|
Dị tật nhiều chân khiến bé Lakshmi không thể trườn bò hay đi lại. |
Hôm nay 6.11, các bác sĩ ở bệnh viện Narayana, ngoại ô thành phố Bangalore sẽ chính thức tiến hành cắt bỏ 4 chiếc chi thừa của Lakshmi Tatma - cô bé 2 tuổi “nhờ” dị thai sinh đôi dính liền dưới xương chậu mà được xưng tụng là “thần nữ nhiều tay” từ khi mới lọt lòng.
Còn nhớ cách đây 2 năm, khi vừa hay tin cô con gái đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ Tatma có số chân tay nhiều gấp đôi người bình thường, nửa nghìn người dân ở tỉnh Rampur Kodar Katti - một miền quê nghèo đói thuộc bang Bihar hiện vẫn sống trong sự thiếu điện và nước sạch - ngay lập tức đã kéo tới tận nơi để được chiêm ngưỡng nữ thần Lakshmi “tái thế”.
Bất kể già trẻ, gái trai, ai cũng một mực tin rằng bé con mới chào đời là vị thần nhiều tay do đức Phật “phái” xuống, vì một lý do nào đó mà hóa kiếp đầu thai làm con dân nghèo.
Tuy nhiên cho đến thời điểm này thì khoa học đã có xác minh thỏa đáng: số chi thừa đó đích thị là của một bào thai sinh đôi sống ký sinh, do chưa phát triển hết nên không có đầu và buộc phải “nương tựa” vào cô chị Lakshmi bằng cách bám vào xương chậu.
Ca phẫu thuật tốn kém này (ước tính trị giá hơn 200.000 USD) đòi hỏi sự chung sức của nhiều nhóm chuyên gia hàng đầu về giải phẫu - tổng cộng trên 30 người, có nhiệm vụ tách rời thận và xương cột sống của Lakshmi ra khỏi khối dị thai. Cứ sau 8 tiếng họ lại đổi ca một lần.
|
Bức chụp X-quang cho thấy xương chi của khối dị thai dính vào xương chậu thế nào. |
Quy trình phức tạp này sẽ được tiến hành liên tục theo trình tự như sau: đầu tiên phải tách quả thận chung ra khỏi vị trí “giáp ranh” hiện tại và đặt trọn vẹn vào cơ thể Lakshmi, bước tiếp theo là đóng đai xương chậu, đồng thời trả lại bộ phận sinh dục và tiết niệu của cô bé vào đúng vị trí. Sau đó, một nhóm chuyên gia khác sẽ gắn “nắp” nhân tạo vào khoảng trống cắt bỏ dị thai, cùng lúc cấy mô da để vết thương sẽ đóng miệng trong vòng 3 tuần.
Anh Shambu Tatma và chị Poonam - bố mẹ của bé Lakshmi cho biết, có lẽ con gái anh chị sẽ chẳng sống được đến tuổi dậy thì nếu không có ca phẫu thuật từ thiện ở bệnh viện Narayana.
Với đồng lương ít ỏi chừng 2 đô-la mỗi ngày, họ đã chắt chiu tằn tiện với hy vọng sẽ chạy chữa khỏi bệnh cho cô con gái. Ấy thế nhưng đi đến bệnh viện nào hai vợ chồng cũng chỉ nhận những cái lắc đầu và những lời từ chối. Cho đến một ngày Tiến sĩ Patil ghé thăm ngôi làng nghèo đói của họ ở bang Bihar.
“Lakshmi chưa từng được một bác sĩ nào thăm khám cho đến khi bác sĩ Patil xuất hiện ở làng chúng tôi. Tôi tin con gái mình là một sự đầu thai điều kỳ diệu, tuy nhiên nó không thể có một cuộc sống hạnh phúc nếu giữ mãi bộ dạng như thế này”.
. Theo Dân Trí |