10 sinh vật gớm ghiếc nhất ở đại dương
20:53', 1/11/ 2007 (GMT+7)

1. Cá độc Mesopelagic

Cá độc Mesopelagic sống ở độ sâu 80-1.600m dưới biển là một trong những loài cá có hình dạng dễ sợ nhất trong số các loài cá ở đáy đại dương. Về đêm, một số con ngả màu đen nhưng lại phát sáng ở một số chỗ quan trọng trên cơ thể như vây lưng nhằm thu hút sự chú ý của con mồi. Ánh sáng phát ra là nhờ vào lân tinh sinh học. Một số con không có màu. Nói cách khác là chúng “trong suốt” giống như nhiều loài cá sống ở dưới đáy biển sâu. Mắt của loài cá này giãn nở được nhằm thu nhận càng nhiều ánh sáng càng tốt khi chúng sống ở những nơi có rất ít, thậm chí hầu như không có tí ánh sáng nào. Chúng cũng có cái miệng và dạ dày lớn và co giãn mạnh để đủ nuốt và chứa con mồi lớn hơn chúng gấp nhiều lần. Vì dưới đáy đại dương có rất ít thức ăn cho nên chúng phải thích nghi với hoàn cảnh. Chúng chỉ ăn “đồ thừa” chìm xuống đáy biển và đôi khi ăn thịt lẫn nhau.

2. Cá răng nanh

Cá răng nanh còn được biết đến với cái tên Anoplogaster cornuta. Đó là một loài sinh vật có vẻ bề ngoài rất dữ dằn sống dưới đáy biển sâu. Mặc dù trông có vẻ giống quỉ sứ nhưng loài cá này chỉ dài khoảng 1,5 cm. Đầu của chúng rất to. Sở dĩ chúng được gọi là cá răng nanh vì chúng có hàm răng nhọn mọc tua tủa.

Sống ở độ sâu 4.875 dưới mực nước biển, Áp suất ở đó rất cao và nhiệt độ gần như đông cứng. Thức ăn vô cùng hiếm hoi. Vì vậy, cho nên cá răng nanh ăn bất cứ thứ gì nó thấy.Người ta thấy loài cá này ở khắp các vùng biển nhiệt đới, đặc biệt là ở ngoài  khơi Australia.

3. Cá rồng

Cá rồng có tên khoa học là Grammatostomias flagellibarba. Đó là một loài săn mồi rất dữ dằn dù thân hình của chúng rất nhỏ. Đầu của chúng cũng rất nhỏ và miệng cũng có nhiều răng sắc nhọn. Dưới cằm của chúng có một dải dài phát ánh sáng lân tinh nhấp nháy. Cá rồng thường đung đưa cái dải này để dụ con mồi tới gần và đớp gọn bằng cái hàm lởm chởm răng nhọn. Ngoài ra, dọc hai bên thân của cá rồng cũng phát sáng như tín hiệu để thu hút bạn tình vào mùa giao phối. Cá rồng sống ở độ sâu 1.500 m dưới đáy  biển. Chúng được tìm thấy ở phần lớn các vùng biển nhiệt đới trên thế giới.

4. Cá cần câu

Cá cần câu còn được biết đến với cái tên khác là Melanocetus johnsoni. Thân hình tròn trịa của loài cá này trông giống như một quả bóng chuyền. Với hàm răng sắc nhọn, nó còn được mệnh danh là “con quỷ đen”. Mặc dù trông dữ tợn nhưng cá cần câu rất nhỏ (chỉ dài khoảng 13 cm). Giống như nhiều loài cá sống ở đáy biển sâu, cá cần câu cũng có bộ phận phát ra ánh sáng lân tinh cạnh xương sống. Loài cá này nhấp nháy ánh sáng lân tinh và lúc lắc thân mình sao cho giống một chiếc cần câu nhằm thu hút con mồi lại gần. Có một điều lạ về loài cá này là con đực nhỏ hơn và trông rất khác con cái (xem hình). Con đực thường chỉ to cỡ một ngón tay và có một cái răng móc nhỏ để bám vào con cái. Khi đã bám được vào con cái, các mạch máu của con đực sẽ hợp với mạch máu của con cái và con đực sẽ sống ký sinh suốt đời trên con cái, lấy tất cả dưỡng chất của con cái để nuôi mình. Nếu không bám được vào con cái, con đực sẽ phải chết đói. Con cá cần câu thường được tìm thấy ở độ sâu hơn 914m thuộc khắp các vùng biển trên thế giới.

5. Rắn biển Gulper

Rắn biển Gulper có tên khoa học là Eurypharynx pelecanoides. Đây có lẽ là một trong những sinh vật kỳ quái nhất sống ở đáy đại dương. Đặc điểm nổi bật nhất của loài này là cái miệng rộng hoác. Các sợi cơ ở miệng rắn biển Gulper kết nối lỏng lẻo giúp cho chúng có thể mở rộng miệng để nuốt chửng con mồi lớn hơn nó gấp nhiều lần. Hàm dưới của nó trông giống như hàm dưới của loài chim bồ nông. Vì thế, đôi khi, người ta còn gọi loài rắn biển này là rắn bồ nông. Rắn biển Gulper dài từ 60-183cm và sống ở độ sâu từ 914-1.828m ở khắp các đại dương.

6. Mực tuộc khổng lồ

Mực tuộc khổng lồ có tên khoa học Architeuthis dux là một trong những loài vật lớn nhất trên thế giới với chiều dài có thể lên đến 18,5m. Nó là động vật không xương sống lớn nhất thế giới hiện nay. Mực tuộc khổng lồ là một loài động vật thân mềm thuộc họ cephalopod gồm mực tuộc và các loài mực khác. Con người biết rất ít về con vật bí ẩn này vì hiện nay chẳng có con nào còn sống trong tự nhiên. Tất cả những gì chúng ta biết đều thông qua xác của những con mực khổng lồ bị dạt lên bờ hay bị mắc kẹt trong lưới của ngư dân.

Mực tuộc khổng lồ là loài ăn thịt và ăn bất kỳ thứ gì chúng bắt được. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, nhiều thủy thủ sống sót sau các vụ đắm tàu đã kể nhiều câu chuyện rùng rợn về việc mực tuộc khổng lồ tấn công lên những thuyền nhỏ, kéo một thành viên trong thủy thủ đoàn xuống biển. Chưa có câu chuyện nào được kiểm chứng là xác thực. Tuy nhiên, người ta đã biết chắc chắn mực tuộc khổng lồ này có 8 xúc tua với những giác hút rất khỏe. Mực tuộc khổng lồ là thức ăn ưa thích của cá nhà táng. Người ta đã thấy xác của mực tuộc khổng lồ trong dạ dày của những con cá nhà táng đã chết. Trên thân của những con cá này còn hằn rõ vết giác hút của mực tuộc khổng lồ.

7. Con chân giống khổng lồ

Con chân giống khổng lồ (tên khoa học là Bathynomus giganteus) là loài lớn nhất trong họ động vật đẳng túc. Nó trông giống như con bọ cánh cứng mà ta thường thấy trong vườn nhưng là loài tôm cua ăn thịt dành phần lớn thời gian cày xới đáy biển để tìm thức ăn. Thức ăn của nó là bất kỳ thứ gì rơi xuống được tận đáy đại dương và những động vật không xương sống sống ở cùng độ sâu với nó. Nó dài khoảng 41cm và là động vật lớn nhất trong số các loài thuộc họ tôm cua. Khi gặp nguy hiểm, nó cuộn tròn mình lại để tự bảo vệ mình trong lớp vỏ giáp xác cứng. Nó có rất nhiều miệng với nhiều phần khác nhau đảm nhận từng nhiệm vụ cắn, xé và moi ruột con mồi. Con chân giống khổng lồ sống ở độ sâu hơn 600m ở khắp các đại dương trên thế giới.

8. Cá “quan tài”

Cá quan tài (tên khoa học là B.melanostomus) có cái mình mập bệu và cái đuôi dài phủ đầy gai nhỏ. Quanh cái miệng màu đen của nó có lớp da gồ lên còn mõm của nó có khả năng hạ thấp xuống thành đường khía. Loài cá này có thể dài tới ít nhất 10cm. Nó sống ở độ sâu 1,320-1,760m ở phía đông và trung Ấn Độ dương.Cái tên melonostomus bắt nguồn từ hai chữ ghép melanos và stoma trong tiếng Hy Lạp. Trong đó melanos có nghĩa là màu đen còn stoma có nghĩa là miệng. Họ cá Chaunacidae có hai chi Bathychaunax and Chaunax.

9. Mực quỉ

Mực quỉ (tên khoa học là Vampyroteuthis infernalis) có rìa lớn ở hai bên thân giống như những cái tai khổng lồ. Mình chúng nhũn nhão như thạch khiến người ta dễ cho rằng nó là sứa chứ không phải là mực thông thường. Dù chỉ dài 6 inches nhưng mực quỉ có đôi mắt hình cầu to bằng mắt của một con chó lớn. Toàn bộ thân của nó có những bộ phận có thể phát sáng được giúp cho mực quỉ có khả năng độc đáo là tự chủ động “bật/tắt” ánh sáng trên người mình theo như nó thích. Khi nó tắt các bộ phận phát ánh sáng lân tinh, con mực trở nên hoàn toàn vô hình trong làn nước tối om ở độ sâu 914m. Không giống như các loài mực thông thường, mực quỉ không có túi mực. Các xúc tua của nó phủ đầy gai giống như những chiếc răng sắc nhọn. Chính vì điều này nên nó mới có tên là mực quỉ. Hai trong số những xúc tua đó có sợi cơ co rút được và có thể duỗi dài gấp hai lần chiều dài thân mình của mực quỉ. Mực quỉ dùng hai “cánh tay” này để bắt con mồi. Khi gặp nguy hiểm, nó thu “tay” lại và tạo thành một mạng lưới bảo vệ quanh mình. Mực quỉ có thể bơi với tốc độ cực kỳ nhanh so với các loài thân mềm khác. Mỗi giây, nó có thể bơi được quãng đường dài gấp 2 lần cơ thể nó và mất 5 giây để đạt được tốc độ này. Nó cũng biết chạy vòng vèo để tránh sự truy đuổi của kẻ thù. Mực quỉ có ở khắp nơi trên thế giới nhưng phần lớn là ở các vùng biển nhiệt đới và ôn đới.

10. Quái vật mũi dài

Quái vật mũi dài có tên khoa học là Harriotta releighana. Mũi của nó dài đến 1,5m và nhọn như cái dùi khiến người ta liên tưởng đến phần đầu của máy bay siêu thanh cường kích. Ở Nam Phi, có được coi là “cá mập ma” dù có quan hệ rất ít với loài cá mập. Nếu lỡ chạm vào gai độc trên vây sống lưng ở phía trước của nó, người ta có thể sẽ chết. Loài này sống ở độ sâu 2.437m dưới đáy biển.

  • Tố Uyên (theo Oddee)

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà có 110 người  (31/10/2007)
“Siêu vượt ngục” với 4 lần trốn thoát thành công  (30/10/2007)
10 tuổi nói được… 11 thứ tiếng  (30/10/2007)
Ngân hàng của trẻ em đường phố  (29/10/2007)
Người phụ nữ nặng 222 kg đến bệnh viện bằng cách nào?!  (28/10/2007)
Xe tải đi trên… dây   (26/10/2007)
Tấm bưu thiếp 64 năm mới đến tay người nhận   (26/10/2007)
Nhận được ảnh cưới sau… 27 năm  (25/10/2007)
Sản phẩm kỳ lạ của gió  (25/10/2007)
Xe… bay  (25/10/2007)
Toilet di động dành cho xe hơi  (24/10/2007)
Khinh công trước cửa Nhà Trắng  (23/10/2007)
“Chú rể” 106 tuổi và “cô dâu” 81 tuổi  (23/10/2007)
Khỉ hoang đánh chết phó thị trưởng New Delhi  (22/10/2007)
Có một loài cá sống trên… cây  (21/10/2007)