Cá sấu nuốt đá để giữ thăng bằng khi bơi
Dạ dày của cá sấu luôn lổn nhổn đủ mọi thứ do chúng nuốt vào, từ rùa, cá, chim đến hươu cao cổ, trâu, sư tử và thậm chí là đồng loại (khi cần thiết để bảo vệ lãnh địa). Những viên đá lớn khi được cá sấu nuốt có thể tồn tại vĩnh viễn trong dạ dày của loài bò sát này.
Cá sấu nuốt đá vào bụng là để làm giảm nhẹ công việc cho dạ dày. Ngoài ra, nó còn giúp chúng giữ thăng bằng cho cơ thể. Nếu không có đá trong dạ dày, khi bơi cá sấu rất khó giữ thăng bằng.
Cá voi nuôi con bằng sữa
Nuôi dưỡng một chú cá voi con mới sinh quả là chuyện không nhỏ đối với cá voi mẹ, nhất là khi chúng đã sống trong tử cung cá voi mẹ từ 10-12 tháng, dài bằng 1/3 chiều dài của cá voi mẹ, tức khoảng 9 m.
Cá voi mẹ phun sữa vào miệng của cá voi con bằng các cơ quanh tuyến vú, trong khi đó cá voi con phải giữ chặt núm vú của cá mẹ (cá voi có núm vú).
Chứa gần 50% lượng chất béo, gấp 10 lần lượng chất béo có trong sữa của con người, sữa của cá voi mẹ giúp cá con đạt được tốc độ tăng trưởng chóng mặt, gần 9 kg mỗi ngày.
Bồ câu có thể định vị tuyến đường bay
Loài chim bồ câu có thể bay hàng ngàn cây số để tìm ra đúng địa điểm chúng muốn tìm đến mà không gặp chút khó khăn nào về mặt định vị, điều đó nhờ vào hệ thống khứu giác và hệ thống định vị từ trường của chúng.
Khứu giác của bồ câu có chức năng giống như một chiếc đồng hồ hay la bàn để định vị hướng đi. Rất nhiều loài sử dụng nam châm ngay trong người để tìm ra hướng đi tương ứng với từ trường của Trái Đất.
Tạp chí “Animal Behaviour” (Hoạt động của động vật) xuất bản vào tháng 11.2006 cũng công bố một nghiên cứu cho rằng, chim bồ câu cũng có thể “nhớ” các cột mốc quen thuộc bên dưới mặt đất để giúp chúng dò tìm đường đi.
Hải ly hầu như không hoạt động vào mùa đông
Hải ly hầu như không sinh hoạt và trở nên rất yếu vào mùa đông. Chúng sống bằng các loại thức ăn dự trữ hoặc lượng mỡ tích trữ trong chiếc đuôi to đùng của chúng. Hải ly “bảo tồn” năng lượng bằng cách không đi ra bên ngoài trời lạnh giá. Thay vào đó, chúng thường nằm trong hang tối tăm có chứa đầy gỗ củi và bùn.
Hải ly thường ra ngoài khi mặt trời lặn và thu mình vào trong hang lúc mặt trời mọc. Loại gặm nhấm này không có khái niệm về thời gian và chúng phát triển một chu kỳ tự do 29 giờ một ngày.
Mắt chuột chũi trông ti hí nhưng không phải mù
Với đôi mắt ti hí trông rất yếu ớt, công với cuộc sống chui lủi dưới đất, loài chuột chũi châu Phi từ lâu đã được coi là gần như mù, mắt chỉ để cảm giác những chuyển động trong không khí, chứ không phải để nhìn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây chứng minh rằng, chuột chũi thực ra vẫn nhìn thấy ánh sáng, dù có hạn chế. Chúng không thích những gì nhìn thấy. Vì ánh sáng theo chúng có nghĩa là một kẻ săn mồi đang đột nhập vào trong hang.
Chim non biết chia sẻ, giúp đỡ “họ hàng”
Thật sai lầm khi nghĩ rằng loài vật rất ích kỷ, chỉ biết lo cho sự sống còn của riêng mình. Những con chim non thường giúp đỡ “những anh em họ hàng” của chúng bằng cách tạo ra một tiếng kêu đặc biệt trong khi ăn.
Tiếng kêu này nhằm thông báo nguồn thức ăn cho những con chim non khác gần đó, có thể là “họ hàng” gần và có nhiều gene chung với chúng.
Cá thay đổi giới tính
Chúng ta mãi bị cuốn hút với nhiều sinh vật kỳ bí trên cạn, nên dễ quên đi những điều huyền bí đang diễn ra dưới lòng đại dương.
Ở một số loài cá, tình trạng lưỡng tính phổ biến hơn nhiều so với các loài động vật có xương sống. Một số con cá thay đổi giới tính để thích nghi với chu kỳ sinh trưởng của hormon hay sự thay đổi của môi trường. Một số khác trong cùng một lúc sở hữu cả hai cơ quan giới tính đực và cái.
Bất lợi từ cái cổ dài của Hươu cao cổ
Hươu cao cổ có chiếc cổ cao ngồng là để tranh giành lá cây với những loài ăn thực vật khác. Tuy nhiên, lợi thế chiều cao này cũng đem lại một số bất lợi cho chúng.
Tim của hươu cao cổ (nặng gần 12 kg) phải hoạt động gấp 2 lần so với bò để bơm máu lên não, đồng thời cần tới một hệ thống mạch máu phức tạp để đảm bảo máu không dồn xuống mặt mỗi khi chúng cúi đầu xuống. Cùng lúc, lớp da dày của con vật và một bó cơ kỳ lạ ở trong tĩnh mạch cổ (tĩnh mạch thường không có cơ) sẽ bổ sung áp suất cho tĩnh mạch này để đưa máu từ đầu trở lại trái tim
Da chân cũng phải cực kỳ chắc để ngăn máu đọng lại ở móng guốc.
|