khoảng nửa triệu người và diện tích 33 km2. Bao bọc xung quanh Vijayanagar là hệ thống hầm hào công sự đồng tâm. Thành phố sống dựa vào việc kiểm soát giao thương mua bán gia vị và phát triển ngành công nghiệp bông vải. Các khu chợ của Vijayanagar đã từng là trung tâm thương mại quốc tế. Đế chế Hindu sụp đổ vào năm 1565 khi liên minh Deccan của các vị vua Hồi giáo Bidar, Bijapur, Golconda, Ahmednagar và Berar đánh bại trong trận Talikota. Các nước Hồi giáo đã mở rộng lãnh thổ về phía nam Ấn Độ.

Thành phố phế tích này nằm ở một vùng có nhiều tảng đá đẹp và lạ mắt. Đền Vittala do vua Krishnadevaraya xây dựng dở dang vào thế kỷ 16 là một trong tác phẩm điêu khắc đẹp nhất của nghệ thuật Vijayanagar. Những cột đá bên ngoài đền thờ này có một điểm độc đáo là phát ra những âm thanh trầm bổng như nốt nhạc mỗi khi người ta gõ vào. Các xe ngựa bằng đá trang trí bên trong sân đền có biểu tượng rắn thần Garuda.

 

9. Ephesus (Thổ Nhĩ Kì): một trong những thành phố quan trọng nhất của cộng đồng người theo đạo Thiên chúa giáo sơ khai

Ephesus là thành phố Hy Lạp thời Anatolia cổ. Nó được những người đi khai hoang từ Athen đến xây dựng vào thế kỷ thứ 10 trước công nguyên. Ephesus nằm ở Inonia, nơi con sông Cayster chảy vào biển Aegean. Ephesus có một trong 7 nhà thờ của châu Á được nhắc đến trong Sách Khải huyền (cuốn cuối cùng trong bộ kinh Tân ước). Đó cũng là nơi có nghĩa địa lớn của các đấu sĩ ngày xưa.

Ephesus là trung tâm quan trọng đối với cộng đồng người theo đạo Thiên chúa giáo sơ khai.

 

10. Sanchi (Ấn Độ): cụm đền thờ Phật giáo được bảo tồn tốt nhất

Di sản thế giới được UNESCO công nhận này nằm ở trung tâm Ấn Độ, gần sông Betwa. Sanchi được xây trên một ngọn đồi đầy đá sỏi cao 90 m ở vùng thôn quê. Nó là cụm đền thờ Phật giáo được bảo tồn tốt nhất trên thế giới hiện nay. Điểm nổi bật nhất của Sanchi là Tháp Lớn được phát hiện vào năm 1818. Có lẽ nó được hoàng đế Asoka xây vào giữa thế kỷ thứ 3 trước công nguyên và sau đó được mở rộng thêm. Kiến trúc vững chắc này được bao quanh bởi một hàng rào đá khổng lồ với 4 cổng vào có nhiều nét chạm khắc tinh xảo mô tả cuộc đời của đức Phật.

Bản thân Tháp Lớn cũng có một trụ đế đỡ một mái vòm tượng trưng cho trái đất và vòm trời. Nó nổi lên bởi một chấn song vuông, biểu tượng của núi non trên trái đất. Từ đó, một cột cao tượng trưng cho trục của vũ trụ vút lên. Cột cao đó đỡ cho nhiều mái vòm ám chỉ nhiều tầng trời.

Cụm di tích còn có nhiều tháp nhỏ, một đại sảnh để tụ họp (caitya), một trụ Asokan có câu chữ khắc trên đó và một vài tu viện (được xây vào thế kỷ 4-11 sau công nguyên). Người ta còn phát hiện ra dấu tích của một vài cái giỏ và hơn 400 tài liệu chữ khắc.

  • Tố Uyên (theo Oddweek)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giải độc bằng rượu Vodka  (10/10/2007)
Sống sót sau 8 ngày lênh đênh trên biển  (09/10/2007)
Viên kim cương xanh đắt nhất thế giới  (09/10/2007)
Cậu bé 3 tuổi bị câm bất ngờ đọc thông, viết thạo  (09/10/2007)
Trao giải Ig Nobel 2007 cho nghiên cứu về phân bò và “bom đồng tính”  (05/10/2007)
Biến thành người khác sau khi ghép tạng  (05/10/2007)
Cách "trị" những người quấy rối qua điện thoại  (04/10/2007)
Đợt thủy triều lớn nhất thế giới  (02/10/2007)
123 tuổi mới là... già!  (01/10/2007)
Người đàn ông cao 3m  (30/09/2007)
Bé gái sơ sinh nặng 7,75 kg  (27/09/2007)
Biển quảng cáo lớn nhất thế giới  (26/09/2007)
Quả cân chuẩn của thế giới đang nhẹ đi một cách bí ẩn  (26/09/2007)
Đứt lìa môi vì hôn  (20/09/2007)
Rao bán nước Bỉ  (19/09/2007)